17:08 22/07/2010

Nỗi lo kinh tế nhuộm đỏ chứng khoán châu Á

An Huy

Kết thúc chuỗi hai phiên tăng điểm liên tục, thị trường chứng khoán châu Á hôm nay đã quay đầu đi xuống

Những tín hiệu và dự báo ảm đạm về sự phục hồi của kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung đang là nguồn áp lực giảm điểm mạnh nhất đối với chứng khoán châu Á những ngày này - Ảnh: AP.
Những tín hiệu và dự báo ảm đạm về sự phục hồi của kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung đang là nguồn áp lực giảm điểm mạnh nhất đối với chứng khoán châu Á những ngày này - Ảnh: AP.
Kết thúc chuỗi hai phiên tăng điểm liên tục, thị trường chứng khoán châu Á hôm nay đã quay đầu đi xuống, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra nhận định bi quan về triển vọng kinh tế của nước này.

Cổ phiếu của các công ty xuất khẩu sang thị trường Mỹ là một trong những nhóm “chịu đòn” nhiều nhất trong phiên hôm nay.

Lúc gần 16h chiều theo giờ Tokyo, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,2%, còn 115,39 điểm. Trong 2 phiên tăng diễn ra trước đó, chỉ số này đã nhích được 0,3%.

Những tín hiệu và dự báo ảm đạm về sự phục hồi của kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung đang là nguồn áp lực giảm điểm mạnh nhất đối với chứng khoán châu Á những ngày này. Trong vòng khoảng 1 tuần trở lại đây, các con số thống kê của Mỹ cho thấy sự suy giảm hoặc phục hồi yếu ớt đang diễn ra ở các lĩnh vực bán lẻ, xây dựng, sản xuất công nghiệp… vốn là những đầu tàu tăng trưởng của kinh tế nước này.

Trong phiên điều trần hôm qua trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch FED Ben Bernanke làm giới đầu tư thêm lo lắng khi cho rằng, triển vọng phục hồi trong thời gian sắp tới của nền kinh tế lớn nhất thế giới là bấp bênh. “Chúng tôi thừa nhận triển vọng tăng trưởng kinh tế rất bất thường và không chắc chắn”, ông Bernanke phát biểu.

Kết quả là sau khi tuyên bố này được đưa ra, thị trường chứng khoán Phố Wall giảm điểm mạnh, kế đó là một phiên giảm điểm nữa trên diện rộng tại thị trường chứng khoán châu Á hôm nay. Đóng cửa ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 0,6%, hàn thử biểu S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,9%, NZX 50 của New Zealand giảm 0,7%, Kospi của Hàn Quốc giảm 0,8%...

Bù đắp cho sự giảm điểm của các thị trường láng giềng, chứng khoán Trung Quốc đại lục hôm nay có thêm một ngày tăng điểm. Chỉ số Shanghai Composite đã chốt phiên với mức tăng 1% sau khi một công ty môi giới tăng mức đánh giá đối với cổ phiếu của các công ty phát triển địa ốc và sản xuất thép. Giới đầu tư ở Trung Quốc đang kỳ vọng, sắp tới, Bắc Kinh sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế sự tăng trưởng nóng của giá nhà đang được áp dụng.

Đi đầu trong xu thế giảm điểm chung của toàn thị trường châu Á hôm nay là cổ phiếu của các tập đoàn xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ. Tại thị trường Seoul, cổ phiếu của “đại gia” hàng công nghệ Samsung trượt 1,1%; tại thị trường Tokyo, cổ phiếu của Canon giảm 0,8%, cổ phiếu Sharp giảm 2,1%, cổ phiếu Honda giảm 0,5%...

Tuy nhiên, cổ phiếu khối tài chính đã có mức giảm điểm nặng nề hơn do giới đầu tư cảm thấy bất an về báo cáo kiểm tra năng lực thanh khoản của các nhà băng châu Âu dự kiến công bố vào ngày mai, 23/7. Cuộc kiểm tra đối với 91 ngân hàng lớn nhất trong khối Eurozone đã hoàn tất, và kết quả của cuộc kiểm tra này sẽ là cơ sở để xác định khả năng chống chọi với suy thoái kinh tế và sự suy giảm giá trị tài sản trái phiếu chính phủ mà các ngân hàng đang nắm giữ.

Kết quả nói trên đã được thị trường tài chính toàn cầu chờ đợi đã lâu và được cho là sẽ có tác động mạnh tới giá cổ phiếu, trái phiếu, tỷ giá hối đoái, và giá cả các loại hàng hóa cơ bản trong phiên giao dịch ngày mai.

Giảm mạnh nhất trong số các cổ phiếu tài chính tại châu Á hôm nay phải kể tới cổ phiếu của ngân hàng cho vay lớn nhất Australia, Commonwealth Bank, với mức giảm 2,4%. Cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC niêm yết tại Hồng Kông đóng cửa ngày giao dịch với mức giảm 0,7%, cổ phiếu của nhà băng Anh quốc Standard Chartered giảm  0,8%...

Theo dữ liệu từ hãng tin Bloomberg, tính từ đầu năm tới ngày hôm nay, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 4,2%, đưa hệ số P/E (giá/thu nhập) của thị trường khu vực về mức 13,9 lần, thấp nhất kể từ tháng 12/2008, nhưng vẫn cao hơn mức P/E 13 lần của chỉ số S&P 500 ở Mỹ, hay mức 11,5 lần của chỉ số Stoxx Europe ở châu Âu.

Từ mức đỉnh của năm thiết lập vào hồi giữa tháng 4, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 11%. Áp lực giảm giá đối với cổ phiếu trên thị trường khu vực trong mấy tháng qua chính là cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, những nỗ lực hạ sốt nhà ở Trung Quốc, và tâm trạng hoài nghi vào triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu.