Quảng Bình triển khai các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế
Cuối quý I/2023, tỉnh Quảng Bình có tổng nợ thuế là gần 600 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu hơn 385 tỷ đồng; nợ khó thu là 210 tỷ đồng...
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách, xử lý và thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh do ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh làm Phó Trưởng ban; cùng các thành viên là đại diện lãnh đạo Sở, ngành liên quan và UBND các đia phương.
Theo đó, Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát cơ chế, chính sách liên quan đến thu ngân sách Nhà nước; xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thu ngân sách; khai thác nguồn thu, chống thất thu, xử lý và thu hồi nợ đọng thuế theo quy định.
Thông tin từ Cục Thuế Quảng Bình đến cuối quý 1/2023, tổng nợ thuế toàn tỉnh này là 595,4 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu 385,4 tỷ đồng, chiếm 64,7%; nợ khó thu (không có khả năng thu) của các đơn vị giải thể, phá sản, bỏ địa điểm kinh doanh 210 tỷ đồng chiếm 35,3%.
Cục Thuế tỉnh Quảng Bình trong 3 tháng đầu năm 2023 cũng đã ban hành 70.745 lượt thông báo để đôn đốc thu nợ thuế, 62 quyết định cưỡng chế. Tổng số tiền cưỡng chế để thu hồi nợ đọng thuế là 94,5 tỷ đồng, trong đó cưỡng chế bằng biện pháp trích tài khoản 45 trường hợp, cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng 17 trường hợp.
Trong năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đạt trên 8.300 tỷ đồng, vượt mục tiêu đã đề ra (6.000 tỷ đồng).
Dù vượt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá công tác thu ngân chưa bền vững, cơ cấu của nguồn thu chủ yếu thu từ tiền sử dụng đất (chiếm trên 60% tổng thu), một số địa bàn, lĩnh vực, sắc thuế vẫn còn để thất thu thuế. Công tác quản lý doanh nghiệp ngừng, nghỉ và bỏ địa điểm kinh doanh chưa chặt chẽ, nợ thuế còn ở mức cao và có xu hướng tăng.
Trước tình hình nợ thuế vẫn còn ở mức cao, tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2023 của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Bình khẩn trương triển khai các giải pháp chống thất thu ngân sách. Các ngành liên quan, như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh phối hợp chặt chẽ, rà soát và tham mưu UBND tỉnh xử lý. Cần tránh tình trạng mỗi ngành làm một cách, không có sự phối hợp chặt chẽ dẫn đến chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không nắm rõ số lượng dự án cũng như việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế của doanh nghiệp.
Cũng theo thông tin từ Cục Thuế Quảng Bình, tổng thu ngân sách nhà nước trong quý I/2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ước thực hiện hơn 1.280 tỷ đồng, đạt 20,8% so với dự toán Trung ương giao và đạt 18,3% dự toán địa phương giao.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả thu ngân sách nhà nước quý I thấp hơn so với cùng kỳ (chỉ bằng 73,2% so với cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu là do thu tiền cấp đất chỉ đạt 46% so với cùng kỳ (giảm gần 550 tỷ đồng). Công tác quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ mặc dù được quan tâm chỉ đạo, hàng tháng ngành Thuế đều ban hành thông báo nợ và tiền chậm nộp tiền thuế gửi đến từng doanh nghiệp nợ thuế, nhưng nhiều đơn vị do gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm vừa qua nên không còn khả năng thanh toán.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Cục thuế tỉnh đang rà soát lại các doanh nghiệp chậm tiến độ, còn nợ thuế và doanh ghiệp nợ lớn để công khai và tiến hành cưỡng chế. Mới đây, đơn vị cũng đã có quyết định cưỡng chế một số doanh nghiệp hiện đang nợ thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản các đơn vị, doanh nghiệp này.
Trong số này, có 3 doanh nghiệp lớn nợ tiền thuế phải thực hiện cưỡng chế bao gồm Công ty TNHH Sơn Hải Riverside, Công ty CP Du lịch Hà Nội-Quảng Bình, Công ty CP Du lịch Sài Gòn-Quảng Bình với tổng số tiền nợ thuế gần 65 tỷ đồng.