Quản chặt hơn chuyện rút vốn của doanh nghiệp FDI cổ phần hóa?
Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được “xem xét lại”
Theo một nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được “xem xét lại”, khi mà tình trạng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc này đã được phát hiện, gây những hệ lụy nhất định cho nền kinh tế.
Nghị định 38/2003/NĐ-CP trước đây về các quy định về việc cổ phần hóa và niêm yết doanh nghiệp FDI là khá chặt chẽ.
Cụ thể, doanh nghiệp muốn cổ phần hóa phải góp đủ vốn pháp định, đã chính thức hoạt động ít nhất 3 năm, trong đó năm gần nhất phải có lãi, tổng giá trị cổ phần do các cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ phải đảm bảo ít nhất bằng 30% vốn điều lệ trong suốt thời gian hoạt động.
Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định 101/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật này được thông qua, các điều kiện trên đã được bãi bỏ và doanh nghiệp FDI muốn chuyển thành công ty cổ phần chỉ phải tuân thủ điều kiện chung đối với công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Việc bãi bỏ các điều kiện trên đã đưa tới một số hệ lụy. Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần đã định giá không xác thực tài sản để có giá trị cổ phiếu cao khi niêm yếu trên thị trường chứng khoán.
Thứ hai, một số doanh nghiệp đã lợi dụng việc chuyển đổi để vốn hóa tài sản bán bớt cổ phần thậm chí chuyển toàn bộ vốn ra khỏi Việt Nam.
Thứ ba, việc rút vốn đã làm ảnh hưởng tới cán cân thanh toán, đặc biệt là cán cân dòng vốn FDI thực vào và chuyển ra khỏi Việt Nam.
Những vấn đề này đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi và ghi nhận trong các báo cáo riêng và từ đó đã định hình một số hướng khắc phục. Điều này cũng nhận được sự đồng thuận từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đang chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, tới đây quy định đối với các doanh nghiệp FDI muốn chuyển sang công ty cổ phần sẽ được thắt chặt lại theo hướng quay lại ràng buộc tỷ lệ nắm giữ tối thiểu của cổ đông nước ngoài trong suốt quá trình hoạt động, đưa ra yêu cầu bắt buộc về thời gian hoạt động tối thiểu của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam, đáp ứng các tiêu chí nhất định về vốn, lợi nhuận, tình hình tài chính, vay nợ, khả năng thanh toán và chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, sẽ bắt buộc phải định giá doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp liên doanh có bên Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, đồng thời yêu cầu bổ sung yêu cầu cung cấp thông tin của doanh nghiệp FDI trong quá trình chuyển đổi và sau khi chuyển đổi.
Việt Nam có chủ trương thí điểm cho phép các doanh nghiệp FDI cổ phần hóa từ năm 2003. Đến tháng 9/2004, Cục Đầu tư nước ngoài công bố việc chấp thuận cổ phần hóa cho 6 doanh nghiệp FDI đầu tiên, gồm Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam, Công ty Công nghiệp Chế biến thực phẩm Quốc tế, Công ty Công nghiệp TNHH Tungkuang, Công ty Cổ phần Công nghiệp gốm sứ Taicera, Công ty Liên doanh Austnam và Công ty Liên doanh Quốc tế Hoàng Gia.
Khi đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp này đều đạt các điều kiện như đã góp đủ vốn pháp định theo quy định tại giấy phép đầu tư, đã chính thức hoạt động ít nhất 3 năm, trong đó năm cuối trước khi chuyển đổi phải có lãi và có hồ sơ đề nghị chuyển đổi.
Tính đến cuối năm 2010, đã có 9 doanh nghiệp FDI niêm yết trên hai sàn HSX và HNX, tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp trong số này thường báo cáo thua lỗ trong thời gian qua.
Các doanh nghiệp này cũng tiến hành bán cổ phần nhiều lần mà điển hình là trường hợp Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh. Sau khi niêm yết vào năm 2008, đến nay tập đoàn Bourbon, đối tác chính trong công ty này đã bán hết cổ phần cho nhà đầu tư trong nước và đáng nói là họ chỉ bán với giá bằng mệnh giá.
