18:41 23/06/2023

Mặt trái của du lịch mạo hiểm qua câu chuyện tàu lặn ngắm xác Titanic

Tường Bách

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đã tìm thấy mảnh vỡ của tàu lặn Titan dưới biển sâu trong một "cánh đồng mảnh vỡ" gần xác tàu Titanic bị chìm. Lực lượng Bảo vệ bờ biển cho biết, cả năm hành khách trên tàu đều thiệt mạng trong một "vụ nổ thảm khốc"…

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Phương tiện điều khiển từ xa gần Titanic đã phát hiện một mảnh vỡ trong khu vực tìm kiếm, CNN dẫn tuyên bố của Lực lượng Bảo vệ bờ biển cho biết tối 22/6 giờ địa phương. Chuẩn Đô đốc John Mauger bo biết, đuôi hình nón của chiếc tàu lặn đã được tìm thấy giữa các mảnh vỡ, phần còn lại của chiếc tàu lặn cho thấy, tàu gặp sự cố mất áp suất nghiêm trọng. Năm hành khách của con tàu thiệt mạng ngay lập tức trong một tình huống như vậy.

Lặn thăm xác tàu Titanic là một phần trong chương trình du lịch kéo dài 8 ngày của Công ty OceanGate Expeditions. Các du khách khởi hành từ Newfoundland, Canada, tới địa điểm xác tàu Titanic cách đó khoảng 740km bằng tàu hỗ trợ Polar Prince. Sáng 18/6 giờ địa phương, chiếc tàu lặn Titan đưa nhóm người xuống đáy biển tham quan. Tuy nhiên, sau 1 giờ 45 phút, con tàu mất liên lạc với tàu Polar Prince.

Con tàu Titan - tàu lặn ngắm xác Titanic của Công ty OceanGate - được thiết kế với hình dạng một khoang nhỏ và chỉ phù hợp cho một chuyến đi một ngày cho năm người. Năm 2022, một video của Đài CBS quay lại phía trong của chiếc tàu lặn cho thấy không gian bên trong như một căn phòng với diện tích chỉ vừa bằng một chiếc xe tải nhỏ. Là một chiếc tàu lặn tân tiến, tàu Titan có thiết kế nội thất tối giản hết mức. Không có ghế, cũng không có chỗ ngồi xác định, tất cả hành khách sẽ ngồi trên sàn, chân xếp bằng. Giày dép đã được yêu cầu tháo bỏ trước khi hành khách lên tàu.

5 người trên tàu lặn Titan đang mất tích gồm tỷ phú Anh Hamish Harding, chuyên gia Pháp Paul-Henry Nargeolet, nhà sáng lập OceanGate Expeditions Stockton Rush, doanh nhân Pakistan Shahzada Dawood cùng con trai Suleman.
5 người trên tàu lặn Titan đang mất tích gồm tỷ phú Anh Hamish Harding, chuyên gia Pháp Paul-Henry Nargeolet, nhà sáng lập OceanGate Expeditions Stockton Rush, doanh nhân Pakistan Shahzada Dawood cùng con trai Suleman.

Đài NPR dẫn lời phóng viên David Pogue của Đài CBS News - người từng tham gia chuyến thám hiểm trên tàu Titan, trước khi lên tàu để tham gia vào chuyến thám hiểm, những người tham gia đã ký một số giấy tờ với nội dung khuyến cáo rằng Titan là một "con tàu thí nghiệm" và "chưa được kiểm duyệt hay chứng nhận bởi bất kỳ cơ quan nào và có thể dẫn đến thương tích về thể chất, chấn thương tinh thần hoặc tử vong".

Theo báo New York Times ngày 21/6, ngay trước khi đội ngũ kỹ sư của Công ty OceanGate bàn giao tàu lặn Titan, công ty này đã nhận một loạt cảnh báo từ các chuyên gia trong và ngoài tổ chức. Đã có 38 chuyên gia thuộc ngành công nghiệp tàu lặn, bao gồm kỹ sư, nhà hải dương học, nhà thám hiểm đại dương… đã bày tỏ sự "lo ngại" về cách tàu Titan được phát triển.

Các chuyên gia này khẳng định cách tiếp thị của Công ty OceanGate "nếu nói nhẹ thì là dễ gây hiểu lầm". Theo đó, OceanGate công bố tàu lặn của mình đạt, thậm chí vượt xa các tiêu chuẩn an toàn của công ty đánh giá rủi ro DNV. Tuy nhiên, OceanGate chưa bao giờ đưa tàu Titan đến công ty trên. Ông Will Kohnen, một trong 38 chuyên gia trên, cho biết: "Việc họ cố tình không làm theo hướng dẫn phân loại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro".

Đáp lại những cảnh báo trên, OceanGate công khai khẳng định tàu Titan quá "tân tiến", khiến quá trình xin cấp phép với quy trình hiện tại có thể kéo dài nhiều năm. Do đó, tàu lặn này chưa bao giờ được một công ty kiểm định hàng đầu kiểm tra.

Công ty OceanGate bắt đầu mở tour du lịch ngắm xác tàu Titanic với chi phí khoảng 250.000 USD mỗi người từ năm 2020.
Công ty OceanGate bắt đầu mở tour du lịch ngắm xác tàu Titanic với chi phí khoảng 250.000 USD mỗi người từ năm 2020.

