Nước lẫn dầu thải: Công ty nước sông Đà vẫn chưa xin lỗi người dân
Đại diện Công ty nước sạch sông Đà khẳng định "Xin lỗi hay không sẽ chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng"
Chiều 17/10, UBND tỉnh Hòa Bình cùng một số cơ quan liên quan đã tổ chức họp báo thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà gây bức xúc trong dư luận Thủ đô mấy ngày qua.
Tại buổi họp báo này, đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình và Công ty Nước sạch sông Đà đã trả lời và thông tin một số nội dung quan trọng về nguồn gốc của nước sạch sông Đà, quy trình bảo vệ nguồn nước, bao giờ mới xử lý được ô nhiễm, khi nào người dân có thể được sử dụng nước sạch đúng nghĩa…
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, cho dù là đơn vị kinh doanh, bán nước thu tiền và đã để xảy ra sự việc ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân trong nhiều ngày qua, nhưng đại diện Công ty Nước sạch sông Đà đến thời điểm này vẫn không đưa ra bất kỳ một lời xin lỗi nào đối với hàng trăm nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố nói trên.
Vẫn chỉ nên dùng nước để tắm giặt, không nên ăn uống
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Công ty Đầu tư nước sạch sông Đà có phương án bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần, sức khỏe cho khách hàng hay không?
Đại diện công ty Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết: Hiện cơ quan công an đã khởi tố vụ án: "Khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng nên chúng tôi chưa có thông tin gì để cung cấp cho báo chí".
Về việc nước bao giờ…sạch trở lại, đại diện công ty Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết: Đến nay do chưa có kết quả phân tích nên nước chỉ dùng để tắm rửa, vệ sinh theo đúng khuyến cáo của UBND thành phố Hà Nội.
"Khi nào có kết luận xét nghiệm chỉ tiêu thì mới có thể khẳng định được, kết luận xét nghiệm ngày 16/10, công ty chưa nhận được. Điều này phụ thuộc vào tiến độ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố Hà Nội. Mong cơ quan báo chí có ý kiến để cơ quan chức năng sớm có kết quả xét nghiệm nước đầu ra để chúng tôi xin ý kiến UBND thành phố Hà Nội", đại diện Công ty Đầu tư nước sạch sông Đà nói.
Công ty Nước sạch sông Đà cho hay, ngày 16/10, trong cuộc họp khẩn UBND thành phố Hà Nội, Trung tâm kiểm soát bệnh tật khẳng định chất lượng nước sông Đà đã đạt tiêu chuẩn. Styren đã dưới chuẩn. Căn cứ kết quả, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo công ty nước sạch sông Đà cấp nước lại.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo nước mới chỉ phục vụ tắm rửa, vệ sinh", đại diện Công ty Đầu tư nước sạch sông Đà.
Đối với câu hỏi công ty có nợ người dân lời xin lỗi, đại diện nước sạch sông Đà khẳng định: "Xin lỗi hay không sẽ chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng".
Đại diện Công ty nước sạch sông Đà có mặt tại buổi họp báo chiều 17/10.
Trong khi đó, Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hòa Bình Trần Hiếu Phương cho hay, hồ Đầm Bài có rất nhiều nguồn nước: Có nhiều con suối nhỏ ở các nơi chảy vào nhưng trên thực tế chưa có vùng bảo vệ an toàn nước.
"Cảm quan đã nhìn thấy váng dầu không còn nhiều. Xuống suối thì vẫn còn mùi khét. Một số chỗ còn váng dầu bám vào. Việc này đặt ra xử lý ô nhiễm nguồn nước ở suối. "Ngoài váng dầu đã hớt được thì có thể còn hợp chất lơ lửng trong nước, bám dính vào đáy suối, cát, sỏi… nên phải có xử lý triệt để. Khi đó mới đảm bảo được chất lượng nước đầu vào.
Để đánh giá được chính xác, sau khi xử lý xong phải tiếp tục lấy mẫu phân tích thường xuyên mới có thể đảm bảo an toàn nguồn nước", ông Phương cho hay.
Khó kiểm soát chất lượng nước đầu nguồn
Đồng quan điểm trên, đại diện UBND tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, việc hồ chứa Đầm Bài rộng 69ha, nơi chứa nước ngọt cung cấp cho nhà máy nước Sông Đà có lưu vực lớn cùng nhiều suối nhỏ dẫn vào hồ nên công tác bảo vệ vùng hồ, kiểm soát chất lượng nước đổ về hồ gặp khó khăn.
Cơ quan chức năng tỉnh kiến nghị xây kênh dẫn nước kín để dẫn nước từ sông Đà về nhà máy, không sử dụng hồ Đầm Bài là hồ chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện nay.
Trước đó, UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, đến nay Tổng cục Môi trường (Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc) đã lấy 4 mẫu nước mặt suối Trầm (đoạn từ vị trí đổ dầu thải đến điểm chảy vào hồ Đầm Bài), 2 mẫu nước thải ra ngoài môi trường tại điểm xả thải, 1 mẫu dầu thải lẫn nước, 4 mẫu chất thải rắn và 8 mẫu trầm tích suối Trầm, 5 mẫu nước (tương ứng với từng quy trình xử lý nước tại nhà máy).
Ngoài ra, UBND tỉnh Hòa Bình nhận định: Việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải là không đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại. Qua khảo sát của cơ quan chức năng, khu vực 300 m suối Trầm nêu trên cho thấy nước mặt suối Trầm là nơi tiếp nhận dầu thải tại một vài vị trí còn váng dầu thải, có mùi khét.
Một số vị trí trên suối Trầm có vết dầu loang trên mặt nước và 2 bên bờ suối. Khu vực suối Bằng gần cầu Vật Lại có than hoạt tính, điểm tiếp nhận nước suối Bằng vào hồ Đầm Bài, quan sát thấy nước trong không có váng dầu.
Trong khi đó, theo Công ty nước sạch sông Đà, sau khi phát hiện vụ việc, công ty đã tiến hành thu gom dầu thải. Khối lượng thu gom khoảng 100 lít dầu, nước dính dầu; 7 bao tải có dính dầu khoảng 60 kg được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại của nhà máy; khoảng 3-4 m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy, thành và đáy hố được lót bạt dứa, trên mặt phủ đất.
Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cũng khẳng định, việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải của Nhà máy nước sông Đà không đúng quy định; yêu cầu công ty khẩn trương thu gom; xử lý cát nhiễm dầu đã chôn lấp trong khuôn viên nhà máy.
Trong diễn biến có liên quan, hiện Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyên Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ/CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ Luật Hình sự.