12:49 04/05/2022

Phát hành trái phiếu Bitcoin thất bại, El Salvador đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Đức Anh

“Bom xịt” trái phiếu Bitcoin, cùng với việc đàm phán về một khoản vay với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đình trệ, càng khiến các chủ nợ của El Salvador quan ngại rằng quốc gia này sẽ vỡ nợ 800 triệu USD trái phiếu vào đầu năm sau...

Tổng thống El Salvador Nayib Bukele - Ảnh: Reuters
Tổng thống El Salvador Nayib Bukele - Ảnh: Reuters

Gần nửa năm kể từ khi chính thức công nhận Bitcoin trở thành tiền tệ chính thức, Chính phủ El Salvador – một quốc gia nhỏ ở Trung Mỹ, gần đây đã cố gắng thu hút nhà đầu tư bằng trái phiếu được hậu thuẫn bởi đồng Bitcoin.

Theo mô tả của Tổng thống El Salvador Nayib Bukele, đây là lựa chọn để huy động tiền tốt hơn so với việc vay tiền theo cách truyền thống từ các ngân hàng ở Mỹ.

Tuy nhiên, tham vọng của ông không trở thành hiện thực. Chính phủ của ông đã không huy động được đồng nào trong mục tiêu phát hành số trái phiếu Bitcoin 1 tỷ USD, bởi không có nhà đầu tư nào tham gia. Thất bại này, cùng với việc đàm phán về một khoản vay với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đình trệ, càng khiến các chủ nợ của El Salvador quan ngại rằng quốc gia này sẽ vỡ nợ 800 triệu USD trái phiếu vào đầu năm sau.

Giá trái phiếu chính phủ El Salvador giảm 15,1% trong tháng 4, chỉ kém mức giảm của trái phiếu chính phủ Ukraine - quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá. Lợi suất trái phiếu chính phủ El Salvador kỳ hạn chủ chốt đáo hạn vào năm 2032 hiện là 24% - mức phản ánh việc nhà đầu tư đang chuẩn bị cho khả năng nước này vỡ nợ.

Kể từ khi El Salvador từ bỏ các cuộc đàm phán với IMF và đưa Bitcoin trở thành tiền tệ chính thức vào năm ngoái, giới đầu tư đã bắt đầu quay lưng với trái phiếu chính phủ nước này. Họ không chỉ lo lắng về khả năng trả nợ mà còn về mức độ sẵn sàng tiếp tục trả nợ của chính quyền Tổng thống Bukele. Giờ đây, khi ngày đáo hạn vào tháng 1/2023 của lô trái phiếu đó đang đến gần, mức giá 78 cent/1 USD mệnh giá của trái phiếu cho thấy nhiều trái chủ đang mất niềm tin.

El Salvador là quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận Bitcoin làm tiền tệ chính thức - Ảnh: Getty Images
El Salvador là quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận Bitcoin làm tiền tệ chính thức - Ảnh: Getty Images

“Nếu ông Bukele mất khả năng huy động vốn từ thị trường trái phiếu, làm sao El Salvador có thể tiếp tục trả nợ?”, Jared Lou, nhà quản lý danh mục đầu tư tại William Blair Investment Mgmt LLC , New York, Mỹ, nói. “Nếu tái đắc cử vào năm 2024, ông ấy sẽ có rất ít động lực để trả các khoản nợ trái phiếu và mang lại giá trị hồi phục cao cho các khoản nợ trái phiếu hiện tại”.

Dù kế hoạch huy động 1 tỷ USD trái phiếu bằng đồng Bitcoin đầu tiên trên thế giới của El Salvador là khác thường, một số nhà đầu tư vẫn hy vọng việc này có thể mang lại cho kho bạc của nước này một khoản tiền mặt. Hiện tại chưa rõ thương vụ này sẽ được thực hiện thêm lần nữa hay không.

Vài tháng gần đây, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương El Salvador đều nhấn mạnh rằng rủi ro vỡ nợ của quốc gia này là “bằng 0”.

Trước đó, quốc gia Trung Mỹ dự kiến phát hành trái phiếu có tên “núi lửa” vào tháng 3, sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và sẽ dùng một nửa số tiền thu về để mua Bitcoin. Tuy nhiên, kế hoạch sau đó đã bị hoãn lại và Chính phủ thậm chí chưa trình Quốc hội dự luật về chứng khoán số cần thiết cho việc phát hành trái phiếu này.

Dù số tiền dự kiến huy động từ đợt phát hành này sẽ không được dành để trả các khoản nợ trái phiếu tháng 1 sắp đáo hạn, nếu thành công, những đợt phát hành tiếp theo có thể là một nguồn huy động tiền của Chính phủ trong tương lai.

Đợt phát hành trái phiếu Bitcoin này nằm trong một kế hoạch lớn hơn của ông Bukele nhằm thu hút những người ủng hộ tiền ảo đến với cộng đồng được mệnh danh là Thành phố Bitcoin – nơi sẽ được cung cấp năng lượng từ các nhà máy địa nhiệt xây dựng trên một núi lửa gần đó.

IMF, thường là lựa chọn cuối cùng để vay tiền (lender of last resort), đã thúc giục Chính phủ của ông Bukele rút lại việc chấp nhận Bitcoin làm tiền tệ chính thức, bởi cho rằng việc này gây ra rủi ro lớn cho sự ổn định tài chính. Các cuộc đàm phán với Chính phủ El Salvador về một khoản vay bổ sung đã bị đình trệ và nhiều tổ chức tín dụng đa phương khác cũng nói rằng cần phải đánh giá các rủi ro của Bitcoin trước khi cho vay.

Hồi tháng 2, tổ chức Fitch đã hạ xếp hạng của El Salvador xuống mức CCC với lý do quốc gia này ngày càng phụ thuộc vào nợ ngắn hạn, nguồn huy động vốn hạn chế và gánh nặng nợ công gia tăng – được dự báo lên tới 87% GDP năm 2022. El Salvador hiện chỉ có khoảng 3,3 tỷ USD dự trữ ngoại hối tại ngân hàng trung ương.

“El Salvador cần một cuộc cải cách tài khóa và một chương trình của IMF có thể cung cấp nguồn tiền mới cho nước này và giải tỏa phần nào gánh nặng nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, ở thời điểm này, để đạt được một thỏa thuận như vậy rất khó”, chiế lược gia William Snead tại BBVA, New York, nhận định.