“Pháo đài tiền tệ” dịch chuyển về châu Á
Thay vì chọn Thụy Sỹ, giới thượng lưu toàn cầu bắt đầu chuyển sang "chọn mặt gửi vàng" tại những ngân hàng ở Singapore và Hồng Kông
Nhiều thế kỷ qua, Thụy Sỹ được xem là lựa chọn số 1 của những khách hàng giàu có khắp thế giới tìm đến gửi gắm tài sản và tránh sự kiểm soát của cơ quan thuế vụ. Tuy nhiên, theo tờ New York Times, giờ đây, với mức độ bí mật của các nhà băng ở Thụy Sỹ giảm sút, giới thượng lưu bắt đầu chuyển sang chọn mặt gửi vàng tại những ngân hàng ở Singapore và Hồng Kông.
Đáng chú ý, trong số những ngân hàng đang ăn nên làm ra tại những “thiên đường thuế” mới ở châu Á, nhiều nhà băng có gốc gác từ Thụy Sỹ. Thêm vào đó, khách hàng của họ không chỉ là đội ngũ tỷ phú đang gia tăng ở châu lục này, mà còn là những người Mỹ và châu Âu giàu có vốn lo ngại sự kiểm soát ngày càng gắt gao của cơ quan thuế vụ tại quê nhà.
Các ngân hàng Thụy Sỹ, từ cỡ “đại gia” như UBS tới những ngân hàng phục vụ tư nhân có quy mô nhỏ hơn như Julius Baer đều đã đặt chân tới châu Á để tìm cơ hội phát triển. Theo ông Raymond W. Baker, Giám đốc viện nghiên cứu Global Financial Integrity ở Washington, Mỹ, số lượng quản lý và nhân viên ngân hàng phục vụ tư nhân được tuyển dụng mới tại Singapore và Hồng Kông đã tăng vọt trong thời gian gần đây.
Ông Reuven S. Avi-Yonah, Giám đốc chương trình thuế vụ quốc tế tại khoa luật, Đại học Michigan, gọi Singapore và Hồng Kông là “lựa chọn thay thế mới” cho hệ thống nhà băng từng một thời được xem là siêu bí mật của Thụy Sỹ. Mức độ bảo mật cao này đã không còn nữa, sau khi các nhà chức trách Mỹ buộc một số nhà băng lớn nhất của Thụy Sỹ, trong đó có UBS, phải tiết lộ danh tính của hàng loạt tài khoản mật vào năm ngoái.
Là ngân hàng lớn nhất ở Thụy Sỹ, UBS đã chứng kiến sự rút vốn ồ ạt của khách hàng ở mảng ngân hàng phục vụ tư nhân trong hai năm trở lại đây. Ước tính, đã có một lượng tài sản trị giá 200 tỷ Franc Thụy Sỹ, tương đương 200 tỷ USD, bị rút khỏi bộ phận ngân hàng phục vụ tư nhân của UBS trong khoảng thời gian này.
Tuy nhiên, Giám đốc bộ phận quản lý tài sản của UBS tại châu Á, ông Jurg Zeltner, cho hay, tại thị trường này, UBS thu hút được nhiều tài sản gửi gắm mới hơn là số tài sản bị rút đi. UBS vì thế đang dự định thuê thêm 400 nhân viên tư vấn để phục vụ khách hàng cá nhân tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương, ngoài con số 867 nhân viên đã có.
Tại một ngân hàng khác của Thụy Sỹ đang làm ăn tại châu Á là Credit Suisse, Giám đốc bộ phận ngân hàng phục vụ tư nhân Walter Berchtold, mới đây cho biết, lượng tài sản ròng mới đổ vào ngân hàng này từ những khách hàng giàu có ở châu Á sẽ tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm, gấp 3 lần so với mức tăng dự báo cho thị trường toàn cầu.
Ngân hàng Julius Baer thì mới đây đã lần đầu tổ chức họp hội đồng quản trị ở Singapore, cho dù trụ sở đặt tại Zurich. Ngân hàng này đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng tài sản quản lý cho khách hàng tại thị trường Singapore và Hồng Kông trong 5 năm tới, lên mức 25% tổng tài sản được quản lý.
