Nở rộ trào lưu du lịch “ngắt kết nối”
Đầu năm nay, trang Booking.com đã thực hiện nghiên cứu trên 24.000 khách du lịch trên 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, 44% du khách toàn cầu muốn trải nghiệm cuộc sống hoang sơ, không có sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại…
Những bungalow ẩn mình, bữa tối bên lửa trại và những chiếc la bàn - đại diện cho các chuyến đi “ngoài vùng phủ sóng”, sẽ được tìm kiếm nhiều hơn bao giờ hết trong năm 2023. Phần lớn du khách (55%) sẽ hướng đến những chuyến đi “ngắt kết nối” để tạm xa cuộc sống thực tế. Gần một nửa (44%) muốn trải nghiệm những điều cơ bản khi đi du lịch, trong khi 58% quan tâm đến việc học các kỹ năng sinh tồn như tìm nguồn nước sạch (53%) và tự tạo ra lửa (42%).
Ngạc nhiên là có tới 47% thế hệ Gen Z và Millennials đều muốn thử qua trải nghiệm này. Các chuyên gia cho biết, nhu cầu được ngắt kết nối ngày càng trở nên cấp thiết hơn, trong bối cảnh những ngôi nhà trở thành nơi làm việc từ xa trong thời kỳ dịch bệnh, từ đó khiến số giờ làm việc của nhiều người lao động đã vượt quá mức tối đa 52 giờ/tuần theo quy định của pháp luật.
Liên minh châu Âu (EU) định nghĩa quyền “ngắt kết nối” là “quyền của người lao động được ngừng làm việc và không tham gia vào các hoạt động liên lạc điện tử liên quan đến công việc, chẳng hạn như e-mail hoặc tin nhắn, ngoài giờ làm việc”. Trong khi quyền này chưa được chuyển thành luật tại EU, nhiều quốc gia trong khu vực đã lần lượt đưa ra các điều luật nhằm bảo vệ nhân viên khỏi bị công sở làm phiền sau giờ làm việc.
Pháp – quốc gia nổi tiếng với tuần làm việc 35 giờ, đã đi tiên phong trong vấn đề này từ năm 2017 khi cho phép người lao động có quyền bỏ qua các thông tin liên lạc về công việc sau khi đã kết thúc giờ làm việc hoặc xin nghỉ phép. Chia sẻ với BBC vào thời điểm đó, nghị sĩ đảng Xã hội Benoit Hamon đã nhận xét rằng “Các nhân viên rời khỏi văn phòng, nhưng không rời bỏ được công việc. Họ vẫn bị ràng buộc bởi một loại dây xích điện tử”.
Gwendoline Dessaux, quản lý một nhà hàng và trung tâm leo núi tại thành phố Strasbourg, thường không mang điện thoại theo người trong trong các kỳ nghỉ. Năm nay, cô cũng yêu cầu các nhân viên không liên lạc với mình khi đã hết giờ làm việc, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp về y tế hay có hỏa hoạn. Các chuyên gia cho rằng, vào thời điểm hiện tại, điều quan trọng hơn cả là việc cần tách rời người lao động khỏi công việc của họ trong bối cảnh sự mệt mỏi và tâm lý lo lắng đang ngày càng gia tăng.
Ariane Ollier-Malaterre, Giáo sư quản lý tại Đại học Quebec ở Montreal, người gần đây là đồng tác giả của một bài báo về quyền “ngắt kết nối”, cho biết tách rời khỏi công việc có nghĩa là người lao động có thể dành thời gian tham gia vào một hoạt động khác, chẳng hạn như đi du lịch, dã ngoại mà không cảm thấy có lỗi hay băn khoăn về công việc hay cộng sự, lãnh đạo.
Mới đây, đảo Ulko-Tammio thuộc Vườn quốc gia Phần Lan được coi là hòn đảo du lịch có quy định hạn chế điện thoại di động đầu tiên trên thế giới. Du khách khi tham quan trên hòn đảo sẽ được khuyến khích cất điện thoại hoặc dán các sticker che màn hình để có thể tận hưởng cảnh quan thiên nhiên mà không bị làm phiền bởi tin nhắn công việc hay mất tập trung và lướt mạng xã hội. Chính sách này không mang tính bắt buộc nhưng được khuyến khích.
Trong sáu năm liên tiếp, Phần Lan được mệnh danh là “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” và “đảo Ulko-Tammio, nằm ngoài khơi bờ biển Hamina, sẽ là nơi không điện thoại vào mùa Hè này”, Mats Selin, chuyên gia về du lịch đảo tại Visit Kotka-Hamina, cho biết trong một thông cáo báo chí. “Chúng tôi muốn kêu gọi những du khách đi nghỉ mát hãy tắt các thiết bị thông minh để thật sự tận hưởng những hòn đảo.”
Tổ chức Vườn quốc gia & Động vật hoang dã Phần Lan cũng đã khởi động chiến dịch giới thiệu những lợi ích của việc không sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử nhằm thu hút nhiều du khách tự nguyện áp dụng quy định này hơn. Sari Castrén, nhà tâm lý học, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Sức khỏe và Phúc lợi Phần Lan, cho biết: “Tắt điện thoại, khám phá thiên nhiên và gặp gỡ trực tiếp mọi người sẽ giúp bạn cải thiện tâm trạng và sức khỏe”.
New York Times - trang báo lớn hàng đầu nước Mỹ cũng đã phải nhận định rằng du lịch ngắt kết nối chắc chắn sẽ là xu hướng tiếp theo thay đổi thị trường xê dịch trên phạm vi toàn cầu. Thậm chí, du lịch "ngoài vùng phủ sóng" còn được xếp vào hàng "megatrend" - tức xu hướng với độ lan toả ở quy mô khổng lồ, mang tính "cú rẽ", thay đổi 180 độ bối cảnh chung và sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2025.
Troy Haas, chủ tịch và giám đốc điều hành của Brownell Travel cho biết du khách hiện đang quan tâm tới những chuyến đi như trước khi có sự xuất hiện của Internet. “Cảm giác muốn khám phá sẽ nhiều hơn khi du khách dành quá nhiều thời gian để sử dụng điện thoại, đăng hình ảnh hay video về một nơi lên mạng xã hội”, ông Haas nói. “Tương tự, vì xác định chuyến đi là để ngắt kết nối với thế giới, du khách sẽ không phải lo lắng về hành lý lỉnh kỉnh laptop hay điểm dừng chân có hay không ổ cắm để sạc pin”.
Theo Green Global Travel, chính xu hướng này đã làm tăng lượt tìm kiếm những khu nghỉ dưỡng sinh thái (ecolodge) tại các vùng biệt lập, trong môi trường tự nhiên tương đối nguyên sơ như bãi biển, rừng rậm và núi. Các khu nghỉ dưỡng sinh thái hàng đầu thế giới để du khách có thể bỏ quên các thiết bị kết nối hiện đại theo bình chọn của Green Global Travel có thể kể đến: Daintree Wilderness Lodge (Australia), EcoCamp Patagonia (Chile), Feynan Ecolodge (Jordan), Hamanasi Dive & Adventure Resort (Belize), Lapa Rios Lodge (Costa Rica), Phinda Forest Lodge (Nam Phi)…
Tại Việt Nam, Khu vực suối La Ngâu, huyện Tánh Linh, là địa điểm lý tưởng cho những người muốn ngắt kết nối với thế giới ảo. Từ TP HCM đến La Ngâu gần 200 km, mất khoảng 3 tiếng di chuyển theo cung đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - Long Khánh (Đồng Nai). Suối nằm ở phía thượng nguồn sông La Ngà, địa hình xung quanh phù hợp với hoạt động cắm trại. Có hai hình thức là dựng lều tại các bãi tự phát hoặc sử dụng dịch vụ. Khu vực này chưa có lưới điện, sóng điện thoại và Internet chập chờn, hầu như không có kết nối.
Ở phía Bắc, bản Hang Táu (Mộc Chậu) được ví như ngôi làng "nguyên thủy" vì không có điện, không có sóng điện thoại, không internet. Ở đây chỉ có bãi cỏ xanh, những căn nhà gỗ của người H’Mông tạo thành cụm biệt lập, được bao bọc bởi núi rừng. Người dân địa phương thường chăn thả gia súc tại những bãi cỏ tạo nên một khung cảnh vô cùng đặc sắc. Du khách sẽ thực sự hòa vào với thiên nhiên, không nghe thấy tiếng còi xe mà thay vào đó là tiếng chim hót, gà gáy, tiếng cây gió xào xạc…
Một nghiên cứu của Công ty tư vấn Anh có trụ sở tại 27 quốc gia trên thế giới, Simon-Kucher & Partners, cho thấy 61% số người được hỏi đều sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một chuyến du lịch "đi trốn" đúng nghĩa. Còn theo Travel Channel, xu hướng du lịch này không chỉ mang lại ý nghĩa tích cực tới môi trường, thiên nhiên mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn, nâng cao cơ hội việc làm cho những người dân sinh sống ở những vùng núi, vùng sâu vùng xa nơi còn có nhiều lạc hậu nhưng có bề dày văn hoá và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ.