07:31 15/05/2007

Phát hành trái phiếu “thép”: Kỳ vọng 400 tỷ đồng có khả thi?

Nguyễn Hoài

Tổng công ty Thép đang tập trung nguồn lực tài chính vào 3 dự án lớn của ngành thép Việt Nam

VSC đang tập trung cho đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm thu hút 400 tỷ nguồn vốn.
VSC đang tập trung cho đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm thu hút 400 tỷ nguồn vốn.
Theo Tổng công ty Thép Việt Nam (VSC), đối với 3 dự án lớn của ngành thép mà VSC chuẩn bị thực hiện, tổng nhu cầu vốn của các dự án này lên tới 1.152.260.000 USD.

Hiện tại, VSC đang chuẩn bị đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị định 52/CP nhằm thu hút 400 tỷ đồng nguồn vốn cho các dự án nói trên do Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) bảo lãnh thanh toán. 

Theo định hướng phát triển ngành thép giai đoạn 2006 - 2010, VSC đang phấn đấu đạt sản lượng cán thép tăng trưởng bình quân 10 - 15%/năm. Trong đó, thép cán đạt 50% thị phần thép cả nước và phôi thép cơ bản đáp ứng nhu cầu cho sản xuất của VSC và cung ứng một phần nhu cầu thép chất lượng cao cho thị trường.

VSC cần 400 tỷ đồng cho ba dự án lớn

Trong đó, VSC đưa ra định hướng đầu tư đổi mới công nghệ, đưa trình độ công nghệ của doanh nghiệp này đạt mức tiên tiến chung của khu vực, đảm bảo khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thép tại thị trường trong nước và quốc tế.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, VSC sẽ tập trung vào hàng loạt dự án lớn. Cụ thể là các dự án:

- Mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, nhằm đạt công suất 75 vạn tấn phôi thép/năm;

- Tiếp tục đầu tư nhà máy cán thép Đà Nẵng công suất 25 vạn tấn thép thành phẩm;

- Đầu tư liên doanh dự án khai thác quặng sắt Quý Sa và liên hợp luyện kim Lào Cai, đầu tư mở rộng nhà máy phôi thép Phú Mỹ II công suất 50 vạn tấn phôi thép/năm;

- Đầu tư dự án nhà máy phôi thép phía Bắc công suất 50 vạn tấn phôi/năm; đầu tư mở rộng Công ty thép tấm lá Phú Mỹ nâng công suất lên 60 - 65 vạn tấn thép tấm lá/năm;

- Đầu tư dự án nhà máy thép tấm cán nóng 1,5 - 2,0 triệu tấn/năm;

- Liên doanh cùng tập đoàn Essar Metal Holdings Ltd xây dựng nhà máy cán tấm nóng, sản xuất các sản phẩm băng cuộn/tấm rời và cuộn là bề mặt cán nóng;

- Dự án liên doanh Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt - Trung giữa VSC với Công ty khoáng sản Lào Cai và Công ty TNHH cổ phần gang thép Côn Minh;

- Dự án khai thác, tuyển quặng Thạch Khê và khu liên hợp thép Thạch Khê...

Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, VSC đang tập trung nguồn lực tài chính vào 3 dự án lớn, được coi là dự án đặc biệt quan trọng của ngành thép Việt Nam.

Đó là: dự án liên doanh Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung với tổng mức đầu tư 175 triệu USD; dự án xây dựng nhà máy tấm cán nóng 527.260.000 USD; dự án khai thác, tuyển và xử lý quặng sắt mỏ Thạch Khê với tổng mức đầu tư theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi khoảng 450 triệu USD, trong đó phần vốn góp của VSC khoảng 3 triệu USD, tương đương 480 tỷ đồng.

Trong 3 dự án nói trên, phần vốn của VSC tương đối lớn và để giảm bớt gánh nặng tài chính, VSC đang tập trung cho đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm thu hút 400 tỷ nguồn vốn.

Ông Mai Văn Tinh, Chủ tịch HĐQT VSC nói: “Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một biện pháp hết sức cần thiết nhằm tạo nguồn lực tài chính cho VSC thực hiện các kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất. Trên cơ sở cân đối các nguồn vốn tự có, chúng tôi đặt kỳ vọng huy động 400 tỷ đồng từ trái phiếu cho việc thực hiện các dự án”.

Kỳ vọng 400 tỷ đồng trái phiếu có khả thi?

Xung quanh việc lần đầu tiên một doanh nghiệp lớn trong ngành thép phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng vốn đầu tư, đã có không ít ý kiến e ngại đợt phát hành không thành công.

Tuy nhiên, phía VSC lại có lập luận tương đối khả quan. Đại diện của VSC cho biết, hiện tại ở Việt Nam, ngoài trái phiếu Chính phủ, còn có một số đơn vị phát hành trái phiếu như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã phát hành trái phiếu cả nội và ngoại tệ; Ngân hàng Vietcombank phát hành trái phiếu chuyển đổi; Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy; EVN, Tổng công ty Sông Đà... đều đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy điều kiện thị trường tương đối thuận lợi đối với việc phát hành trái phiếu của VSC. Chưa kể, nguồn vốn nhàn rỗi còn lớn, trong khi trái phiếu là công cụ đầu tư mang lại thu nhập ổn định, có tính hấp dẫn cao trên thị trường chứng khoán đối với các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư là tổ chức ngân hàng, tài chính và bảo hiểm.

VSC cũng cho biết, tên gọi trái phiếu là trái phiếu Tổng công ty Thép Việt Nam, phát hành bằng đồng nội tệ (VND) với hình thức trái phiếu ghi sổ, kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100 nghìn đồng/1 trái phiếu, được bảo lãnh thanh toán bởi Vietcombank và sẽ tập trung phát hành trong quý I/2007.

Đối tượng mua trái phiếu theo điều 8 Nghị định 52/CP, bao gồm: các tổ chức Việt Nam (các cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội không được sử dụng ngân sách mua trái phiếu); cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư nước ngoài và các tổ chức, cá nhân nước ngoài khác.

Với hình thức phát hành bảo lãnh do Vietcombank bảo lãnh thanh toán nên theo VSC, khả năng thành công được đánh giá là khá cao bởi những lý do sau:

Thứ nhất, việc bảo lãnh phát hành trái phiếu của VSC do một tổ chức tài chính chuyên nghiệp, có uy tín, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính như Vietcombank thực hiện. Vietcombank sẽ cam kết nhận mua một phần hay toàn bộ chứng khoán của VSC để bán lại hoặc bao tiêu số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết.

Vì thế, một mặt, VSC không chịu rủi ro về sự thành công vì đã ký hợp đồng bảo lãnh, đại lý phát hành. Mặt khác, VSC cũng đảm bảo tiến độ huy động vốn do đơn vị bảo lãnh cam kết chuyển đủ số tiền huy động đúng thời hạn, bất kể kết quả của việc phân phối trái phiếu như thế nào.

Thứ hai, so với các hình thức tự phát hành, việc bảo lãnh phát hành sẽ tận dụng tối đa được nguồn lực trên thị trường. Với lợi thế kinh nghiệm và uy tín cũng như trình độ chuyên nghiệp trong nghiệp vụ phát hành, các đại lý phát hành có thể phân phối trái phiếu đến các nhà đầu tư một cách nhanh chóng và hiệu quả.