10:41 12/06/2013

Quan hệ Mỹ - Trung phía sau những lời hoa mỹ

Thanh Hải

Trong suốt cuộc hội đàm không chính thức cuối tuần trước, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung nhiều lần nói tới mối quan hệ kiểu mới

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức vào cuối tuần qua ở California - Ảnh: Reuters.<br>
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức vào cuối tuần qua ở California - Ảnh: Reuters.<br>
Những lời bình luận được các lãnh đạo Mỹ - Trung cũng như các trợ lý của họ đưa ra trong cuộc gặp cuối tuần qua, cho thấy những khác biệt giữa hai quốc gia này vẫn còn rất lớn.

Trong hai ngày cuối tuần qua (7 - 8/6, giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những cuộc hội đàm thượng đỉnh không chính thức tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ở California, Mỹ. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa nguyên thủ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ khi ông Tập Cận Bình chính thức giữ cương vị Chủ tịch Trung Quốc.

Mặc dù về mặt ngôn luận, đây là cuộc gặp không chính thức và diễn ra tại một khu nghỉ dưỡng, nhưng thực tế các nội dung mà hai nhà lãnh đạo bàn thảo lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như vấn đề an ninh mạng, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Hoa Đông, biển Đông, tham vọng hạt nhân của Triều Tiên...

Trong đó, đặc biệt gây chú ý là việc xây dựng quan hệ nước lớn "kiểu mới" được hai nhà lãnh đạo nhắc đi nhắc lại.

Phát biểu với các phóng viên ngay trước cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, ông muốn đạt đến "một hình mẫu hợp tác mới" với phía Trung Quốc, một mục tiêu mà ông chưa hoàn thành sau khi tiếp cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong nhiệm kỳ đầu tiên.

"Một mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất là rất quan trọng đối với thế giới", người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố.

Tiếp đó, trong khuôn khổ cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ, Mỹ hoan nghênh sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc như một cường quốc của thế giới và hai nước cần hợp tác chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề còn tồn tại. "Chúng tôi tin rằng một Trung Quốc hòa bình và thịnh vượng không chỉ tốt cho Trung Quốc mà cả cho Mỹ cũng như thế giới", ông Obama nói.

"Vẫn còn căng thẳng giữa hai nước trên một số lĩnh vực, nhưng những gì mà tôi rút ra trong 4 năm qua là cả người dân Trung Quốc và Mỹ đều muốn có mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ. Chúng ta có nhiều lợi ích chung trong việc cùng nhau giải quyết các thách thức. Tôi rất hy vọng chúng ta sẽ tạo dựng một nền tảng mạnh mẽ cho mô hình quan hệ hợp tác mới giữa hai nước trong những năm tới", ông Obama nhấn mạnh.

Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất nhì trên thế giới hiện nay, cần duy trì được sự cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác nhằm vượt qua các thách thức. Mỹ mong muốn một trật tự kinh tế thế giới, mà ở đó tất cả các nước đều tuân thủ các quy định như nhau, một trật tự công bằng, minh bạch về thương mại.

Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nêu rõ, quan hệ hai nước đang ở một điểm khởi đầu mới, trong đó hai bên cùng có những mối quan tâm hàng đầu, từ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi nước, khôi phục tăng trưởng kinh tế thế giới, cho tới giải quyết những vấn đề nóng bỏng trong khu vực và trên thế giới, đối phó với những thách thức toàn cầu. Điều này đòi hỏi Trung Quốc và Mỹ phải thúc đẩy hợp tác song phương.

Tiếp đó, tại cuộc họp báo chung sau hai ngày hội đàm, ông Tập Cận Bình nói, với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ cần hợp tác, xây dựng "quan hệ nước lớn kiểu mới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cả hai cùng thắng".

Hai ông nhất trí sẽ mở rộng các chuyến thăm ở mọi cấp, tăng cường giao lưu nhân dân và duy trì thông tin liên lạc thường xuyên; thúc đẩy đối thoại về chiến lược và kinh tế...