Điều này khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế băn khoăn rằng liệu việc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần có thực sự là để xây dựng một doanh nghiệp phát triển dài hạn tại Việt Nam hay chỉ là để thoái vốn dễ dàng hơn.
Nghị định 38/2003/NĐ-CP trước đây về các quy định về việc cổ phần hóa và niêm yết doanh nghiệp FDI là khá chặt chẽ.
Cụ thể, doanh nghiệp muốn cổ phần hóa phải góp đủ vốn pháp định, đã chính thức hoạt động ít nhất 3 năm, trong đó năm gần nhất phải có lãi, tổng giá trị cổ phần do các cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ phải đảm bảo ít nhất bằng 30% vốn điều lệ trong suốt thời gian hoạt động.
Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định 101/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật này được thông qua, các điều kiện trên đã được bãi bỏ và doanh nghiệp FDI muốn chuyển thành công ty cổ phần chỉ phải tuân thủ điều kiện chung đối với công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Việc bãi bỏ các điều kiện trên đã đưa tới một số hệ lụy. Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần đã định giá không xác thực tài sản để có giá trị cổ phiếu cao khi niêm yếu trên thị trường chứng khoán.
Thứ hai, một số doanh nghiệp đã lợi dụng việc chuyển đổi để vốn hóa tài sản bán bớt cổ phần thậm chí chuyển toàn bộ vốn ra khỏi Việt Nam.
Thứ ba, việc rút vốn đã làm ảnh hưởng tới cán cân thanh toán, đặc biệt là cán cân dòng vốn FDI thực vào và chuyển ra khỏi Việt Nam.
Những vấn đề này đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo dõi và ghi nhận trong các báo cáo riêng và từ đó đã định hình một số hướng khắc phục. Điều này cũng nhận được sự đồng thuận từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đang chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, tới đây quy định đối với các doanh nghiệp FDI muốn chuyển sang công ty cổ phần sẽ được thắt chặt lại theo hướng quay lại ràng buộc tỷ lệ nắm giữ tối thiểu của cổ đông nước ngoài trong suốt quá trình hoạt động, đưa ra yêu cầu bắt buộc về thời gian hoạt động tối thiểu của doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam, đáp ứng các tiêu chí nhất định về vốn, lợi nhuận, tình hình tài chính, vay nợ, khả năng thanh toán và chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, sẽ bắt buộc phải định giá doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp liên doanh có bên Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, đồng thời yêu cầu bổ sung yêu cầu cung cấp thông tin của doanh nghiệp FDI trong quá trình chuyển đổi và sau khi chuyển đổi.
Việt Nam có chủ trương thí điểm cho phép các doanh nghiệp FDI cổ phần hóa từ năm 2003. Đến tháng 9/2004, Cục Đầu tư nước ngoài công bố việc chấp thuận cổ phần hóa cho 6 doanh nghiệp FDI đầu tiên, gồm Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam, Công ty Công nghiệp Chế biến thực phẩm Quốc tế, Công ty Công nghiệp TNHH Tungkuang, Công ty Cổ phần Công nghiệp gốm sứ Taicera, Công ty Liên doanh Austnam và Công ty Liên doanh Quốc tế Hoàng Gia.
Khi đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp này đều đạt các điều kiện như đã góp đủ vốn pháp định theo quy định tại giấy phép đầu tư, đã chính thức hoạt động ít nhất 3 năm, trong đó năm cuối trước khi chuyển đổi phải có lãi và có hồ sơ đề nghị chuyển đổi.
Tính đến cuối năm 2010, đã có 9 doanh nghiệp FDI niêm yết trên hai sàn HSX và HNX, tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp trong số này thường báo cáo thua lỗ trong thời gian qua.
Các doanh nghiệp này cũng tiến hành bán cổ phần nhiều lần mà điển hình là trường hợp Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh. Sau khi niêm yết vào năm 2008, đến nay tập đoàn Bourbon, đối tác chính trong công ty này đã bán hết cổ phần cho nhà đầu tư trong nước và đáng nói là họ chỉ bán với giá bằng mệnh giá.
Điều này khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế băn khoăn rằng liệu việc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần có thực sự là để xây dựng một doanh nghiệp phát triển dài hạn tại Việt Nam hay chỉ là để thoái vốn dễ dàng hơn.