15:21 01/06/2017

Ông chủ AirAsia và bài học “làm những điều chưa ai làm”

Kim Tuyến

Mua lại AirAsia với giá 1 Ringgit, Anthony Fernandes đã biến nó trở thành hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Đông Nam Á

Khi dịch SARS bùng nổ hồi năm 2002, AirAsia đã tăng gấp 3 ngân sách quảng cáo - Ảnh: Business Times.
Khi dịch SARS bùng nổ hồi năm 2002, AirAsia đã tăng gấp 3 ngân sách quảng cáo - Ảnh: Business Times.
Gần 20 năm trước, Đông Nam Á hầu như không có hãng hàng không giá rẻ nào. Nhưng hiện nay, các hãng giá rẻ lại chiếm hơn một nửa các chuyến bay trong khu vực này. Theo trang Tech In Asia, đi đầu sự bùng nổ của hàng không giá rẻ phải kể đến doanh nhân Anthony Fernandes - người đứng sau thương hiệu AirAsia.

Là cựu nhân viên của Warner Music, năm 2001, Fernandes mua lại AirAsia khi đó đang hấp hối từ chính phủ Malaysia với giá 1 Ringgit và biến nó trở thành hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Đông Nam Á.

Từ một hãng hàng không chỉ có 2 máy bay, 250 nhân viên cùng khối nợ hàng chục triệu USD, AirAsia đã vươn lên tầm cao mới và hiện sở hữu 220 phi cơ, 20.000 nhân viên cùng 65 triệu khách hàng mỗi năm.

Lợi dụng sức mạnh của Internet và công nghệ

Theo Tech In Asia, AirAsia hiện là một trong những hãng hàng không giá rẻ hàng đầu thế giới. Năm 2017, AirAsia là hãng giá rẻ Đông Nam Á đầu tiên được giới chức Mỹ bật đèn xanh mở đường bay tới nước này.

Tuy nhiên, hành trình để đi đến thành công đó không hề dễ dàng và cũng từ đó, Fernandes đã rút ra nhiều bài học quý giá trên con đường xây dựng thương hiệu hàng không giá rẻ đầu tiên tại Đông Nam Á.

Fernandes thừa nhận rằng ông từng lo sợ sẽ thất bại khi mua lại AirAsia. “Tôi không sợ bản thân thất bại, mà sợ sẽ khiến 250 nhân viên phải thất vọng. Nếu chúng tôi thất bại, họ sẽ thất nghiệp”.

Giống như mọi công ty khởi nghiệp, AirAsia luôn thiếu tiền và Fernandes mỗi ngày đều phải “gõ đầu” giám đốc tài chính (CFO) của mình.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ xa hơn một tuần bởi chúng tôi không có nhiều tiền mặt. Chúng tôi cũng không có kinh nghiệm, trong khi chỉ có 2 máy bay để cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn nhiều”, Fernandes cho biết.

Ông có gắng tìm nguồn vốn, vay thế chấp, tín dụng từ ngân hàng nhưng không mấy thành công. Khi đó, không ai sẵn sàng cho một gã mới rời ngành âm nhạc và quyết định xây dựng một hãng hàng không.

“Internet chính là cứu tinh của chúng tôi”, Fernandes cho biết.

Nhờ bán vé trước qua mạng, AirAsia có tiền để xoay vòng và phát triển dần dần tới khi đủ điều kiện vay tiền từ ngân hàng. Hình thức này cũng cho phép hãng bán vé trực tiếp tới tay khách hàng, bỏ qua các kênh phân phối truyền thống và giảm chi phí.

Fernandes cho biết hiện doanh thu từ bán vé trực tuyến chiếm tỷ lệ lớn trong tổng doanh thu của AirAsia, mang về hơn 1,5 tỷ USD cho hãng này trong năm ngoái.

Hiện nay, kinh doanh trực tuyến vẫn là “xương sống” trong hoạt động của AirAsia, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hơn và giá vé ngày càng rẻ hơn. Phần lớn doanh thu của hãng đến từ các sản phẩm và dịch vụ phụ trợ bán trực tuyến như hành lý ký gửi, bữa ăn, Wifi, đặt phòng khách sạn, thuê xe, tích lũy dặm bay…

Tuy nhiên, từ những ngày đầu, việc thu hút mọi người mua vé máy bay qua mạng không phải dễ dàng.

