13:00 27/02/2023

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ

Hiểu Minh

Ngành nông nghiệp là bệ đỡ không chỉ trước đây, năm 2022 vừa qua, mà sẽ tiếp tục là bệ đỡ trong những năm tiếp theo để Việt Nam phát triển và tăng trưởng dương. Do vậy, cần phải hỗ trợ nhiều hơn nữa để nông nghiệp làm tốt vai trò này.

Trước đây nông nghiệp là bệ đỡ đương nhiên khi đất nước xuất phát từ nông nghiệp, với tỷ trọng lớn nhất về dân số, lao động, tổng sản phẩm trong nước,… công nghiệp, dịch vụ còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ khi đất nước trực tiếp rơi vào hay bị tác động của các cuộc khủng hoảng.

GÓP PHẦN VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG 

Cuộc khủng hoảng khó quên (tiềm ẩn từ cuối thập niên 70, bùng phát trong thập niên 80, kéo dài đến đầu thập niên 90 của thế kỷ XX) có những biểu hiện chủ yếu: tăng trưởng thấp, có năm còn bị giảm; là nước nông nghiệp, nhưng thiếu hụt lớn, ngay cả những nông sản thiết yếu, như lương thực, thực phẩm,… lạm phát phi mã, có những năm lên tới 700-800%; tỷ lệ thất nghiệp cao, có năm lên tới 13%,… Chỉ với ít chữ “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, “lương thực là trọng điểm số 1”,… với sự chuyển đổi cơ chế quản lý,… đã góp phần phát triển tương đối toàn diện, không những đủ tiêu dùng trong nước, mà còn xuất khẩu lương thực và nhiều loại nông, lâm, thủy sản với số lượng đứng hàng đầu thế giới.

Nói cách khác, nông nghiệp đã góp phần đưa Việt Nam ra khỏi cuộc khủng hoảng lớn, kéo dài, có sự tham gia của chính mình và kéo theo cả công nghiệp, dịch vụ thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. “Kéo theo” từ cả 2 nghĩa: nông nghiệp vốn là cơ sở của phát triển và bài học chuyển đổi cơ chế quản lý từ nông nghiệp. Vượt qua cuộc khủng hoảng này, đất nước có định hướng chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng trước hết và trọng điểm số 1 là công nghiệp hóa nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ - Ảnh 1

Vượt qua cuộc khủng hoảng trên chưa lâu, khi đất nước vừa mở cửa, hội nhập,… thì cuộc khủng hoảng thứ hai ập đến - đó là cuộc khủng hoảng tiền tệ Đông Á xảy ra vào năm 1997. Do đồng tiền Việt Nam chưa chuyển đổi, lại có “thùng gạo” đầy, có thêm “thùng dầu” đang đầy lên và có tỷ trọng kinh tế thực (gồm nông, lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp - xây dựng) lớn hơn tỷ trọng kinh tế dịch vụ, thì đối với một nước nông nghiệp đã không bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng - tuy cũng bị ảnh hưởng ở một mức độ nhất định về tăng trưởng, lạm phát, xuất khẩu,… nhưng không lớn và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Khi Việt Nam mở cửa, hội nhập với thế giới (năm 2007), thì cuối năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 100 năm mới có xảy ra. Việt Nam không bị cuốn hút ngay vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng này, không bị tăng trưởng âm, không bị đổ vỡ hàng loạt,… (bởi Việt Nam có tỷ trọng kinh tế thực lớn hơn tỷ trọng kinh tế dịch vụ, trong đó có nông, lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục là bệ đỡ cho công nghiệp - xây dựng và dịch vụ), tuy bị ảnh hưởng chậm hơn, nhưng kéo dài hơn.

Gần đây nhất là đại dịch Covid-19 lan tới Việt Nam vào năm 2020, bùng phát vào năm 2021, diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung nhiều hơn vào các địa bàn có nhiều cơ sở công nghiệp, dịch vụ, tập trung nhiều lao động đang làm việc, nhập cư. Số lao động đang làm việc giảm hơn 1 triệu lao động vào năm 2020, giảm tiếp trên 4,5 triệu lao động vào năm 2021. Nhiều doanh nghiệp phải ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 năm đại dịch giảm chỉ còn bằng một nửa tốc độ tăng của 2 năm trước,… nhưng Việt Nam vẫn nằm trong số ít nền kinh tế đạt tăng trưởng dương. Trong các yếu tố góp phần hạn chế tác động của đại dịch so với nhiều nơi trên thế giới, có yếu tố chủ yếu đó là nông nghiệp Việt Nam tiếp tục là bệ đỡ của của nền kinh tế.

ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Năm 2022, nhờ thay đổi chiến lược phòng chống đại dịch Covid-19, cùng với nông nghiệp là bệ đỡ và các yếu tố khác, đã giúp cho nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản và toàn nền kinh tế đạt được nhiều kết quả tích cực.

Một là, tăng trưởng nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản đạt được ở cả 3 ngành cụ thể: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (biểu đồ 1). Tốc độ tăng toàn nhóm ngành năm 2022 là 3,36%, cao hơn so với tốc độ tăng của 3 năm trước (năm 2019 tăng 2,67%, 2020 tăng 3,04%, 2021 tăng 3,27%).

Tốc độ tăng của ngành lâm nghiệp cao hơn tốc độ tăng chung và tốc độ tăng của ngành nông nghiệp. Một số sản phẩm lâm nghiệp chủ yếu còn tăng với tốc độ cao hơn (như: trồng rừng mới tập trung tăng 3,4%, gỗ khai thác tăng 7,2%…).

Tốc độ tăng của ngành thủy sản cao hơn tốc độ tăng chung và tốc độ tăng của ngành nông nghiệp. Một số sản phẩm thủy sản còn tăng cao hơn (như: sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 6,3%, sản lượng tôm tăng 7,2%).

Hai là, cơ cấu nhóm ngành nông, lâm - thủy sản chuyển dịch theo hướng tích cực. Việc 2 ngành lâm nghiệp, thủy sản tăng cao hơn ngành nông nghiệp chứng tỏ cơ cấu của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản có sự chuyển dịch theo hướng phát triển toàn diện hơn.

Ba là, tốc độ tăng/giảm sản lượng một số sản phẩm nông, lâm nghiệp - thủy sản chủ yếu năm 2022 so với năm 2021 thể hiện ở biểu đồ 2. Năm 2022, có nhiều loại sản phẩm tăng so với năm trước, làm tăng cân đối sản xuất, sử dụng, tiêu dùng ở trong nước.

Bốn là, sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng đã góp phần vào việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Quý vị độc giả có thể đặt mua ấn phẩm Kinh tế 2022-2023: Việt Nam và Thế giới tại đây.

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ - Ảnh 2