Stockton Rush, CEO hãng cung cấp dịch vụ thám hiểm đáy biển OceanGate Expeditions là một trong 5 người có mặt trên chiếc tàu lặn mất tích trên Đại Tây Dương ngày 18/6. Ông Rush thành lập OceanGate năm 2009, đặt trụ sở tại Washington (Mỹ). Ông biến đam mê khám phá đáy đại dương thành mô hình kinh doanh vì nhận ra nơi này dễ tiếp cận hơn nhiều so với vũ trụ. "Một trong những lý do tôi lập công ty là không hiểu tại sao chúng ta phải chi số tiền gấp 1.000 lần để khám phá vũ trụ, trong khi có thể thám hiểm các đại dương", ông cho biết trong một hội thảo tổ chức tại Seattle năm ngoái. Năm 2021, Rush cũng khẳng định nếu sau này không thể sống trên bề mặt Trái Đất, "tương lai của con người sẽ là ở dưới nước, chứ không phải trên Sao Hỏa".

Theo WSJ, khi thành lập OceanGate năm 2009, Rush cho biết công ty này đã mua một tàu lặn du lịch ở New Zealand. Năm 2015, họ ra mắt một tàu lặn có thể xuống sâu 490m. Sau đó, tàu Titan xuất hiện, có khả năng chạm tới độ sâu 4.000m, đủ để tiếp cận xác tàu Titanic. Công ty OceanGate bắt đầu mở tour du lịch ngắm xác tàu Titanic với chi phí khoảng 250.000 USD mỗi người từ năm 2020. Bản thân ông Rush từng phải hủy một chuyến thăm xác tàu Titanic hồi năm 2018, khi tàu lặn của ông bị sét đánh trúng, khiến hệ thống điện hư hỏng. Chuyến đi năm 2019 cũng bất thành vì tàu mẹ dùng để đưa đón khách tham quan và tàu lặn gặp trục trặc.

Du lịch mạo hiểm được đánh giá là ngành kinh doanh rủi ro cao, nhưng lợi nhuận hấp dẫn. Chỉ cần có đủ tiền, du khách có thể lên đỉnh Everest, vào vũ trụ hay lặn xuống đáy đại dương. "Tiền không phải là vấn đề với giới siêu giàu. Họ quan tâm đến trải nghiệm hơn. Họ muốn có thứ gì đó mình không bao giờ quên được", Nick D’Annunzio – Giám đốc hãng truyền thông TARA cho biết trên CNN.

Bên cạnh lặn sâu vào đại dương, giới siêu giàu còn có những trải nghiệm khác đầy thách thức như bơi cùng cá mập trắng ở Mexico, chèo thuyền gần núi lửa đang hoạt động ở New Zealand, hay thám hiểm không gian… Peter Anderson, giám đốc điều hành của Knightsbridge Circle, một công ty du lịch hạng sang cho biết: "Với những người đã quá quen thuộc với các trải nghiệm du lịch thông thường, họ luôn muốn tìm kiếm những điều mới lạ, và đi kèm theo đó thường là những mức độ rủi ro lớn”.

Du lịch mạo hiểm được đánh giá là ngành kinh doanh rủi ro cao, nhưng lợi nhuận hấp dẫn.
Du lịch mạo hiểm được đánh giá là ngành kinh doanh rủi ro cao, nhưng lợi nhuận hấp dẫn.

Theo các chuyên gia tư vấn du lịch xa xỉ, các chuyến tham quan mạo hiểm như vậy đã trở nên dễ tiếp cận hơn trong những năm gần đây nhờ công nghệ được cải thiện và thế giới trở nên kết nối hơn. Các công ty như Blue Origin của tỉ phú Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, đang cung cấp các chuyến bay tham quan rìa vũ trụ, cho phép du khách trải nghiệm cảm giác không trọng lượng ở độ cao 106 km so với mặt đất.

Công ty lữ hành White Desert (Anh) lại đang cung cấp dịch vụ máy bay riêng đến Nam Cực… Chi phí của các chuyến đi đó rất lớn. Một số hành khách trên các chuyến bay vào vũ trụ của Blue Origin phải trả hàng triệu đô la, trong khi một chuyến đi đến Nam Cực có chi phí rẻ hơn, có thể dưới 100.000 đô la.

Các chuyên gia tư vấn du lịch mạo hiểm thường làm việc với các công ty cung cấp dịch vụ địa phương để đảm bảo khách hàng được chuẩn bị đầy đủ về thể chất cho chuyến đi. Thế nhưng, vẫn khó tránh khỏi một số nguy hiểm. Dan Richards, CEO của Global Rescue, công ty cung cấp dịch vụ y tế, an ninh, sơ tán và quản lý rủi ro du lịch cho biết: “Chắc chắn, những rủi ro mà du khách trong các tour mạo hiểm gặp phải lớn hơn so với trước đây”.

Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Allied Market Research cho biết ngành du lịch mạo hiểm toàn cầu đạt giá trị 366,7 tỉ đô la vào năm 2022 và được dự đoán tăng lên 4,6 tỉ đô la vào năm 2032.