Phát triển khu thương mại tự do để nâng cao lợi thế logistics cho Việt Nam
"Mô hình mẫu cho logistics Việt Nam cất cánh là phát triển liên hợp cảng + khu thương mại tự do…" là gợi ý của ông Richard Szuflak, Tổng Giám đốc Văn phòng Tập đoàn DP World tại Việt Nam khi nói tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2022...
Đánh giá cao về tiềm năng phát triển ngành logistics của Việt Nam, ông Richard Szuflak nhận định rằng kể từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế vào năm 1986, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và liên tục, tốc độ tăng trưởng GDP một thời gian dài luôn đạt trung bình 7%/ năm.
Ý TƯỞNG LIÊN HỢP CẢNG + KHU THƯƠNG MẠI TỰ DO
Yếu tố thành công của Việt Nam đến từ việc tập trung các nguồn lực để phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung và Nam, thúc đẩy phát triển hạ tầng lớn chất lượng cao về giao thông và logistics, mạnh dạn mở cửa và hội nhập với thương mại toàn cầu. Đó là những chính sách đúng đã đưa Việt Nam phát triển và hùng cường.
Song đại diện DP World khẳng định Việt Nam có thể làm tốt hơn thế nữa. “Tập đoàn DP và cũng là chủ thể tham gia tích cực vào Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới (World Logistics Passport), mong muốn đầu tư và tạo ra nhiều cơ hội thương mại hơn cho Việt Nam bởi vì chúng tôi biết Việt Nam có tiềm năng rất lớn”, ông Richard Szuflak khẳng định.
DP World là một trong những nhà khai thác cảng biển lớn nhất thế giới với 85 cảng biển kèm theo dịch vụ vận tải biển và logistics trên 64 quốc gia và 181 đơn vị kinh doanh toàn cầu. “Một trong những thành công lớn của chúng tôi là ý tưởng phát triển liên hợp cảng + khu thương mại tự do. Ý tưởng này được coi là mô hình mẫu cho Việt Nam”, lãnh đạo DP World gợi ý.
Giải thích ý tưởng này với Việt Nam, ông Richard Szuflak chia sẻ, tại Dubai, cảng của DP World xử lý 15 triệu TEU/năm - công suất này chỉ kém một chút so với tổng công suất của toàn bộ các cảng của Việt Nam cộng lại.
Cảng được kết nối với khu thương mại tự do Jebel Ali Free Zone (JAFZA), một tổ hợp công nghiệp với việc bố trí hải quan riêng kiểm soát và tạo thuận lợi. Đây là một hệ sinh thái tích hợp, hoàn chỉnh để hơn 8.700 doanh nghiệp hoạt động. Vị trí đắc địa của Jafza thu hút các doanh nghiệp từ trên 100 quốc gia, tụ hợp để thành lập và khai thác một mắt xích giá trị nhất của chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu qua đây. Quần thể khu thương mại tự do này là một siêu đầu mối (mega-hub) đóng góp tới 30% GDP của Dubai.
“Yếu tố thành công chủ yếu mà khu thương mại tự do này có được đó là nằm trong quần thể hệ sinh thái logistics và có hải quan là đối tác nhà nước chủ chốt điều tiết các chính sách tạo thuận lợi và cảng hoạt động với hiệu suất cao cho phép nó liên kết hiệu quả với các thị trường quốc tế”, vị đại diện DP World nhận định.
Không những thế, Jafza lại hiệu quả hơn bởi chính quyền Dubai có cơ quan rất đặc biệt đó là Liên hiệp cảng, Hải quan và Khu Thương mại tự do hoạt động liên hiệp, phối hợp chặt chẽ với nhau trong một đơn vị thống nhất.
ĐỂ VIỆT NAM TRỞ THÀNH ĐẦU MỐI THƯƠNG MẠI VÀ LOGISTICS CỦA KHU VỰC
Việt Nam đã trở thành một cơ sở sản xuất lớn của khu vực với sự ảnh hưởng rất lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng để trở thành một trong những đầu mối logistics của thế giới, ông Richard Szuflak cho rằng Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa.
Đầu tiên, Việt Nam cần thúc đẩy và phát triển ý tưởng mô hình cảng + khu thương mại tự do. Mô hình có thể được thực hiện ở Lạch Huyện hoặc ở Cái Mép Hạ. Tuy nhiên, mô hình sẽ không hiệu quả và có tầm ảnh hưởng khi không có sự phối hợp mang tính chặt chẽ và liên hiện giữa cảng biển, khu thương mại tự do và hải quan.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng vẫn là yếu tố chủ chốt. Việt Nam đã nỗ lực nhiều, xong còn nhiều việc về phát triển hạ tầng cần được thực hiện.
Song song phát triển hạ tầng, liên kết hệ sinh thái logistics của Việt Nam với mạng lưới các đầu mối logistics toàn cầu là rất quan trọng. Cụ thể, Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới - một sáng kiến do Chính quyền Dubai giúp thúc đẩy thương mại.
Chương trình lần đầu tiên khởi xướng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2020 tại Davos, là sáng kiến nhiều chủ thể tham gia và hiện đã bao phủ trên 48 quốc gia và trên 15 tuyến hành lang thương mại phục vụ toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mạng lưới này hiện chiếm 47% thương mại toàn cầu, có 121 đối tác (gồm hải quan của toàn bộ các nước thành viên)… để từ đó khuyến khích các thương nhân, chủ hàng và các nhà giao nhận tăng cường luân chuyển và trung chuyển hàng hóa qua các đầu mối thương mại và logistics của khu vực nằm tại Trung Quốc, Indonesia, Nam Phi, Senegal, Colombia, Brazil, Kazakhstan, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
Để chuẩn bị và triển khai Chương trình WLP tại Việt Nam một cách hiệu quả, ông Richard Szuflak mong muốn Chính phủ Việt Nam xem xét ủng hộ Chương trình WLP; giao Tổng cục Hải quan Việt Nam làm đầu mối và đối tác của Chính phủ về chương trình này. Thành lập nhóm công tác liên ngành để nghiên cứu và thúc đẩy triển khai chương trình. Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì, thành phần gồm Bộ Giao thông vận tải, Hải quan, đại diện các đầu mối cảng tại Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp logistics…