13:15 23/05/2023

Khắc phục ngay tình trạng chậm phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công

Nhĩ Anh

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số Bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu; 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 23/5, trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO, XỬ LÝ, THÁO GỠ KHÓ KHĂN VỚI CÁC DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ, KÉM HIỆU QUẢ

Nhận thức, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương đã được nâng lên trong quá trình tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” và sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo ông Mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm nhiều hơn cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng cao chất lượng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội . Các Bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban hành và ban hành theo thẩm quyền 602 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều quy định liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngày làm việc thứ 2 của Quốc hội 
Ngày làm việc thứ 2 của Quốc hội 

Số lượng văn bản quy phạm pháp luật quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung tăng lên, là cơ sở quan trọng để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số Bộ, ngành làm tốt nhiệm vụ này như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải…

Cùng với đó đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; tiết kiệm triệt để chi ngân sách nhà nước, cắt, giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đã tiết kiệm được 53.896 tỷ đồng, nhiều Bộ, ngành, địa phương có số kinh phí tiết kiệm cao như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Bình Dương...

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 93,42% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông cơ bản được khắc phục, tốc độ giải ngân cao hơn bình quân cả nước, tiết kiệm trên 8.546 tỷ đồng.

Cơ quan thẩm tra nhận xét, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Một số dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

KHẮC PHỤC HẠN CHẾ, LÃNG PHÍ TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Năm 2022 là năm đầu thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chính phủ đã có báo cáo tình hình triển khai. Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, báo cáo chưa làm rõ những kết quả, chuyển biến so với thời điểm Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết, nhất là việc thu hồi đất đã giao nhưng chưa đưa vào sử dụng, sử dụng sai mục đích…

Tình trạng Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được khắc phục, diễn ra nhiều năm.

Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa bảo đảm tiến độ quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số Bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu.

Còn nhiều lãng phí do việc công bố chỉ số giá xây dựng tại các địa phương chậm, chưa sát với thị trường, là nguyên nhân dẫn đến các chủ đầu tư, nhà thầu không chủ động được trong quá trình triển khai dự án, công trình. Nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng không thể triển khai do vướng mắc về quy hoạch, địa điểm, đất đai, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh đơn giá, dự toán dẫn đến làm thay đổi hoặc phải điều chỉnh lại dự án.

Tính đến ngày 31/12/2022, kết quả giải ngân các chính sách hỗ trợ mới đạt hơn 78,3 nghìn tỷ đồng (bằng 26% tổng số vốn). Cụ thể, chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại có kết quả thấp. Đến cuối tháng 3/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất chỉ đạt 327 tỷ đồng, tương đương 0,82% tổng nguồn lực…

Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ, giao kế hoạch vốn của Chương trình cho một số nhiệm vụ, dự án đầu tư chậm; một số dự án không hoàn thành thủ tục đầu tư đúng thời hạn.

Cũng theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, gây lãng phí.

Việc triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, làm lãng phí nguồn lực.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, kết quả hạn chế, làm lãng phí nguồn lực, vốn Nhà nước. Tiến độ và kết quả cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đạt kế hoạch. Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 03 năm không đạt dự toán, số thu năm 2022 rất thấp, chỉ đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, giảm 26,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán .

Việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ theo các Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021- 2025  mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa có chuyển biến thực chất, nhất là việc thực hiện mục tiêu “Phấn đấu xử lý ít nhất 2 ngân hàng thương mại yếu kém và 5 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ”…

Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn.

Khẩn trương triển khai kế hoạch để hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp quy định tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

 Cơ quan thẩm tra cũng kiến nghị cần có giải pháp khắc phục ngay tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

 
Nghiên cứu, có giải pháp mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước chậm triển khai, vi phạm trong cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước.