22:25 27/11/2009

Nỗi sợ hãi mới từ Dubai

Mai Phương

Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo sau khi Dubai tuyên bố tập đoàn đầu tư quốc doanh của nước này muốn xin khất nợ

Giống như người tiêu dùng ở các nước phương Tây trong thời gian kinh tế ăn nên làm ra, Dubai đã mạnh tay vay nợ để thúc đẩy sự phát triển như vũ bão của ngành bất động sản. Suy thoái nổ ra, các dòng vốn khô cạn, thị trường nhà đất ở đây lao dốc như một hậu quả tất yếu - Ảnh: Reuters.
Giống như người tiêu dùng ở các nước phương Tây trong thời gian kinh tế ăn nên làm ra, Dubai đã mạnh tay vay nợ để thúc đẩy sự phát triển như vũ bão của ngành bất động sản. Suy thoái nổ ra, các dòng vốn khô cạn, thị trường nhà đất ở đây lao dốc như một hậu quả tất yếu - Ảnh: Reuters.
Thị trường tài chính toàn cầu các ngày 26-27/11 đã chao đảo sau khi Chính phủ Dubai tuyên bố tập đoàn đầu tư quốc doanh mang tên Dubai World của nước này muốn xin các chủ nợ khất nợ 6 tháng đối với một số khoản nợ trị giá nhiều tỷ USD.

Giới phân tích quốc tế lo ngại, động thái này của Dubai có thể sẽ châm ngòi cho một làn sóng mới của khủng hoảng tài chính.

Tuyên bố của Chính phủ Dubai được thị trường nhìn nhận như một cú sốc, và là một biểu hiện cho thấy tình trạng tài chính u ám của nước này. Mặc dù thị trường Mỹ đêm qua đóng cửa để đón lễ Tạ ơn, thông tin trên đã đủ sức nhấn chìm các thị trường chứng khoán chủ chốt của châu Âu trong sắc đỏ. Trong phiên giao dịch tại châu Á hôm nay, sự giảm điểm với biên độ rộng đã tái diễn.

Một số nhà phân tích đã trấn an thị trường rằng, dù các ngân hàng cho Dubai World vay tiền có thể chịu thiệt hại đáng kể nếu công ty này vỡ nợ đối với một phần hoặc toàn bộ số nợ 59 tỷ USD đang mang, những nỗ lo về nợ chính phủ của Dubai và các nước vùng Vịnh khác sở hữu nguồn tài nguyên dầu lửa khổng lồ là không có căn cứ. Tuy nhiên, các thị trường giảm điểm mạnh bất chấp sự trấn an của một số chuyên gia.

“Đây là một làn sóng mới của khủng hoảng tài chính. Dubai có thể dược xem là ví dụ tiêu biểu nhất về sự vay nợ thái quá. Nước này có tỷ lệ nợ tính trên đầu dân cao nhất thế giới tính tới thời điểm hiện nay. Tôi cho rằng, đây không phải là một nền kinh tế trong tình trạng bình thường”, ông Christopher Davidson, một chuyên gia về chính trị vùng Vịnh, thuộc Đại học Durham, Anh, phát biểu.

Theo chuyên gia này, thông tin gây sốc về Dubai World có thể sẽ tác động tiêu cực tới danh tiếng của khu vực vùng Vịnh nói chung. “Vụ việc này sẽ ít nhiều làm sứt mẻ uy tín của vùng Vịnh, đồng thời chắc chắn sẽ làm giới đầu tư thận trọng hơn về các thị trường mới nổi lên”, ông Davidson nói.

Giống như người tiêu dùng ở các nước phương Tây trong thời gian kinh tế ăn nên làm ra, Dubai đã mạnh tay vay nợ để thúc đẩy sự phát triển như vũ bão của ngành bất động sản. Suy thoái nổ ra, các dòng vốn khô cạn, thị trường nhà đất ở đây lao dốc như một hậu quả tất yếu.

