17:07 23/12/2020

Ông Trump bất ngờ dọa không ký gói kích cầu gần 900 tỷ USD

An Huy

Ông Trump muốn Quốc hội tăng mức phát tiền cho mỗi người dân trong kế hoạch kích cầu lên 2.000 USD thay vì 600 USD

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/12 dọa không đặt bút ký kế hoạch kích cầu trị giá 892 tỷ USD mà Quốc hội nước này thông qua trước đó một ngày nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế trong đại dịch Covid-19. Lý do mà ông Trump đưa ra là kế hoạch này cần được sửa đổi để tăng mức phát tiền cho người dân.

Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Mỹ hiện đang sử dụng ngân sách tạm thời, và sau ngày 28/12, mọi hoạt động của Chính phủ Mỹ sẽ được cấp tiền bởi kế hoạch ngân sách tài khóa 2021 trị giá 1,4 nghìn tỷ USD. Kế hoạch ngân sách này và gói kích cầu nói trên cùng nằm trong một dự luật, nên nếu ông Trump không ký dự luật, Chính phủ Mỹ có thể sẽ phải đóng cửa sau ngày 28/12 vì hết tiền.

Lời đe dọa của ông Trump, người chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là hết nhiệm kỳ Tổng thống, đang đặt ra nguy cơ đổ vỡ một dự luật mà hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phải mất nhiều tháng trời mới thỏa thuận được. Ngoài ra, lời đe dọa này còn được đưa ra vào đúng thời điểm mà nền kinh tế Mỹ đang rất cần một gói kích cầu để vượt qua những ngày đen tối của đại dịch.

"Dự luật mà họ đang định chuyển tới bàn làm việc của tôi là rất khác so với dự kiến", ông Trump nói trong một đoạn video đăng trên mạng xã hội Twitter. "Đó là một điều đáng hổ thẹn" - ông Trump nói về dự luật mà cả Hạ viện và Thượng viện thông qua với số phiếu áp đảo vào đêm ngày 21/12.

Nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm nói ông muốn Quốc hội tăng mức phát tiền cho mỗi người dân trong kế hoạch kích cầu lên 2.000 USD, cho rằng mức hỗ trợ 600 USD/người đưa ra trong dự luật là "thấp đến mức nực cười".

Theo luật của Mỹ, một dự luật có thể được sửa đổi nếu lãnh đạo Quốc hội Mỹ muốn sửa. Nếu không, Tổng thống có các lựa chọn gồm ký dự luật dù không hài lòng; phủ quyết; hoặc không làm gì và dự luật đó sẽ tự động trở thành luật sau khi đã được lưỡng viện Quốc hội phê chuẩn.

Nếu dự luật được điều chỉnh, việc hoàn tất trước ngày 28/12 là rất khó. Hai đảng đã mất nhiều tháng để nhất trí về hàng nghìn chi tiết trong dự luật, bao gồm cả gói kích cầu và kế hoạch ngân sách cho tài khóa 2021.

Ngay cả khi lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện muốn sửa, thì dự luật vẫn phải trải qua hai cuộc bỏ phiếu ở lưỡng viện. Ngoài ra, nhiều nghị sỹ Cộng hòa có thể phản đối mức hỗ trợ trực tiếp 2.000 USD vì giá trị của kế hoạch sẽ bị đẩy lên mức hơn 1 nghìn tỷ USD.

Cách đây 2 năm, Chính phủ Mỹ trải qua một đợt đóng cửa dài kỷ lục 35 ngày sau khi ông Trump phủ quyết dự luật ngân sách mà Quốc hội gửi tới ông. Nguyên nhân dẫn tới việc ông Trump phản đối dự luật ngân sách khi đó là kế hoạch không cấp đủ số vốn mà ông mong muốn để xây tường ngăn biên giới Mỹ-Mexico.

Trước khi gói kích cầu 892 tỷ USD được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, ông Trump không hề phát tín hiệu nào cho thấy ông phản đối dự luật, và ai cũng nghĩ rằng ông sẽ nhanh chóng đặt bút ký.

Thông qua Twitter, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng trong suốt cuộc đàm phán, phe Cộng hòa không hề nói về mức hỗ trợ trực tiếp cho mỗi người dân trong gói kích cầu. Bà cũng nói phe Dân chủ sẵn sàng đưa đề xuất của ông Trump về mức hỗ trợ 2.000 USD ra bỏ phiếu tại Hạ viện trong tuần này.

Lời đe dọa của ông Trump đối với gói kích cầu được đưa ra đúng lúc dự luật dài 5.500 trang chuẩn bị được Quốc hội Mỹ gửi tới Nhà Trắng để ông ký thành luật. Chiều ngày thứ Tư, ông Trump sẽ rời Nhà Trắng để tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida và dự kiến ở lại đó cho tới hết năm.