Phong cách quản lý "khác biệt" của tỷ phú lắp ráp Iphone tranh cử lãnh đạo Đài Loan
Tỷ phú Terry Gou là một người làm việc bền bỉ, có tầm nhìn xa và cũng rất hào phóngs
Vài giờ sau trận động đất làm rung chuyển khu vực bờ biển phía Đông của Đài Loan vào hôm thứ Năm tuần trước, ông Terry Gou - Chủ tịch tập đoàn lắp ráp điện tử Foxconn - xuất hiện trên đường phố ở trung tâm Đài Bắc, nói rằng Đài Loan cần làm nhiều hơn để tự bảo vệ mình khỏi các trận động đất.
Tuyên bố này đánh dấu sự mở đầu cho chiến dịch tranh cử của ông Gou trong cuộc bầu cử ở Đài Loan vào năm sau. Nổi tiếng ở Đài Loan nhờ thành công trong việc biến khoản vay 7.500 USD vào năm 1974 thành một "đế chế" công nghệ toàn cầu hiện sử dụng 1 triệu lao động, ông Gou nhận được sự ủng hộ to lớn từ trước khi ông tuyên bố tranh cử - theo tờ báo Nikkei Asian Review.
Thử thách giờ đây sẽ là liệu là vị tỷ phú giúp hãng công nghệ Mỹ Apple lắp ráp điện thoại iPhone này có tận dụng được những lợi thế mà ông sở hữu để trở thành nhà lãnh đạo của Đài Loan.
Làm việc bền bỉ
Nếu sức bền là một tiêu chuẩn quan trọng, thì ông Gou có điều đó. Ông điều hành tập đoàn có giá trị vốn hóa 41 tỷ USD của mình với một phong cách quản lý cấp bách. Ông làm việc gần như cả ngày và các nhà quản lý cấp cao của Foxconn luôn phải ở trong tư thế sẵn sàng bất kỳ khi nào ông cần gặp. Ông thường đi bộ vào lúc 6h sáng và buổi tối để đảm bảo đủ 10.000 bước đi bộ mỗi ngày, và các sếp của Foxconn thường đi bộ cùng ông để thực hiện các cuộc họp di động.
Mọi lỗi từ nhỏ đến lớn đều không được bỏ qua. Một nhà điều hành Foxconn nhớ lại một cuộc họp sáng mà ông tham dự ở văn phòng của ông Gou. "Một trong số những đồng nghiệp đã phạm một sai lầm ngớ ngẩn và ông Gou rất bực. Mọi người trong cuộc họp đó đều đứng một chỗ và lặng lẽ nhìn Chủ tịch Gou làm việc từ 9h sáng đến 1h chiều. Không ai dám nói hay rời phòng dù là đi toilet", vị này kể.
Vào cuối tuần, ông Goul thường gọi cho cấp dưới và bảo họ đến nhà riêng của ông để họp. Khi họ đến, ông có thể gọi thêm những người khác. Không ai biết trước thứ tự người nào được vào gặp trước, người nào vào sau. "Một số người sẽ phải đợi suốt cả ngày ở đó, và họ không thể rời đi vì không biết lúc nào thì Chủ tịch sẽ gọi tên họ", một nhà điều hành khác cho hay.
Các sếp của Foxconn cũng được yêu cầu phải sẵn sàng để đi công tác trong vòng 1-2 giờ sau khi nhận được thông báo, nguồn tin nội bộ tiết lộ. Khi họ đã ra đến sân bay, điểm đến có thể được thay đổi.
"Có lần, một đồng nghiệp vừa hạ cánh xuống Đài Bắc sau một chuyến công tác dài 1 tháng tới Thâm Quyến, thì đã nhận được một cuộc gọi yêu cầu trở lại Thâm Quyến ngay lập tức vì sếp lớn muốn ông ấy tham dự một cuộc họp chỉ vài giờ sau đó", một nhân viên Foxconn nói.
Đoán trước được chiến tranh thương mại
Dù ông Gou có nhiều đòi hỏi như vậy, hầu hết cấp dưới làm việc lâu năm cùng ông ngưỡng mộ sự nhạy bén và am hiểu sâu sắc trong kinh doanh của ông. "Từ năm 2017, Chủ tịch đã nói với chúng tôi rằng sẽ có chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Khi đó, không ai tin điều này sẽ xảy ra. Ông ấy rất biết nhìn xa. Đó là lý do vì sao có nhiều người muốn làm việc cho ông ấy. Ông ấy sinh ra là để làm lãnh đạo", một nhà điều hành của Foxconn nói với Nikkei.
