15:44 22/04/2021

Ông Trần Đình Long: "Không ai làm thép mãi, Hoà Phát phải đa ngành, M&A bất động sản"

K.LINH

"Không ai có thể làm thép mãi được. Hoà Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn phải đa ngành nghề và một trong những hướng đa ngành là bất động sản"

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát.

Tại Đại hội đồng cổ đông sáng 22/4, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát cho biết, trong quý đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng hơn 2,16 triệu tấn thép các loại. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt 855.000 tấn, tăng hơn 17%. Phôi thép xuất khẩu trên 386.000 tấn, tăng 27% so với Quý 1/2020. Sản phẩm HRC trong quý đầu năm đạt 665.000 tấn, tăng 75% so với Quý 4/ 2020. 

Kết thúc quý 1/2021, Hòa Phát lãi 7.000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính là 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận từ bán mảng nội thật là 500 tỷ đồng. 

Năm 2021, Hoà Phát đặt kế hoạch doanh thu toàn tập đoàn dự kiến 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 18.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,15% và 33,27% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, kết quả quý 1 đã hoàn thành được gần 40% mục tiêu cả năm đặt ra. 

Về định hướng trong thời gian tới, ông Long nhấn mạnh: Không ai có thể làm thép mãi được. Hoà Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn đa ngành và một trong những hướng đó là bất động sản. "Chúng ta đang có uy tín, có tiếng trên thị trường, năm vừa rồi chúng tôi liên tục đi địa phương tìm tòi để phát triển các dự án giá vốn thấp. Lúc nào cũng vậy, trước đây, hiện nay và sau này cũng sẽ tìm dự án để M&A và chỉ M&A khi mà chắc chắn có lợi nhuận", ông Long nhấn mạnh. 

Ông Trần Đình Long: "Không ai làm thép mãi, Hoà Phát phải đa ngành, M&A bất động sản" - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông của Hoà Phát sáng 22/4.

Đối với lĩnh vực container, đây là một ngành nghề mới, đặc biệt Hoà Phát lại không nằm trong chuỗi giá trị vận tải biển, do đó, lợi thế để phát triển container và thách thức là một trong những vấn đề khiến ban lãnh đạo Hoà Phát thực sự "cân não". Tuy nhiên, ông Long cho rằng, thực tế, sản xuất container trên thế giới không dứt khoát buộc doanh nghiệp phải nằm trong chuỗi giá trị hay ở trong ngành vận tải biển hay logisitics.

Đơn cử, hiện nay, một năm thế giới sản xuất 3 triệu thì Trung Quốc phải chiếm 2,7 - 2,8 triệu tương đương với 90% lượng sản xuất và trong đó có 5-6 hãng sản xuất 90% mà họ chẳng liên quan gì đến vận tải biển.

Hoà Phát có nhiều yếu tố thuận lợi để sản xuất container. Thứ nhất, 60-70% giá thành container là thép đặc biệt, thép kháng thời tiết, chịu được nắng mưa, nước mặn của biển, mà thép này thì Hoà Phát có nhà máy sản xuất sản xuất được. Sản xuất container khó mà Hoà Phát làm được không phải vì có tài cán hay nhiều tiền mà đặc thù chiếm 60% giá thành container là thép đặc biệt. Thép đặc biệt mà phải nhập khẩu để làm container thì thua lỗ.

Thứ hai, đây là thế mạnh của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam chứ không riêng gì Hoà Phát, đó là chi phí sản xuất tốt hơn so với các quốc gia đang sản xuất container trên toàn thế giới. Thu nhập một công nhân hàn của Trung Quốc quy ra tiền Việt khoảng 50 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập của công nhân Việt Nam chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Trung Quốc ngày càng thiếu lao động, đặc biệt trong ngành sử dụng nhiều lao động không cần nhiều chất xám ngày càng khó. 

Thứ ba nhu cầu container tăng trưởng nhanh, chưa bao giờ nhanh như bây giờ nên Hoà Phát quyết định sản xuất container.

"Thuận lợi rất nhiều, có cái khó mặt vì đây là mặt hàng rỗng hơi khó phát triển, chiếm nhiều diện tích nhưng cái khó đó nhỏ xíu thôi,  tôi nghĩ làm gì cũng khó mình nhìn thuận lợi để làm. Hoà Phát mục tiêu sản xuất 500.000 container một năm, đây đồng thời là đầu ra hơn 1 tiệu tấn thép Dung Quất. Tất nhiên thép Dung Quất bán theo giá thị trường chứ không phải bán rẻ để sản xuất container", ông Long nhấn mạnh.

Tại Đại hội, các cổ đông HPG cũng thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 40%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 35% bằng cổ phiếu. Nguồn chi trả là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Thời gian thực hiện trong Quý 2 – Quý 3 năm 2021. Tỷ lệ cổ tức 2021 dự kiến là 40%.