08:05 14/03/2014

Phố Wall lao dốc do khủng hoảng Ukraine

Thanh Hải

Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 12% lên 16,22 điểm

Nhà đầu tư đang thực sự rất lo lắng về những diễn biến sắp tới liên quan
 tới vấn đề địa chính trị tại Ukraine, cũng như ảnh hưởng đối với kinh tế - Ảnh: Getty.
Nhà đầu tư đang thực sự rất lo lắng về những diễn biến sắp tới liên quan tới vấn đề địa chính trị tại Ukraine, cũng như ảnh hưởng đối với kinh tế - Ảnh: Getty.
Chứng khoán Mỹ tuột mạnh trong phiên 13/3, với việc cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng có ngày giao dịch tệ nhất từ đầu tháng 2, do nhà đầu tư lo lắng về khủng hoảng ở Ukraine.

Đà bán tháo cổ phiếu tăng mạnh trong buổi chiều, sau khi xuất hiện thông tin cho rằng Nga đã triển khai các hoạt động tập luyện quân sự gần biên giới với Ukraine. Theo giới phân tích, điều này cho thấy không có dấu hiệu căng thẳng hạ nhiệt bất kể Mỹ và Liên minh châu Âu chuẩn bị áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Trong một bài phát biểu được đánh giá là mạnh mẽ bất thường, hôm qua (13/3), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra cảnh báo rằng, nước Nga có nguy cơ phải hứng chịu những thiệt hại "nghiêm trọng" về cả chính trị và kinh tế, nếu như Moscow không thay đổi cách hành xử trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 12% lên 16,22 điểm. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang thực sự rất lo lắng về những diễn biến sắp tới liên quan tới vấn đề địa chính trị tại Ukraine, cũng như những ảnh hưởng, tác động của nó đối với những hoạt động kinh tế.

Cùng với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, tình hình kinh tế Trung Quốc cũng đang tác động mạnh lên kết quả giao dịch chứng khoán. Theo giới phân tích, kinh tế Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu mới về sự đi xuống, khi tăng trưởng đầu tư, doanh số bán lẻ, và sản lượng các nhà máy đã hạ xuống mức thấp trong nhiều năm.

Chốt phiên giao dịch ngày 13/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt mạnh tới 231,19 điểm, tương ứng với mức giảm 1,41%, xuống còn 16.108,89 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 21,86 điểm, tương ứng với 1,17%, xuống còn 1.846,34 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 62,91 điểm, tương ứng với mức 1,46%, xuống còn có 4.260,42 điểm.

Trong đó, đáng chú ý là chỉ số S&P 500 hiện đã xuống dưới các đường trung bình động trong vòng 10 ngày và 14 ngày. Đồng thời với kết quả chốt phiên giao dịch 13/3, hiện chỉ số này đang nằm dưới ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng là 1.850 điểm.

Các nhóm cổ phiếu nhạy cảm với tình hình kinh tế như công nghiệp và công nghệ giảm rất mạnh, trong đó công nghiệp giảm 1,5%, công nghệ giảm tới 1,6%. Trong đó, đáng chú ý có cổ phiếu của General Electric đã giảm tới 1,6% xuống còn 25,34 USD, cổ phiếu của Apple giảm 1,1%, xuống mức 530,65 USD vào cuối ngày.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường tăng mạnh, với khoảng 7,5 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả 3 sàn New York, American và Nasdaq, cao hơn nhiều so với mức bình quân 6,8 tỷ cổ phiếu các ngày tính từ đầu tháng 3 cho tới nay.

Thị trường Chỉ số Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
MỹDow Jones16.108,89-231,19-1,41
S&P 5001.846,34-21,86-1,17
Nasdaq4.260,42-62,91-1,46
AnhFTSE 1006.553,78-67,12-1,01
PhápCAC 404.250,51-55,75-1,29
ĐứcDAX9.017,79-170,90-1,86
Nhật Bản Nikkei 22514.815,98-14,41-0,10
Hồng KôngHang Seng21.756,08-145,87-0,67
Trung Quốc Shanghai Composite2.019,11+21,42+1,07
Đài Loan Taiwan Weighted8.747,79+63,06+0,73
Hàn QuốcKOSPI Composite1.934,38+1,84+0,10
Singapore Straits Times3.081,39-16,04-0,52
Nguồn: CNBC, Market Watch.