Năm ngoái, khi khủng hoảng tài chính leo thang mạnh, một quốc gia châu Âu có tỷ lệ vay nợ thái quá khác như Dubai là Iceland cũng đã thiếu chút nữa thì phải công bố tình trạng vỡ nợ cấp quốc gia. Tuy nhiên, dù không sở hữu nguồn dầu lửa dồi dào như những nước láng giềng khác ở vùng Vịnh, Dubai đã may mắn nhận được sự hậu thuẫn của các nước khác cùng nằm trong Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đặc biệt là Abu Dhabi.

Mặc dù vậy, thông tin gây sốc về Dubai World mà Chính phủ Dubai công bố hôm 26/11 đã khiến nhiều người trở nên hoài nghi về khả năng các nước trong UAE sẽ tiếp tục hỗ trợ Dubai và Dubai World.

Bởi thế, các hàn thử biểu chủ chốt của các thị trường chứng khoán London, Paris và Frankfurt ngày 26/11 đồng loạt lao dốc trên 3%. Trong phiên giao dịch sáng nay tại châu Á, các thị trường từ Tokyo tới Thượng Hải cũng trượt giảm từ 2-4%.

Trong khi đó, trái phiếu kho bạc Mỹ - kênh đầu tư được xem là "vịnh tránh bão" trước những bất ổn tài chính - đã tăng giá khá mạnh trên thị trường quốc tế, kéo theo sự phục hồi của tỷ giá USD.

Khả năng bất ổn dài hạn còn gia tăng khi các hãng định mức tính nhiệm hàng đầu thế giới hôm qua đã đánh tụt hạng tín nhiệm nợ của nhiều ngân hàng ở Dubai có nhiều ràng buộc với Dubai World.

Sự đánh tụt hạng mức tín nhiệm này đã khiến mức phí bảo lãnh cho nợ của Dubai phát hành trên thị trường quốc tế đã tăng gấp 4 lần. Đồng thời, ngân hàng Gulf Interntional Bank của Saudi,  một quốc gia vùng Vịnh khác, phải hoãn lại một đợt đấu giá trái phiếu dự định tổ chức trong tuần này.

Hiện chưa ai dự báo được hậu quả sẽ nghiêm trọng tới mức nào nếu Dubai World vỡ nợ. Tới lúc này, các ngân hàng chưa công bố cụ thể số tiền mà họ đã cho công ty này vay là bao nhiêu.

Tuy nhiên, theo thông tin mà hãng tin Reuters thu thập từ các nguồn thân cận, các ngân hàng quốc tế đang cho Dubai World vay khoảng 12 tỷ USD. Nếu so sánh với mức dự báo thua lỗ 2,8 nghìn tỷ USD của các ngân hàng Mỹ và châu Âu trong thời gian 2007-2010 vì khủng hoảng tài chính mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đưa ra, thì đây mới chỉ là một con số quá khiêm tốn.

Là một tập đoàn quốc doanh lớn, Dubai World bao gồm nhiều chi nhánh, trong đó có Nakheel - công ty đầu tư xây dựng đảo nhân tạo hình lá cọ nổi tiếng, vốn được xem là biểu tượng cho sự phát triển như vũ bão của ngành bất động sản Dubai.

Hiện Dubai World đang gánh khoản nợ lên tới 59 tỷ USD, hơn 2/3 trong tổng số nợ 80 tỷ USD của Chính phủ Dubai. Trong đó, ước tính, 2/3 số nợ này là do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ.

Riêng Nakheel có nghĩa vụ phải thanh toán số trái phiếu Hồi giáo trị giá 3,5 tỷ USD vào ngày 14/12 tới, và phải trả một khoản nợ 980 triệu USD vào ngày 13/5/2010. Trong khi đó, công ty Limitless, một thành viên khác của Dubai World, sẽ phải thanh toán lượng trái phiếu trị giá 1,2 tỷ USD đáo hạn vào ngày 31/3/2010.

(Theo New York Times, Reuters)