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhất trí rằng, trong thời kỳ toàn cầu hóa và căn cứ vào nhu cầu khách quan của từng nước, Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ với nhau để giải quyết các thách thức và khó khăn chung. Đây là một con đường mới khác hẳn với kỷ nguyên đối đầu và xung đột trước đây giữa các nước.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ hy vọng với các vấn đề được trao đổi, hai nước sẽ xây dựng được một mô hình hợp tác mới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Ông cũng nhắc lại tuyên bố trước đó về những "căng thẳng" tồn tại giữa hai nước, nhưng khẳng định hai bên có thể hợp tác hiệu quả với nhau trong nhiều vấn đề. Mỹ và Trung Quốc cần cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác nhằm vượt qua những vấn đề gây chia rẽ.

Đánh giá triển vọng quan hệ Mỹ-Trung sau cuộc gặp, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ông Christopher Johnson cho rằng, mặc dù chưa thể có ngay những cải thiện mang tính đột phá trong quan hệ giữa hai nước, nhưng cuộc gặp không mang tính chính thức này giữa hai nhà lãnh đạo có thể tạo ra một sự khởi đầu thuận lợi hơn cho mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Còn theo giáo sư Li Jianqiang thuộc trường Đại học Houston, cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức lần này là bước đi đầu tiên trên con đường hướng tới một mô hình mới của quan hệ Trung Quốc và Mỹ. Lee Cheng, thành viên cao cấp của Viện Brookings (Mỹ) cũng cho rằng, cuộc hội đàm đã tập trung vào xây dựng một mô hình mới của quan hệ giữa các cường quốc, cho thấy tính hợp tác nhiều hơn là đối đầu.

Tuy nhiên, theo học giả Minxin Pei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Kech của Đại học McKenna ở Claremont, lãnh đạo Trung Quốc có xu hướng tổng hợp các mối quan hệ của Trung Quốc với các nước khác với một khẩu hiệu mơ hồ, trong khi Mỹ lại xác định quan hệ song phương dựa trên kết quả trao đổi thực tế.

Trao đổi với hãng tin BBC, ông Pei nói, Mỹ không xác định mối quan hệ với Trung Quốc là quan hệ đối tác chiến lược hoặc hợp tác chiến lược.

Thay vào đó, Mỹ sẽ đánh giá quan hệ dựa vào hành động thực tế, như sau cuộc gặp này, các vụ tấn công mạng từ Trung Quốc có giảm đáng kể không. Theo ông Pei, Mỹ thích hành động cụ thể hơn là hô khẩu hiệu. Ngay như về Triều Tiên, Washington sẽ quan tâm nhiều hơn đến những hành động cụ thể của Bắc Kinh.

Bản thân ông Obama cũng đã thừa nhận là hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc còn nhiều việc phải làm để biến những hiểu biết rộng rãi đạt được trong hai ngày qua thành những việc làm cụ thể. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, Mỹ và Trung Quốc cần tiếp tục thảo luận với nhau các vấn đề không chỉ hôm nay, ngày mai mà trong nhiều tuần, nhiều tháng và nhiều năm tới mới hy vọng nâng quan hệ song phương lên một cấp độ mới.

Nhà báo Lawrence Chiu của hãng tin CNA thì cho rằng, Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương. Thậm chí Trung Quốc còn nhòm ngó cả châu Phi và Mỹ Latin. Do đó, theo nhận định của Lawrence Chiu, khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra khó mà có thể làm giảm bớt sự cạnh tranh giữa hai nước.

Trong khi đó, đài RFI dẫn lời chuyên gia Greer Meisels thuộc Trung tâm tư vấn Wilson Center, có trụ sở tại Washington DC, nhận định rằng, "các cuộc hội đàm giữa nguyên thủ hai nước cho thấy là họ đã xem xét rất nghiêm túc mối quan hệ song phương, nhưng đây mới chỉ là bước đầu và liệu điều này có tạo ra được một đà mới và các hiệu ứng tích cực khác hay không? Tôi nghĩ, vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá".