16:30 08/06/2023

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Giải ngân vốn đầu tư công không chậm, chỉ là chưa đạt kỳ vọng, mong muốn

Quang Trung

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh điều này khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công các tháng đầu năm vào sáng ngày 8/6…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại phiên chất vấn - Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại phiên chất vấn - Ảnh: Quochoi.vn

Đặt câu hỏi chất vấn với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) băn khoăn về thực trạng phân bổ, giao kế hoạch vốn cho một số nhiệm vụ, dự án đầu tư công vào việc giải ngân vốn đầu tư công chậm diễn ra trong nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để, trong đó một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, trách nhiệm xử lý và giải pháp căn cơ trong thời gian tới để giải quyết vấn đề này.

Hồi đáp đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết theo báo cáo, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023 được 157.000 tỷ, đạt 22,2%. Về số tuyệt đối, giải ngân đang cao hơn so với cùng kỳ 41.000 tỷ và cũng xấp xỉ gần bằng mức giải ngân vốn đầu tư cùng kỳ năm 2022.

“Nếu nói về giải ngân chậm, so với 5 tháng đầu năm của các năm về trước thì thật sự giải ngân 5 tháng đầu năm nay không phải là chậm mà xấp xỉ”, Phó Thủ tướng cho biết.

Năm 2016, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt 20,9%, năm 2017 khoảng 21%, năm 2018 khoảng 24%, năm 2019 khoảng 28%, năm 2020 khoảng 25%, năm 2021 khoảng 22,37%, còn 2023 đạt 22,2%.

Theo Phó Thủ tướng, việc giải ngân so với những năm trước so với kế hoạch không hề chậm, nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Đại biểu Vương Thị Hương tại phiên chất vấn  - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Vương Thị Hương tại phiên chất vấn  - Ảnh: Quochoi.vn

“Chúng ta kỳ vọng giải ngân đầu tư công như một động lực tăng trưởng để hoàn thành những công trình, những dự án để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tình hình giải ngân đầu tư công những tháng đầu năm, nếu so với mong muốn thì cần phải thúc đẩy nhiều hơn. Thực tế thì, mức bình quân là như thế, nhưng tình trạng giải ngân vốn đầu tư công ở các bộ, ngành, các địa phương không đồng đều. Những địa phương giải ngân chậm cần phải thúc đẩy trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Về giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết 5 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã đôn đốc thực hiện giải phóng mặt bằng, các vấn đề liên quan tới trình tự, thủ tục đầu tư, năng lực nhà đầu tư, thi công, tuyên truyền cho người dân để đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng để tiến hành thi công các dự án.

“Báo cáo với đại biểu Quốc hội, những giải pháp liên quan để thúc đẩy vốn đầu tư công thì nó cũng nằm trong những nội dung như vậy”, Phó Thủ tướng hồi đáp đại biểu Vương Thị Hương.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 4 tháng, ước thực hiện 5 tháng kế hoạch năm 2023, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là 809.245,8 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn đã giao là 796.358,6 tỷ đồng, kế hoạch vốn chưa giao là 12.887,2 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 22,22%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (22,37%); trong đó vốn trong nước đạt 22,64% (cùng kỳ năm 2022 đạt 23,53%), vốn nước ngoài đạt 12,02% (cùng kỳ năm 2022 đạt 6,26%).

Có 8 Bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (45,89%), Đồng Tháp (44,28%), Long An (40,06%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (40,04%).

Có 39/52 Bộ, cơ quan trung ương và 16/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 Bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương chỉ giải ngân được dưới 10% kế hoạch vốn.

Quang cảnh phiên chất vấn - Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên chất vấn - Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, cũng tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, làm rõ những nội dung được đại biểu Quốc hội đề cập về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo và đã ban hành 16 nghị quyết, 6 công điện, 2 chỉ thị, tổ chức 4 hội nghị trực tuyến và duy trì 5 tổ công tác liên tục của Chính phủ và các bộ trưởng để đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã nhận diện những tồn tại, hạn chế trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng chậm, thời gian điều chỉnh dự án lâu, điều chỉnh nhiều lần; năng lực của ban quản lý dự án, năng lực nhà thầu, cũng như trách nhiệm và sự vào cuộc của người đứng đầu còn hạn chế.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng cho biết cần tiếp rà soát lại quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, khâu nào có thể đẩy nhanh và rút ngắn sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác; đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng; kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh; điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.