14:50 07/11/2008

Quốc hội “chốt” chỉ tiêu GDP cho năm 2009

Minh Thúy

Với 87,63% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009

Trước khi các đại biểu thông qua nghị quyết, trong báo cáo tiếp thu ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình đây là chỉ tiêu mang tính định hướng.
Trước khi các đại biểu thông qua nghị quyết, trong báo cáo tiếp thu ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình đây là chỉ tiêu mang tính định hướng.
Với 87,63% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.

Sau rất nhiều ý kiến tranh luận, “nâng lên đặt xuống” ở các phiên thảo luận, chiều 6/11, con số 6,5% đã được chọn cho chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2009 với đa số đại biểu tán thành.

Trước khi các đại biểu thông qua nghị quyết, trong báo cáo tiếp thu ý kiến các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình đây là chỉ tiêu mang tính định hướng. Chính phủ đề nghị năm 2009 GDP tăng khoảng 7%, song Ủy ban đề nghị khoảng 6,5% để tạo điều kiện cho Chính phủ có thể điều hành linh hoạt. Nếu tình hình thuận lợi thì có thể phấn đấu cao hơn.
 
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2009 cũng đã đuợc Quốc hội thông qua: tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%; tổng  nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 39,5% GDP; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15%; tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 12%; xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: 65%;
 
Quốc hội khẳng định mục tiêu tổng quát năm 2009 là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 -2010.

Để thực hiện được mục tiêu này, Quốc hội nhấn mạnh 10 nhiệm vụ chính.

Theo đó, cần theo dõi chặt chẽ và nâng cao chất lượng phân tích, dự báo tình hình trong và ngoài nước. Từ đó chủ động xây dựng các phương án ứng phó, hạn chế tác động bất lợi của khủng hoảng từ bên ngoài đến hệ thống tài chính, ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.

Nghị quyết cũng nêu rõ cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát nhưng linh hoạt trong điều hành lãi suất và tỷ giá, chủ động kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng và cơ cấu tín dụng phù hợp để tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh.

Kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả chi tiêu công ngay từ việc phê duyệt kế hoạch đầu tư, triệt để tiết kiệm chi tiêu công. Năm 2009, Chính phủ sẽ phải công khai danh sách các công trình dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiêp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp  tiếp cận vốn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trực tiếp đời sống nhân dân, tạo việc làm và tăng thu nhập cũng được coi là nhiệm vụ quan trọng.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh cần đánh giá toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2009. Hoàn thiện khung pháp luật để chấn chỉnh, tăng cường quản lý hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, nhất là hoạt động đầu tư bằng vốn nhà nước.
 
Năm 2009, Quốc hội cũng nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là trong các lĩnh vực quản lý đất đai,  đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước.

Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.