“Có sẵn Internet nhưng không phải ai cũng có thẻ tín dụng để mua hoặc sẵn sàng dùng nó”, Fernandes cho biết.

“Đây là một thách thức nhưng chẳng có gì một sản phẩm tốt không làm được. Tôi biết rõ người Malaysia. Nếu bạn đưa cho họ một sản phẩm tốt, họ sẽ tìm ra cách để mua nó. Họ sẽ dùng thẻ tín dụng của bà mình ở Mỹ để mua. Họ luôn tìm ra cách”, Fernandes nói thêm.

Làm những điều chưa ai làm


Dịch SARS bùng nổ hồi năm 2002 không khiến AirAsia ảnh hưởng nhiều. Thời điểm đó, khi khách hàng e sợ việc di chuyển bằng đường hàng không, Fernandes đã nhìn ra cơ hội để xây dựng thương hiệu AirAsia.

“Tôi đã yêu cầu đội marketing tăng gấp 3 ngân sách quảng cáo. Và họ đã hỏi liệu có phải tôi uống nhầm thuốc hay không”, Fernandes chia sẻ.

“Nhưng bởi vì không có hãng nào quảng cáo vào thời điểm đó, nên tôi làm, bằng cách giảm giá vé”, ông nói thêm.

“Tôi hiểu rõ người Malaysia - nếu bạn đưa ra mức giá đủ thấp, họ sẽ đánh liều mạng sống của mình”.

Ban đầu, AirAsia tập trung vào chinh phục thị trường Malaysia. “Bạn phải nắm trong tay thị trường nội địa trước”, Fernandes cho biết.

Sau đó, Fernandes nhìn thấy cơ hội lớn ở các thị trường Đông Nam Á khác mà chưa có hãng hàng không giá rẻ nào khai thác.

“Tất cả các hãng đều tập trung vào Ấn Độ, Trung Quốc… Nhưng tôi cho rằng tại sao lại bỏ qua thị trường 700 triệu dân này nhỉ”, Fernandes nhớ lại.

Nhờ vậy, AirAsia có được lợi thế của người tiên phong khi mở những đường bay chưa có hãng này khai thác.

 “Chúng tôi có đường bay tới Bandung của Indonesia mà khi đó chưa hãng nào khai thác. Hiện AirAsia có 32 chuyến bay tới Bandung mỗi ngày và cũng đã có nhiều hãng khai thác đường bay này”, Fernandes cho biết.

Từ ASEAN, AirAsia mở rộng ra Ấn Độ, rồi Trung Quốc. Hiện hãng này cũng khai thác các đường bay dài dưới tên thương hiệu AirAsia X tới Trung Đông, Australia và châu Âu.

Ít người biết rằng ông chủ của AirAsia từng theo học ngành kế toán. Trước khi làm trong ngành âm nhạc và hàng không, Fernandes làm vị trí kế toán tại công ty của tỷ phú Anh Richard Branson - người sở hữu tập đoàn Virgin Group, công ty mẹ của hãng hàng không Virgin Atlantic. Đây cũng là tiền đề cho những gì Fernandes làm sau này.

Khi phỏng vấn xin việc tại Virgin, Fernandes đã bị từ chối nhưng Branson tình cờ có mặt và cho ông một cơ hội. Họ bắt đầu nói chuyện và thấy được tố chất đặc biệt ở ứng viên người Malaysia này nên nhận ông vào làm việc. Nhiều năm sau đó, Branson đã cùng Fernandes xây dựng thương hiệu AirAsia X.

Ngoài đam mê hàng không, Fernandes còn đặc biệt yêu thích bóng đá và đó là lý do ông mua lại câu lạc bộ bóng đá Queens Park Rangers vào năm 2011 dù việc kinh doanh không mấy suôn sẻ.

“Mỗi người chỉ sống một lần và tôi muốn sống một cuộc đời trọn vẹn. Nếu chẳng may ngày mai tôi chết đi, tôi sẽ không còn gì hối hận bởi tôi đã sống hết mình”, Fernandes chia sẻ.