Vị này nói, chính dự báo về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến ông Gou quyết định đầu tư vào Mỹ. Năm 2018, ông khởi công một dự án màn hình tinh thể lỏng trị giá 10 tỷ USD ở bang Wisconsin, đánh dấu một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Mỹ.
Sinh vào năm Hổ, ông Gou tự gọi mình là "mãnh hổ". Tính cách của ông cũng khá phù hợp với danh xưng này, và giới truyền thông là một mục tiêu ưa thích của ông.
Khi một tờ báo nói ông sẽ không thắng trong cuộc đua giành mua mảng chip nhớ của Toshiba vào năm 2017, ông đã xé toạc tờ báo đó trước mặt giới truyền thông toàn cầu. Một dịp khác, ông chỉ trích thẳng một nhà báo trong một cuộc họp báo được truyền trực tiếp vì cho rằng nhà báo đó đã đặt ra một câu hỏi sai.
Nhưng cũng có nhiều lần ông Gou thể hiện là một con người khiêm tốn.
Khi xảy ra một loạt vụ tự vẫn của công nhân Foxconn tại các nhà máy ở Trung Quốc vào năm 2010-2011, ông đã xin lỗi công khai gia đình của các công nhân đó. Ông cũng lần đầu tiên cho giới truyền thông toàn cầu được vào bên trong các nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến, để họ chứng kiến môi trường sống và làm việc của công nhân ở đó.
"Chúng tôi chưa làm đủ tốt để ngăn việc đó xảy ra", ông Gou nói về các vụ tự tử của công nhân khi đó. "Trong một tháng qua, điều tôi lo sợ nhất là những cuộc gọi vào nửa đêm hay sáng sớm. Lãnh đạo công ty và tôi đều cảm thấy rất áp lực".
Tỷ phú hào phóng
Đối với công chúng, tính cách mạnh mẽ của ông Gou là điều làm nên sự khác biệt của ông. Nhiều người Đài Loan ngưỡng mộ sự thẳng thắn của ông và sự hào phóng của ông dành cho những người kém may mắn.
Vị tỷ phú đã tài trợ 15 tỷ USD Đài tệ, tương đương 486 triệu USD, để xây dựng một trung tâm phòng chống ung thư ở Đài Loan, sau khi người em trai và người vợ đầu tiên của ông chết vì căn bệnh này. Ông còn xây dựng một trang trại ở phía Nam của Đài Loan để tạo công ăn việc làm cho những người mất kế sinh nhai sau trận bão Morakot vào năm 2009.
Sau thảm họa động đất-sóng thần ở Nhật Bản vào năm 2011, ông Gou đã dành 700 triệu Yên, tương đương 6,25 triệu USD để hỗ trợ Nhật Bản. Tiếp đó, ông hỗ trợ 200 triệu Đài tệ cho thành phố Đài Nam sau trận động đất vào năm 2016 và 60 triệu Đài tệ khác cho thành phố Hoa Liên sau trận động đất vào năm ngoái.
"So với các ứng cử viên khác của Quốc dân đảng, ông Gou là một lựa chọn thuyết phục hơn về đưa tăng trưởng kinh tế đến cho Đài Loan, xét tới phong cách điều hành quyết đoán và nền tảng kinh doanh của ông ấy", giáo sư Pan Chao-min thuộc Đại học Tunghai của Đài Loan nhận xét.
Giáo sư quản trị kinhh doanh Chung His-mei thuộc Đại học I-Shou thì cho rằng lợi tế của ông Gou so với những người khác trong lĩnh vực chính trị là khả năng thương thảo và đàm phán với các chính đảng hay quốc gia khác nhau để xây dựng "đế chế" công nghệ của ông.
Nhà sáng lập Foxconn đã giữ được thế cân bằng mong manh trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó ông giữ được mối quan hệ gần gũi với cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Đến nay, ông Gou đang làm tốt một công việc tuyệt vời là tranh thủ các nguồn lực toàn cầu để giúp cho đế chế kinh doanh của ông ấy, và ông ấy thậm chí có thể trao đổi trực tiếp với cả lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ. Đó là lợi thế lớn của ông ấy", ông Chung đánh giá.
Tuy nhiên, kinh doanh là một chuyện, chính trị lại là một chuyện khác. "Giả sử ông ấy có trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan, thì cũng chưa rõ liệu ông ấy có thể tiếp tục giữ được thế cân bằng tốt đẹp giữa Washington và Bắc Kinh hay không", ông Chung nói.