09:44 31/07/2008

"Quá sớm để đề cập tới cắt giảm lãi suất"

Thùy Trang

Đó là nhận định của Ngân hàng Standard Chartered khi đề cập về kinh tế Việt Nam sau tác động từ việc tăng giá xăng dầu

Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng lúc này vẫn còn quá sớm để đề cập tới việc cắt giảm lãi suất cơ bản.
Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng lúc này vẫn còn quá sớm để đề cập tới việc cắt giảm lãi suất cơ bản.
Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered khu vực Đông Nam Á đã phân tích việc tăng giá xăng dầu khiến tình trạng lạm phát cao sẽ còn tiếp tục kéo dài và khả năng Ngân hàng Nhà nước chưa thể sớm cắt giảm lãi suất.

Theo báo cáo, việc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) quyết định tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vừa qua sẽ gây thêm nhiều sức ép đối với lạm phát trong những tháng sắp tới. Đưa giá xăng dầu trong nước sát hơn với mức giá của thế giới là một bước đi đúng đắn, và điều này cũng đồng nghĩa với khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường chính sách thắt chặt kiểm soát tiền tệ.

Trên cơ sở nhận định cuộc chiến kiềm chế sự phát triển quá nóng của nền kinh tế vẫn chưa tới hồi kết, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng lúc này vẫn còn quá sớm để đề cập tới việc cắt giảm lãi suất cơ bản.

Tác động tiêu cực tới lạm phát
 
Cũng giống như các nước láng giềng châu Á, ngày 21/7 vừa qua, Petrolimex công bố giá bán lẻ xăng tăng lên 31%, dầu diesel tăng 14%, dầu hỏa tăng 44%.

Động thái này nhằm giảm gánh nặng trợ cấp nhập khẩu xăng dầu, khi con số này đã lên tới 14.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2008, và có thể lên tới 70.000 tỷ đồng trong cả năm 2008, nếu giá dầu thô vẫn giữ ở mức 130 - 150 USD/thùng cho đến cuối năm.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện đang nhập khẩu toàn bộ các mặt hàng dầu tinh chế, theo Standard Chartered, việc tăng giá lần này không chỉ làm giảm hiện  tượng buôn lậu mà còn giúp giảm cầu về xăng dầu và từ đó giảm thâm hụt thương  mại.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc tăng giá mạnh vừa qua, điều chỉnh đầu tiên kể từ đợt tăng giá vào tháng 2/2008, rõ ràng sẽ có tác động tiêu cực tới tình hình lạm phát của Việt Nam. Theo một quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đáng mừng là lạm phát trong tháng 7 tăng ít, chỉ 1,13% so với tháng 6.

Tuy nhiên, việc giá xăng dầu tăng sẽ khiến lạm phát trong tháng 8 tăng từ 0,7 đến 1 điểm phần trăm so với tháng 7. Theo ảnh hưởng của đợt tăng giá xăng dầu vào tháng 2/2008 (giá dầu tăng 36% và giá xăng tăng 11,5%), đợt tăng giá này cũng sẽ làm tỷ lệ lạm phát tăng so với năm ngoái.

Trong báo cáo tháng 5 với tựa đề “Lạm phát và thâm hụt thương mại làm gia tăng gánh nặng tâm lý”, công bố ngày 28/5/2008, chuyên gia của Standard Chartered cũng dự báo tỷ lệ lạm phát của Việt Nam có thể lên tới 30% trong quý 3 (so với cùng kỳ năm trước).

Theo nhận định mới nhất của Standard Chartered, tỷ lệ này sẽ tiếp tục duy trì trong quý 4, và có thể giữ ở khoảng 20% trong quý 1 năm 2009 trước khi suy giảm. Chuyên gia Standard Chartered đã đưa ra những dự đoán mới nhất về tỷ lệ tăng trưởng và lạm phát của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2008 và năm 2009. Theo đó, lạm phát sẽ ở mức trung bình là 25% trong năm 2008 và 15% trong năm 2009.

Chuyên gia Standard Chartered cũng nhận định nếu căn cứ vào mức tăng GDP quý 2, động lực tăng trưởng đang giảm đi nhanh chóng, nhưng thả lỏng chính sách  tiền tệ trước khi kiểm soát được tình hình sẽ tạo ra nguy cơ làm mất niềm  tin ở các nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh chỉ số lạm phát dự kiến vẫn ở mức hơn 20% trong 6 đến 9 tháng tới.

Giá hàng hóa vẫn là một ẩn số lớn nhất. Giá dầu thô tiếp tục tăng đương nhiên sẽ càng gây áp lực tiếp tục tăng giá xăng dầu trong nước, nhưng đây không phải là hiện tượng chỉ có ở Việt Nam.

Tuy được trợ giá, giá xăng dầu ở Việt Nam vẫn tương đối cao so  với khu vực. Ví dụ, giá xăng hiện nay là 19.000 VND/lít (tương đương 1,15 USD/lít), chỉ thấp hơn khoảng 7.800 đồng so với Singapore, nhưng cao hơn 8.500 đồng/lít so với Indonesia, hơn 6.800/lít so với Trung Quốc, và 5.500 đồng/lít so với Malaysia. Bởi vậy, báo cáo khẳng định: “Áp lực tiếp tục tăng giá sẽ giảm đi trong thời gian sắp tới”.

Tác động mạnh tới tâm lý

Việc bán tháo trên thị trường trái phiếu và sự mất giá của tiền đồng sau công bố tăng giá xăng dầu là dấu hiệu cho thấy tâm lý rất dễ thay đổi của thị trường. Từ khi chỉ số lạm phát và thương mại của tháng 6 được công bố với dấu hiệu cải thiện vững chắc, niềm tin trên thị trường đã trên đà hồi phục.

Việc bán ra USD và mua trái phiếu tiền VND cũng dần tăng trở lại. Chỉ số trên thị trường chứng khoán Tp.HCM cũng tăng lên kể từ trung tuần tháng 6 đến trung tuần tháng 7. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu lại đưa tới lo ngại về lạm phát và làm đảo chiều tâm lý trên thị trường.

Chính vì vậy, chuyên gia Standard Chartered một lần nữa nhấn mạnh: đề cập tới việc giảm lãi suất cơ bản trong lúc này không chỉ quá sớm mà còn tạo thêm áp lực đối với tâm lý trên thị trường, vì các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát.

Chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ theo dõi các động thái của Ngân hàng Nhà nước. Việc có thể nâng giới hạn tăng trưởng tín dụng từ 30 lên 40%, đặc biệt nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu, sẽ ít tác dụng hơn, vì mục tiêu ban đầu đã không thực hiện được khi tỉ lệ cho vay đã tăng 20% trong vòng 6 tháng đầu năm.