09:59 02/04/2009

Quản lý đất công và những thống kê báo động

Hạnh Liên

Hiện cả nước có trên 70 triệu mét vuông nhà công sở, ước tính giá trị trên 8.000 tỷ đồng

Qua rà soát bước đầu 2.248 địa điểm tài sản nhà đất công do các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp quản lý tại Hà Nội, đã phát hiện 3,6 triệu m2 đất bị sử dụng sai mục đích.
Qua rà soát bước đầu 2.248 địa điểm tài sản nhà đất công do các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp quản lý tại Hà Nội, đã phát hiện 3,6 triệu m2 đất bị sử dụng sai mục đích.
So với chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 với 28.530 héc ta được Quốc hội khóa XI thông qua, quỹ đất công xây trụ sở cơ quan và công trình sự nghiệp hiện đã vượt 121,86%.

Trong đó, rất nhiều đất công ích đang bị hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện cả nước có trên 70 triệu mét vuông nhà công sở, ước tính giá trị trên 8.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ năm 2001 đến nay, 2.500 tỷ đồng đã được các cơ quan nhà nước “đổ” vào xây 440.000 m2 trụ sở hành chính

Tuy nhiên, qua rà soát bước đầu 2.248 địa điểm tài sản nhà đất công do các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp quản lý tại Hà Nội, đã phát hiện 3,6 triệu m2 đất bị sử dụng sai mục đích. Trong 802 địa điểm nhà, đất do Trung ương quản lý có tới 172 địa điểm bị sử dụng sai mục đích với tổng diện tích lên đến 728.000 m2.

Tại Tp.HCM, con số đất hoang hóa đã lên tới 2 triệu mét vuông trong tổng số 20 triệu mét vuông nhà, đất công đang giao cho các cơ quan nhà nước quản lý. Nhiều diện tích đất công ích bị bỏ hoang đã tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị sử dụng đất chuyển nhượng trái phép.

Hiện trạng quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn ngân sách nhà nước cũng trong tình trạng lãng phí tương tự.

Một quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói với VnEconomy, hiện 2.176 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nắm giữ tổng số vốn gần 260 nghìn tỷ đồng, 75% tài sản cố định quốc gia, trên 80% vốn đầu tư nhà nước, 60% tổng lượng tín dụng, 70% vốn vay nước ngoài.
 
“Ngốn” ngân sách lớn, cộng với việc được thụ hưởng nhiều đất đai, nhưng khối doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp chưa tới 40% GDP, 30% thu ngân sách về thuế và chỉ tạo việc làm cho 10% lực lượng lao động.

Lợi dụng kẽ hở của Luật Đất đai 2003 khi chưa đưa ra tiêu chí cụ thể xác định nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp, nhiều địa phương đã giao hoặc cho doanh nghiệp thuê đất tùy tiện với hiệu quả kinh tế thấp.

Điển hình tại các lâm trường, trên 7.700 hécta đất bị “xà xẻo’ cho thuê, cho mượn, 54.000 héc ta đất khác đang bị lấn chiếm trong tổng số gần 5 triệu héc ta đất nông lâm trường.

Khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao cũng trong tình trạng sử dụng đất đáng báo động.

Theo một điều tra của Viện Nghiên cứu địa chính, tính đến cuối năm 2007, trong 550 cụm/khu công nghiệp, chỉ có 332 khu/cụm đang hoạt động, 112 khu/cụm đang trong giai đoạn xây dựng, còn lại là những cụm/khu chưa triển khai. Đáng chú ý, tính đến nay, đất công nghiệp có thể cho thuê chỉ đạt 46,6%.
 
Theo một số liệu mới hơn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số 185 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 44.895 héc ta, chỉ có 110 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tính đến cuối năm 2008. Như vậy, tiến độ triển khai chậm của các khu công nghiệp đã kéo theo việc sử dụng quỹ đất tại các khu/cụm công nghiệp kém hiệu quả

523 trong 9.970 địa điểm nhà đất do cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp quản lý đang bị bỏ hoang tại Tp.HCM hay tình trạng sử dụng đất công trái pháp luật tại các doanh nghiệp nhà nước, có vốn nước ngoài tại Cần Thơ là những con số và vụ việc điển hình cho thấy sự bất hợp lý trong công tác quản lý sử dụng quỹ đất công có giá trị lớn ở địa phương.

Trong nhiều trường hợp, công tác quản lý quỹ đất công đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước, theo thừa nhận của một quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường.