18:04 27/12/2016

Quản lý thuế với giá chuyển nhượng trước thách thức đổi thay

Đinh Mai Hạnh

Các quy định mới dự kiến được ban hành sẽ tạo ra nhiều gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp

Bà Đinh Mai Hạnh, Giám đốc Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam.
Bà Đinh Mai Hạnh, Giám đốc Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành dự thảo nghị định quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Với mục tiêu ban hành trong năm 2016, đây sẽ là văn bản cấp nghị định đầu tiên tại Việt Nam về giá chuyển nhượng.

Giá chuyển nhượng hay xác định giá thị trường trong giao dịch với bên liên kết, luôn là trọng điểm trong kế hoạch thanh, kiểm tra của cơ quan thuế các cấp trong những năm gần đây. Bên cạnh những khó khăn thường gặp trong quá trình thanh kiểm tra giá chuyển nhượng (ví dụ người nộp thuế ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ), việc chưa có những quy định pháp lý cụ thể, rõ ràng đồng thời tạo ra nhiều khó khăn bất cập đối với doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ. 

Quan điểm chưa đồng nhất về tuân thủ thuế đối với giá chuyển nhượng giữa các doanh nghiệp nước ngoài và cơ quan thuế. Nói đến các doanh nghiệp đa quốc gia, giá chuyển nhượng luôn được coi là một trong những rủi ro hàng đầu và nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Các thông tin về giao dịch với các bên liên kết của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường được đưa ra gắn liền với chuyển giá, thất thu thuế, tạo nên một hình ảnh tiêu cực đối với người tiếp nhận thông tin về cộng đồng các doanh nghiệp đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

Ngược lại, việc áp dụng một số quy định hiện hành chưa rõ ràng về giá chuyển nhượng của cơ quan thuế, ấn định thuế thiếu căn cứ, cũng tạo nên những khó khăn nhất định trong quá trình tuân thủ từ phía doanh nghiệp, thậm chí gây nhiều bất cập và sự thiếu tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp về tính minh bạch trong quy định về quản lý thuế đối với giá chuyển nhượng.

Thực tiễn bất cập 

Thông tư 117/2005/TT-BTC ban hành ngày 19/12/2005 của Bộ Tài chính đánh dấu sự ra đời lần đầu tiên về khái niệm giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.

Tính đến thời điểm hiện tại, quy định pháp lý về xác định giá thị trường trong giao dịch với bên liên kết mới chỉ dừng lại ở Thông tư 66/2010-TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành cách đây 6 năm.

Trong khi các lĩnh vực thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng... có một hệ thống văn bản luật từ luật đến nghị định và thông tư hướng dẫn; với các quy định được cập nhật, thay đổi thường xuyên, nhằm đáp ứng tình hình thực tế, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp; thì quy định về giá chuyển nhượng chỉ mới được sửa đổi một lần trong vòng 11 năm qua.

Một ví dụ thường gặp về vướng mắc trong quá trình thanh, kiểm tra giá chuyển nhượng là đánh giá mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp đang trong giai đoạn ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ do mới đầu tư, hoạt động dưới công suất hoặc do các nhân tố thị trường tác động không thể kiểm soát được. Doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mới hoạt động có thể bắt nguồn từ nhiều lý do khách quan cũng như nội tại.

Tuy nhiên, không thể cho rằng doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ đều do nguyên nhân từ việc chuyển giá. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, trong giai đoạn đầu thành lập, việc đầu tư nhiều vào máy móc, nhà xưởng, tuyển dụng đào tạo nhân công... sẽ tạo gánh nặng lớn tới kết quả kinh doanh do chi phí cố định trong hoạt động tăng cao.

Mặt khác, trình độ tay nghề của người lao động cùng với kinh nghiệm quản lý chưa cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất, sản lượng và doanh thu của doanh nghiệp từ đó nhiều khả năng dẫn tới kết quả kinh doanh lỗ trong năm.

Việc điều chỉnh kết quả kinh doanh lỗ đã đặt ra nhiều bài toán hóc búa cho cả cơ quan thuế các cấp cũng như doanh nghiệp. Cơ quan thuế trong quá trình thanh tra, kiểm tra các trường hợp này thường chưa đưa ra được cơ sở vững chắc về việc áp dựng mức lợi nhuận ngành của các công ty đã hoạt động lâu năm và ổn định.

Theo đó, mặc dù quy định hiện tại cho phép thực hiện các điều chỉnh kinh tế phù hợp, các doanh nghiệp này vẫn bị sức ép phải ghi nhận kết quả kinh doanh lãi mới phần nào giảm thiểu các nghi ngờ về chuyển giá từ phía cơ quan thuế, ngay cả trong những năm mới hoạt động, hoặc trong giai đoạn kinh tế khó khăn hay thị trường suy giảm.

Một ví dụ khác về những khó khăn đối với doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ các quy định giá chuyển nhượng tại Việt Nam là việc lựa chọn thông tin độc lập cho mục đích so sánh. Cụ thể, trong các phương pháp xác định giá thị trường được quy định tại Thông tư 66, phương pháp thông dụng nhất được áp dụng là phương pháp so sánh lợi nhuận.

Theo đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được so sánh với biên độ lợi nhuận từ các công ty độc lập với cùng chức năng. Tuy nhiên quá trình lựa chọn các công ty so sánh, các tiêu chí dùng để lựa chọn các công ty so sánh chưa được cụ thể hoá, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình tự đánh giá các giao dịch liên kết của mình.

Trong khi doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng các nguồn thông tin được công bố như thị trường chứng khoán hay từ các cơ sở dữ liệu thương mại do các công ty quốc tế độc lập uy tín cung cấp để lựa chọn các công ty so sánh, nhưng trên thực tế cơ quan thuế thường không chấp nhận các thông tin này.

Trong mọi trường hợp, khi đưa ra số liệu để ấn định, cơ sở dữ liệu mà cơ quan thuế sử dụng, cũng như danh sách các công ty so sánh được lựa chọn thường không được công bố công khai với doanh nghiệp trong quá trình thanh tra. Thực tế này đã làm giảm đi tính minh bạch trong hoạt động thanh, kiểm tra giá chuyển nhượng, cũng như gây nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp.

Những thách thức mới 

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành dự thảo nghị định quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết để lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp.

Với mục tiêu ban hành trong năm 2016, đây sẽ là văn bản cấp nghị định đầu tiên tại Việt Nam về giá chuyển nhượng.

Hầu hết các thay đổi trong dự thảo nghị định cũng nhằm hướng đến nỗ lực đưa các quy định về giá chuyển nhượng tiến gần hơn với các hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và các chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS).

Nhìn chung nội dung dự thảo nghị định mới thể hiện nhiều xu hướng thay đổi tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tự đánh giá và thực hiện tuân thủ đối với các quy định về giá chuyển nhượng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nghị định cũng đặt ra các thách thức không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp trong vấn đề tuân thủ, đặc biệt là đối với thời hạn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và nội dung các hồ sơ phải cung cấp.

Theo nội dung dự thảo được đưa ra, doanh nghiệp sẽ phải lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trước thời điểm kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm, tức là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trên thực tế, khoảng thời gian 90 ngày sau khi kết thúc năm tài chính trùng với thời điểm doanh nghiệp phải hoàn thành báo cáo kiểm toán theo luật định, quyết toán thuế với khối lượng công việc lớn. Việc thêm yêu cầu về chuẩn bị hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết đối với doanh nghiệp trong giai đoạn này thực sự sẽ tăng thêm nhiều áp lực cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo yêu cầu của cơ quan thuế thì dữ liệu so sánh từ các công ty độc lập được chọn phải cùng năm tài chính -  thông thường sẽ được cập nhật lên cơ sở dữ liệu thương mại sau 90 ngày kể từ khi kết thúc năm tài chính. Do vậy quy định thời hạn lập hồ sơ trong vòng 90 ngày, theo người viết, là không khả thi.

Dự thảo nghị định cũng đưa ra yêu cầu cung cấp lượng thông tin khổng lồ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và tập đoàn trong hồ sơ xác định giá chuyển nhượng, bao gồm nhưng không giới hạn các thông tin sau: hồ sơ thông tin về tập đoàn, hồ sơ quốc gia của doanh nghiệp được kiểm tra, và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của tập đoàn.

Mặc dù các yêu cầu này được ban soạn thảo thu thập và vận dụng từ các yêu cầu trong chương trình hành động của BEPS, các chuyên gia tư vấn cho rằng khả năng áp dụng sẽ không khả thi vì hệ thống luật pháp hiện tại của Việt Nam chưa phù hợp với các chương trình hành động của BEPS, sẽ được áp dụng ở các nước đã phát triển cao, trình độ quản lý và quy định về thuế, kế toán rõ ràng minh bạch.

Các quy định mới dự kiến được ban hành sẽ tạo ra nhiều gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp. Việc đưa các quy định mới vào thực tế, sẽ đòi hỏi nhiều hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan thuế, nhằm giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp, hạn chế các điểm chưa rõ ràng, nhằm tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực này.

Những quy định mới đưa ra không những phải đảm sự hiệu quả trong quản lý nguồn thu từ thuế, mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; và phải mang tính khả thi cao.

* Tác giả bài viết là Giám đốc Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam

Quản lý thuế với giá chuyển nhượng trước thách thức đổi thay 1