Quảng Bình: Thu ngân sách đang "hụt hơi"
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại Quảng Bình năm 2023 kinh doanh không có lãi, trong năm có 683 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, 2.355 hộ nghỉ kinh doanh, các dự án trọng điểm trên địa bàn chậm tiến độ, tình hình đầu tư công gặp khó khăn...
Năm 2023, tỉnh Quảng Bình có 17/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, vẫn còn 4 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Trong đó thu ngân sách chỉ đạt khoảng 5.700 tỷ đồng, bằng khoảng 80% kế hoạch dự toán của HĐND tỉnh Quảng Bình giao và chỉ bằng 63,5 % so với cùng kỳ năm 2022. So với kế hoạch là 7.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Quảng Bình hụt thu 1.300 tỷ đồng.
Trước sự quan tâm của các đại biểu, cử tri tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII vừa qua, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Bình lý giải những nguyên nhân các khoản thu ngân sách năm 2023 trên địa bàn không đạt như kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện được 100 tỷ đồng, đạt 27% dự toán và bằng 71,1% so cùng kỳ hụt 250 tỷ đồng. Nguyên nhân thu thấp do năm 2023 giao dự toán 250 tỷ đồng cho dự án Nhiệt điện Quảng Trạch, tuy nhiên dự án này chưa đạt tiến độ triển khai theo dự kiến, dẫn đến số thuế phát sinh đạt thấp và không đạt dự kiến.
Ngoài ra, các đơn vị xi măng có số nộp lớn năm 2022 như Công ty TNHH vật liệu xây dựng Việt Nam, Công ty TNHH Vật liệu xây dựng xi măng SCG Việt Nam ước nộp 2023 thấp do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, giá nhiên liệu đầu vào tăng mạnh.
Đối với khoản thuế thu nhập cá nhân, tỉnh ước thực hiện được 222 tỷ, đạt 58,4% so dự toán và bằng 72,4% so với cùng kỳ, hụt 158 tỉ đồng. Nguyên nhân khiến khoản thu này đạt thấp được lý giải là do thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu mua sắm, chuyển nhượng bất động sản giảm mạnh.
Riêng về khoản thu thuế bảo vệ môi trường, ước thực hiện được 390 tỷ đồng, bằng 83,9% so dự toán giao và bằng 130% so với cùng kỳ, hụt 75 tỷ đồng. Do việc thực hiện các nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 về việc giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đã làm giảm nguồn thu thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Về thu lệ phí trước bạ ước thực hiện được 230 tỉ đồng, đạt 59% dự toán và bằng 64,2% so với cùng kỳ, hụt 160 tỷ đồng.
Tiền thu thuế đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ước thực hiện được 260 tỷ đồng, đạt 116,2% dự toán trung ương giao, đạt 76% dự toán tỉnh giao, bằng 56,7% so với cùng kỳ, hụt 75 tỷ đồng. Nguyên nhân được lãnh đạo ngành Thuế Quảng Bình lý giải là do thực hiện giảm tiền thuê đất cho năm 2022 và năm 2023 theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 01/2023/QĐ-TTg và số 25/2023/QĐ-TTg.
Về thu tiền sử dụng đất ước thực hiện được 2.100 tỷ đồng, đạt 70% dự toán tỉnh giao và chỉ bằng 41,7% so với năm 2022, hụt 900 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường bất động sản trầm lắng, việc tổ chức đấu giá các dự án gặp nhiều khó khăn và không thành công.
Theo báo cáo, tổng hụt thu trong cân đối của 5 khoản thu chủ yếu là 718 tỷ đồng, trong khi đó tăng thu chỉ hơn 220 tỷ đồng, toàn tỉnh hụt gần 500 tỷ đồng và tiền sử dụng đất hụt 800 - 900 tỷ đồng.
Một nguyên nhân nữa được chỉ ra, là do tình hình giá cả nguyên nhiên liệu đầu vào tác động lớn đến doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh không có lãi, trong năm có 683 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, 2.355 hộ nghỉ kinh doanh, khó khăn đó dẫn đến không nộp được và còn nợ đọng thuế, các dự án trọng điểm trên địa bàn chậm tiến độ, tình hình đầu tư công gặp khó khăn... đã tác động mạnh mẽ đến việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng.
Dự báo công tác thu ngân sách của tỉnh Quảng Bình thời gian tới và năm 2024 vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Thuế tỉnh Quảng Bình tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giải pháp về tài chính-ngân sách; thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế; triển khai đồng bộ các giải pháp, khai thác triệt để các nguồn thu, tăng cường công tác chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán tỉnh giao năm 2024 tối thiểu 5%.
Phát biểu tại kỳ họp này, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả 25 Nghị quyết thông qua tại kỳ họp. Trong đó, cần rà soát lại các nguồn thu, tập trung khai thác các nguồn thu mới; từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn thu tiền sử dụng đất. Chú trọng bồi dưỡng và phát triển nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống thất thu, giảm nợ đọng thuế.