18:06 28/08/2023

Nobland Việt Nam tạm ngưng phương án cắt giảm hơn 600 lao động

Thi Nguyễn

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nobland Việt Nam phải tạm ngưng phương án cắt giảm lao động do không nhận được sự đồng thuận của công nhân…

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nobland Việt Nam phải tạm ngưng phương án cắt giảm lao động theo yêu cầu của Hepza - Ảnh minh họa
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nobland Việt Nam phải tạm ngưng phương án cắt giảm lao động theo yêu cầu của Hepza - Ảnh minh họa

Sáng ngày 25/8, đại diện Ban quản lý các khu chế xuất, công nghiệp TP.HCM (Hepza) và các cơ quan chức năng TP.HCM đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Nobland Việt Nam (khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, phường Hiệp Thành, Quận 12, TP.HCM; lĩnh vực sản xuất may mặc xuất khẩu).

Theo đó, Hepza đề nghị công ty tạm dừng phương án cắt giảm lao động. Đồng thời, cần thông báo, thỏa thuận với tập thể người lao động trước khi thực hiện phương án.

Đến chiều ngày 26/8, công ty đã có thông báo đến người lao động về việc tạm ngưng phương án cắt giảm 611 lao động.

Cụ thể, theo thông báo của Công ty Nobland Việt Nam, sau khi trao đổi và thống nhất với ban chấp hành công đoàn cơ sở, ban giám đốc công ty thống nhất thông báo tới toàn thể công nhân viên công ty tạm ngưng thực hiện phương án giảm lao động năm 2023 cho đến khi có thông báo mới.

Phía công ty sau đó đã phải quay lại tính lương cho công nhân lao động theo hợp đồng cũ sau buổi làm việc với tổ công tác của Hepza và các đơn vị quản lý lao động TP.HCM.

Trước đó vào ngày 7/8, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nobland Việt Nam đã có thông báo gửi Hepza về việc cho thôi việc nhiều lao động. Công ty dự kiến chấm dứt hợp đồng với 611 người lao động vào ngày 10/9 tới.

Nguyên nhân là do tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, dù công ty đã cố gắng nhưng nguồn hàng tiếp tục sụt giảm nên cần thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động.

Công ty Nobland đưa ra cho công nhân 2 lựa chọn. Thứ nhất, công ty chuyển đổi cơ cấu cho công nhân từ ăn lương thời gian sang ăn lương thưởng vượt mức (sản phẩm) và bị hạ 1/2 lương cơ bản hiện có. Nếu công nhân muốn tiếp tục làm việc tại công ty thì chấp nhận chuyển sang hạ mức lương cơ bản theo hợp đồng lao động của từng người lao động.

Lựa chọn thứ 2, nếu công nhân không đồng ý với lựa chọn 1 thì họ sẽ tự nguyện nghỉ việc và nhận 02 tháng lương cơ bản theo hợp đồng lao động của từng người lao động.

Đến chiều 24/8, công ty công bố chi tiết danh sách 611 người lao động. Theo danh sách, người mất việc nhận thấp nhất 2 tháng lương. Còn lại, thời gian tính hưởng trợ cấp mất việc cho công nhân sẽ trừ thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp (do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả) từ năm 2009 đến nay.

Tuy nhiên, phương án nói trên không được công nhân đồng thuận bởi hầu hết người bị cắt giảm đều là lao động làm việc lâu năm, đang nhận lương thời gian. Công nhân cho rằng doanh nghiệp dùng lý do thay đổi cơ cấu để buộc mình phải nghỉ việc nên gửi đơn cầu cứu nhiều nơi.

Theo nhiều người lao động, thông báo cắt giảm lao động tại công ty nhằm buộc người lao động nghỉ việc vì không chịu đổi từ chế độ hưởng lương thời gian (lương cứng theo tháng) sang hưởng lương tính theo sản phẩm.

Từ cuối năm 2021, công ty đã muốn chuyển đổi hình thức tính lương này nhưng thời điểm đó, công ty vấp phải phản ứng lớn của lao động khi 1.000 người đình công.

Người lao động cho rằng việc thay đổi theo cách tính lương này ảnh hưởng nhiều quyền lợi của họ, cụ thể như khiến lương bị giảm một nửa trong khi đó lương của nhiều người lao động làm việc lâu năm, chưa kể là sẽ mất nhiều chính sách phúc lợi khác như hỗ trợ nhà trọ, xăng xe...

 

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam (Quận Bình Tân, TP.HCM) vừa có thông báo cắt giảm công nhân lần thứ ba trong năm vì lý do đơn hàng chưa phục hồi, ít đối tác đặt hàng.

Dự kiến ở lần giảm lao động này, công ty cho nghỉ việc 1.221 người có hợp đồng không xác định thời hạn; chế độ cho người bị cắt giảm tương tự như hai lần trước. Ngày 26/8, doanh nghiệp thông báo với từng công nhân, thông tin các nội dung liên quan như chi trả trợ cấp thôi việc, ngày nhận lương, sổ bảo hiểm xã hội, thủ tục thuế.