Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: TP.HCM phải có kế hoạch chi tiết, thực chất cho việc dạy học trực tuyến
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù phải tập trung chống dịch thì Thành phố vẫn phải đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học cho học sinh trong năm học mới 2021-2022...
Tại cuộc làm việc với Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 2/9 về việc chuẩn bị kế hoạch dạy và học cho năm học mới 2021-2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù phải tập trung chống dịch thì Thành phố vẫn phải đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học cho học sinh.
Trong bối cảnh bình thường, để chuẩn bị năm học mới, ngành giáo dục Thành phố đã phải chuẩn bị kế hoạch cụ thể, chi tiết. Nay đang tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội càng phải tính toán kỹ lưỡng, có kế hoạch thực chất cho việc dạy học trực tuyến.
Phó Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi và yêu cầu ngành giáo dục Thành phố phải làm rõ. Đặc biệt là khả năng cung cấp đầy đủ sách, vở, trang thiết bị phục vụ việc học cho học sinh, nhất là học sinh thuộc gia đình khó khăn. TP.HCM cũng phải giải được bài toán dạy và học như thế nào để toàn bộ học sinh đều có thể tiếp thu bài giảng hiệu quả? Một bộ phận học sinh tiểu học mới vào năm học đầu tiên chưa thể tiếp cận, học trực tuyến ngay hoặc những học sinh gia đình khó khăn không thể đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến thì sẽ học ra sao?...
Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo cung cấp sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho toàn bộ học sinh, nhất là con em gia đình người lao động nghèo.
Mặt khác, có kế hoạch chi tiết, thực chất tổ chức các phương án dạy và học theo hướng kết hợp hài hòa giữa các phương tiện Internet, truyền hình, phiếu học tập. Đồng thời, có kế hoạch tổ chức vệ sinh, sửa sang lại trường học sau khi hết dịch để đưa học sinh trở lại trường sớm nhất.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh sắp tới rất phức tạp bởi hệ thống dạy học trực tuyến hiện nay không đồng bộ và hạn chế về phần mềm dạy học.
Ngoài ra, hầu hết sách giáo khoa cho học sinh đã được các nhà xuất bản chuyển xuống cho các trường. Đối với các trường dùng làm cơ sở chống dịch, sách vở được gửi ở phòng giáo dục hoặc ở trường bên cạnh. Ngành giáo dục Thành phố đang tính toán để chuyển sách đến cho học sinh.
Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ cùng lãnh đạo Thành phố, các sở ngành liên quan lên phương án cung cấp sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh.
Trước đó, ngày 1/9, gần 700.000 học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông của Thành phố đã tựu trường trực tuyến, bước vào năm học 2021-2022 khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Trong ngày đầu năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã lưu ý các nhà trường xây dựng kế hoạch giảng dạy không gây quá tải với người dạy, người học và phát huy được hiệu quả của việc học tập trên Internet.
Để học sinh có thể trở lại trường học trực tiếp vào học kỳ 2, Sở đã kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine cho học sinh từ 12-18 tuổi với nguồn vaccine phù hợp, trước khi kết thúc học kỳ 1.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hiện 80% giáo viên của thành phố đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1, một số giáo viên đã được tiêm mũi 2.