Theo Giáo sư kinh tế chính trị Ronen Palan thuộc Đại học Birmingham, Anh, tất cả những gì đang diễn ra cho thấy, Singapore đang nỗ lực thay thế Thụy Sỹ ở ngôi vị trung tâm ngân hàng phục vụ tư nhân toàn cầu. Sự chuyển biến này diễn ra trong bối cảnh ngành ngân hàng phục vụ tư nhân từ lâu được xem là số 1 thế giới của Thụy Sỹ trở nên lung lay.
Năm 2007, Bộ Tư pháp Mỹ đã tiến hành điều tra hình sự đối với UBS và tiếp đó là một số nhà băng Thụy Sỹ khác, với nghi vấn các ngân hàng này tiếp tay cho nhiều công dân giàu có của Mỹ trốn thuế. Năm ngoái, UBS đã nộp phạt 780 triệu USD để kết thúc vụ việc, rồi sau đó chấp nhận vén bức màn bí mật của ngành ngân hàng Thụy Sỹ khi công khai danh tính của 4.450 khách hàng Mỹ cho Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS).
Cùng lúc, các nhà chức trách về thuế vụ của châu Âu cũng bắt đầu có trong tay những tài liệu rò rỉ từ các ngân hàng Thụy Sỹ trong đó có dữ liệu của hàng ngàn khách hàng bí mật. Liên minh châu Âu (EU) đồng thời thắt chặt quy định buộc các ngân hàng phải áp dụng một mức thuế tối thiểu thậm chí đối với các tài khoản bí mật.
Theo các chuyên gia, với những thay đổi như vậy, các ngân hàng Thụy Sỹ tìm thấy ở Singapore và Hồng Kông sự bảo mật mà họ đã đánh mất trong nước. Ông Richard Murphy, người sáng lập hãng nghiên cứu Tax Justice Networkd của Anh, chỉ ra rằng, pháp luật của Singapore có nhiều điểm tương tự như pháp luật Thụy Sỹ, chẳng hạn những điều khoản về bảo mật ngân hàng, không áp thuế đối với tài sản gia tăng và một hệ thống cho phép người gửi tiền mở tài khoản dưới danh nghĩa công ty.
Hồng Kông tuy không có luật chính thức về bảo mật ngân hàng, nhưng cho phép sự thành lập những công ty có độ minh bạch thấp, thường phục vụ cho mục đích trốn thuế. Luật pháp ở đây cũng không đánh thuế vào tài sản gia tăng hay tiền lãi ngân hàng, đồng thời chỉ đánh thuế các công ty đối với khoản thu nhập phát sinh tại Hồng Kông.
Việc bị xem là “thiên đường thuế” khiến cả Singapore và Hồng Kông không cảm thấy dễ chịu. “Các điều khoản về bảo mật trong ngành ngân hàng của Singapore bảo vệ sự bí mật hợp pháp của các nhà đầu tư, đồng thời cho phép các thông tin ngân hàng được cung cấp cho nhà chức trách nước ngoài nếu xảy ra phạm tội hoặc có điều tra”, một phát ngôn viên của Cơ quan Tiền tệ Singapore nói.
Còn một phát ngôn viên của Cục Dịch vụ tài chính và ngân khố của Hồng Kông thì tuyên bố: “Hồng Kông duy trì một hệ thống thuế đơn giản và có độ minh bạch cao. Mức thuế suất tương đối thấp của chúng tôi là kết quả của một chính sách tài khóa thích hợp”.
Tuy nhiên, các nhà chức trách Mỹ đang để ý nhiều hơn tới các ngân hàng ở Singapore và Hồng Kông. Theo tài liệu của tòa án, nhiều khách hàng của UBS trong cuộc điều tra hình sự của IRS đã tìm cách trốn thuế thông qua các công ty ở Hồng Kông hoặc có giao dịch với những ngân hàng không xác định danh tính đặt tại Singapore.
Tháng 7 năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu điều tra để xác định xem các khách hàng người Mỹ của ngân hàng HSBC có giấu diếm tài sản tại Singapore và Ấn Độ. Đầu năm nay, IRS cho biết sẽ thuê thêm 800 nhân viên để tăng cường công tác chống trốn thuế, trọng tâm là hai thị trường Hồng Kông và Singapore.
Thụy Sỹ hiện vẫn là trung tâm lớn nhất của những khối tài sản ngầm khắp thế giới, với giá trị tài sản ước tính khoảng 2.000 tỷ USD được gửi gắm tại đây, bất chấp có khoảng 520 tỷ USD tài sản đã rời khỏi trung tâm này từ năm 2008 tới nay.
Trong khi đó, lượng tài sản do ngành ngân hàng phục vụ tư nhân tại Singapore quản lý đã tăng 6 lần trong thời gian từ 2000-2008. Lĩnh vực này tại Singapore hiện quản lý khoảng 500 tỷ USD tài sản, trong đó 146,5 tỷ USD nằm trong ngân hàng UBS. Tại Hồng Kông, con số này là khoảng 200 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong số những ngân hàng đang ăn nên làm ra tại những “thiên đường thuế” mới ở châu Á, nhiều nhà băng có gốc gác từ Thụy Sỹ. Thêm vào đó, khách hàng của họ không chỉ là đội ngũ tỷ phú đang gia tăng ở châu lục này, mà còn là những người Mỹ và châu Âu giàu có vốn lo ngại sự kiểm soát ngày càng gắt gao của cơ quan thuế vụ tại quê nhà.
Các ngân hàng Thụy Sỹ, từ cỡ “đại gia” như UBS tới những ngân hàng phục vụ tư nhân có quy mô nhỏ hơn như Julius Baer đều đã đặt chân tới châu Á để tìm cơ hội phát triển. Theo ông Raymond W. Baker, Giám đốc viện nghiên cứu Global Financial Integrity ở Washington, Mỹ, số lượng quản lý và nhân viên ngân hàng phục vụ tư nhân được tuyển dụng mới tại Singapore và Hồng Kông đã tăng vọt trong thời gian gần đây.
Ông Reuven S. Avi-Yonah, Giám đốc chương trình thuế vụ quốc tế tại khoa luật, Đại học Michigan, gọi Singapore và Hồng Kông là “lựa chọn thay thế mới” cho hệ thống nhà băng từng một thời được xem là siêu bí mật của Thụy Sỹ. Mức độ bảo mật cao này đã không còn nữa, sau khi các nhà chức trách Mỹ buộc một số nhà băng lớn nhất của Thụy Sỹ, trong đó có UBS, phải tiết lộ danh tính của hàng loạt tài khoản mật vào năm ngoái.
Là ngân hàng lớn nhất ở Thụy Sỹ, UBS đã chứng kiến sự rút vốn ồ ạt của khách hàng ở mảng ngân hàng phục vụ tư nhân trong hai năm trở lại đây. Ước tính, đã có một lượng tài sản trị giá 200 tỷ Franc Thụy Sỹ, tương đương 200 tỷ USD, bị rút khỏi bộ phận ngân hàng phục vụ tư nhân của UBS trong khoảng thời gian này.
Tuy nhiên, Giám đốc bộ phận quản lý tài sản của UBS tại châu Á, ông Jurg Zeltner, cho hay, tại thị trường này, UBS thu hút được nhiều tài sản gửi gắm mới hơn là số tài sản bị rút đi. UBS vì thế đang dự định thuê thêm 400 nhân viên tư vấn để phục vụ khách hàng cá nhân tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương, ngoài con số 867 nhân viên đã có.
Tại một ngân hàng khác của Thụy Sỹ đang làm ăn tại châu Á là Credit Suisse, Giám đốc bộ phận ngân hàng phục vụ tư nhân Walter Berchtold, mới đây cho biết, lượng tài sản ròng mới đổ vào ngân hàng này từ những khách hàng giàu có ở châu Á sẽ tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm, gấp 3 lần so với mức tăng dự báo cho thị trường toàn cầu.
Ngân hàng Julius Baer thì mới đây đã lần đầu tổ chức họp hội đồng quản trị ở Singapore, cho dù trụ sở đặt tại Zurich. Ngân hàng này đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng tài sản quản lý cho khách hàng tại thị trường Singapore và Hồng Kông trong 5 năm tới, lên mức 25% tổng tài sản được quản lý.
Theo Giáo sư kinh tế chính trị Ronen Palan thuộc Đại học Birmingham, Anh, tất cả những gì đang diễn ra cho thấy, Singapore đang nỗ lực thay thế Thụy Sỹ ở ngôi vị trung tâm ngân hàng phục vụ tư nhân toàn cầu. Sự chuyển biến này diễn ra trong bối cảnh ngành ngân hàng phục vụ tư nhân từ lâu được xem là số 1 thế giới của Thụy Sỹ trở nên lung lay.
Năm 2007, Bộ Tư pháp Mỹ đã tiến hành điều tra hình sự đối với UBS và tiếp đó là một số nhà băng Thụy Sỹ khác, với nghi vấn các ngân hàng này tiếp tay cho nhiều công dân giàu có của Mỹ trốn thuế. Năm ngoái, UBS đã nộp phạt 780 triệu USD để kết thúc vụ việc, rồi sau đó chấp nhận vén bức màn bí mật của ngành ngân hàng Thụy Sỹ khi công khai danh tính của 4.450 khách hàng Mỹ cho Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS).
Cùng lúc, các nhà chức trách về thuế vụ của châu Âu cũng bắt đầu có trong tay những tài liệu rò rỉ từ các ngân hàng Thụy Sỹ trong đó có dữ liệu của hàng ngàn khách hàng bí mật. Liên minh châu Âu (EU) đồng thời thắt chặt quy định buộc các ngân hàng phải áp dụng một mức thuế tối thiểu thậm chí đối với các tài khoản bí mật.
Theo các chuyên gia, với những thay đổi như vậy, các ngân hàng Thụy Sỹ tìm thấy ở Singapore và Hồng Kông sự bảo mật mà họ đã đánh mất trong nước. Ông Richard Murphy, người sáng lập hãng nghiên cứu Tax Justice Networkd của Anh, chỉ ra rằng, pháp luật của Singapore có nhiều điểm tương tự như pháp luật Thụy Sỹ, chẳng hạn những điều khoản về bảo mật ngân hàng, không áp thuế đối với tài sản gia tăng và một hệ thống cho phép người gửi tiền mở tài khoản dưới danh nghĩa công ty.
Hồng Kông tuy không có luật chính thức về bảo mật ngân hàng, nhưng cho phép sự thành lập những công ty có độ minh bạch thấp, thường phục vụ cho mục đích trốn thuế. Luật pháp ở đây cũng không đánh thuế vào tài sản gia tăng hay tiền lãi ngân hàng, đồng thời chỉ đánh thuế các công ty đối với khoản thu nhập phát sinh tại Hồng Kông.
Việc bị xem là “thiên đường thuế” khiến cả Singapore và Hồng Kông không cảm thấy dễ chịu. “Các điều khoản về bảo mật trong ngành ngân hàng của Singapore bảo vệ sự bí mật hợp pháp của các nhà đầu tư, đồng thời cho phép các thông tin ngân hàng được cung cấp cho nhà chức trách nước ngoài nếu xảy ra phạm tội hoặc có điều tra”, một phát ngôn viên của Cơ quan Tiền tệ Singapore nói.
Còn một phát ngôn viên của Cục Dịch vụ tài chính và ngân khố của Hồng Kông thì tuyên bố: “Hồng Kông duy trì một hệ thống thuế đơn giản và có độ minh bạch cao. Mức thuế suất tương đối thấp của chúng tôi là kết quả của một chính sách tài khóa thích hợp”.
Tuy nhiên, các nhà chức trách Mỹ đang để ý nhiều hơn tới các ngân hàng ở Singapore và Hồng Kông. Theo tài liệu của tòa án, nhiều khách hàng của UBS trong cuộc điều tra hình sự của IRS đã tìm cách trốn thuế thông qua các công ty ở Hồng Kông hoặc có giao dịch với những ngân hàng không xác định danh tính đặt tại Singapore.
Tháng 7 năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu điều tra để xác định xem các khách hàng người Mỹ của ngân hàng HSBC có giấu diếm tài sản tại Singapore và Ấn Độ. Đầu năm nay, IRS cho biết sẽ thuê thêm 800 nhân viên để tăng cường công tác chống trốn thuế, trọng tâm là hai thị trường Hồng Kông và Singapore.
Thụy Sỹ hiện vẫn là trung tâm lớn nhất của những khối tài sản ngầm khắp thế giới, với giá trị tài sản ước tính khoảng 2.000 tỷ USD được gửi gắm tại đây, bất chấp có khoảng 520 tỷ USD tài sản đã rời khỏi trung tâm này từ năm 2008 tới nay.
Trong khi đó, lượng tài sản do ngành ngân hàng phục vụ tư nhân tại Singapore quản lý đã tăng 6 lần trong thời gian từ 2000-2008. Lĩnh vực này tại Singapore hiện quản lý khoảng 500 tỷ USD tài sản, trong đó 146,5 tỷ USD nằm trong ngân hàng UBS. Tại Hồng Kông, con số này là khoảng 200 tỷ USD.