Quận 5, TP.HCM mở các “phiên chợ dã chiến” phục vụ người dân mùa Covid-19
Từ ngày 22/9 sắp tới, Ủy ban nhân dân quận 5, TP.HCM sẽ triển khai kế hoạch mở các “phiên chợ dã chiến” tại các tuyến đường rộng thoáng trên địa bàn quận. Người dân sẽ được ra đường để đi chợ, mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày...
Các “chợ dã chiến” sẽ luân phiên nhau, hôm nay ở phường này, khu phố này, hôm sau sẽ ở phường khác hay khu phố khác và sẽ tập trung ưu tiên hơn cho những khu vực, phường mà người dân đã tiêm đủ 02 mũi vaccine ngừa Covid-19.
Phiên “chợ dã chiến” đầu tiên dự kiến sẽ mở tại khu vực ngã tư Trần Bình Trọng - Nguyễn Trãi thuộc phường 2. Quy mô khoảng 7 - 10 người phục vụ, chủ yếu tính tiền, hướng dẫn người dân giãn cách, lựa chọn hàng hóa, kiểm soát phòng chống dịch…
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Trương Minh Kiều, sau thời gian dài giãn cách liên tục trong nhà, người dân cần có cơ hội đi ra ngoài thư giãn, mua sắm ít nhu yếu phẩm, thay đổi bầu không khí vốn ngột ngạt trong nhà... Đi ra ngoài, bà con có thể trực tiếp chọn lựa sản phẩm và mua bán trong giới hạn phòng chống dịch cho phép kết hợp việc thực hiện nghiêm 5K. Quận tiến hành lựa những tuyến đường rộng thoáng, cho hàng hóa tập kết về, bố trí giãn cách giữa các ô. Số lượng người dân đi mua sắm cũng sẽ được thông báo giới hạn theo khung giờ…
Từ tháng 7/2021, khi TP.HCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, quận 5 đã mở chợ phiên dã chiến đầu tiên ở Trung tâm Văn hóa Quận 5 (Khu Đại Thế Giới, thuộc phường 6). Đây là nơi tập kết hàng hóa, nhận đơn hàng trực tuyến, bán hàng và giao hàng lưu động cho người dân tại các “vùng xanh” mỗi tuần một lần. Chợ dã chiến Trung tâm Văn hóa Quận 5 vẫn duy trì cho đến nay với nguồn hàng hóa thực phẩm khá dồi dào, đa dạng.
Dự kiến, sau “phiên chợ dã chiến” ở phường 2, quận 5 sẽ tiếp tục mở rộng ra ở nhiều phường khác, như phường 3… Các khuôn viên thoáng rộng như chợ Hòa Bình (phường 5), An Đông (phường 9)... cũng sẽ lần lượt được chia ô mở “chợ dã chiến” phục vụ bà con trong thời gian tới.
Quận 5 là nơi tập trung nhiều chợ truyền thống lớn và lâu đời của vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, với các chợ như: Chợ Soái Kình Lâm (P.14), chợ Kim Biên (P.13), chợ Hòa Bình (P.5), chợ An Đông (P.9), chợ sắt Hà Tôn Quyền (P.15), chợ Vật tư Quận 5 (P.10), chợ Bàu Sen (P.3), chợ thiếc Tân Thành (P.12), chợ Xã Tây (P.11), chợ trời Phùng Hưng (P.14),… Quận 5 cũng là nơi tập trung đông người Hoa sinh sống (cùng với quận 6, 10 và 11) từ nhiều thế hệ đến nay, nên trong số các chợ truyền thống ở quận 5 có nhiều chợ mang màu sắc truyền thống người Hoa, phục vụ cả cộng đồng người Hoa và người Việt. Tuy nhiên, từ khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các chợ truyền thống đã bị đóng hoàn toàn. Theo người đứng đầu chính quyền Quận 5, kế hoạch mở chợ truyền thống chưa thể tính được bởi phải làm an toàn trong địa bàn, trước hết thí điểm “chợ dã chiến”.
Theo kế hoạch phục hồi kinh tế của TP.HCM, Ủy ban nhân dân Quận 5 cho hay đang xây dựng lộ trình phục hồi kinh tế tập trung ưu tiên 4 nhóm theo thứ tự.
Nhóm 1 là các đơn vị kinh doanh sản xuất có quy mô lớn tại địa phương; Nhóm 2 là các đơn vị kinh doanh, sản xuất, cung cấp dịch vụ thiết yếu; Nhóm 3 là các thương nhân, kinh doanh tại các chợ truyền thống; Nhóm 4 là các đơn vị kinh doanh sản xuất còn lại.
Cũng theo lộ trình 3 giai đoạn phục hồi kinh tế của TP.HCM, Ủy ban nhân dân Quận 5 cho biết, từ ngày 16/9 đến ngày 15/10/2021 là giai đoạn thử nghiệm, quận ưu tiên triển khai tại các địa bàn bảo đảm đạt an toàn cao, như phường 3, phường 10. Áp dụng cho nhóm 1, nhóm 2 một phần đối tượng của nhóm 3.
Giai đoạn 2, từ ngày 15/10 trở đi, thời điểm này người dân quận 5 đã được tiêm vắc xin mũi 2 sau 14 ngày có thể tham gia các hoạt động kinh tế xã hội tại địa phương. Đối tượng áp dụng là các thành phần còn lại của nhóm 3 và nhóm 4. Trong giai đoạn này, quận sẽ xem xét cho phép hoạt động trở lại các chợ truyền thống thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Sau đó sẽ tính đến phương án phục hồi các chợ truyền thống trong quận.
Trước đó, Sở Công Thương TP.HCM đưa ra kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ phối hợp với ủy ban nhân dân các quận huyện và TP. Thủ Đức để triển khai phương án đi chợ 1 tuần/lần cho người dân tại địa bàn quận 7 và huyện Củ Chi. Sở này cũng tổ chức rà soát, đánh giá tình hình các chợ truyền thống đang hoạt động, nhằm nghiên cứu đề xuất phương án mở lại các chợ vào thời điểm phù hợp.