10:47 01/08/2011

“Quốc hội không phải nơi vui chơi!”

Nguyên Thảo

Tâm sự của một trong bốn doanh nhân tự ứng cử đắc cử đại biểu Quốc hội, về những ngày đầu tiên ở nghị trường

Đại biểu Hoàng Hữu Phước (bên trái) tại nghị trường - Ảnh CTV
Đại biểu Hoàng Hữu Phước (bên trái) tại nghị trường - Ảnh CTV
Quốc hội khóa 13 đã đi qua hơn một nửa thời gian của kỳ họp đầu tiên. Các vị đại biểu mới, những doanh nhân, đặc biệt là những người tự ứng cử đã tiếp cận và “chiếm lĩnh” nghị trường như thế nào?

VnEconomy đã trò chuyện với đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Tư vấn - Đầu tư Doanh Thương Mỹ Á, một trong 4 doanh nhân tự ứng cử trúng cử khóa này, nhằm giải đáp phần nào câu hỏi đó.

Thưa ông, hoạt động nghị trường trên thực tế có khác nhiều với hình dung của ông không?

Cảm nhận đầu tiên của tôi là yêu cầu đặt ra với mỗi đại biểu Quốc hội, với Quốc hội là rất cao.

Trước đây tôi chưa hình dung được đầy đủ tính chuyên nghiệp và quy mô lớn của mỗi kỳ họp, nhất là sự chuẩn bị công phu cho mỗi phiên họp: từ chuẩn bị tài liệu, đến họp đoàn, rồi họp toàn thể, nếu không phải là người trong cuộc thì  khó mà tưởng tượng được.

Song tôi cũng suy nghĩ rằng, yêu cầu cao là hợp lý và tất nhiên, vì Quốc hội không phải là nơi đến để vui chơi. Mỗi đại biểu cần chuẩn bị thật tốt,  không phải chỉ về sức khỏe mà quan trọng là những đóng góp cụ thể để thực hiện đúng những lời đã hứa với cử tri.

Tôi có tham dự cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của ông, tại đây ông đã nói ông mong muốn được tham gia Quốc hội để đóng góp được nhiều hơn? Phải chăng đây là động cơ lớn nhất?

Dù gia đình và bản thân tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm, có đối mặt với cả những rào cản khó khăn, nhưng tôi luôn quan tâm đến đất nước, có tấm lòng với đất nước và mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Theo dõi hoạt động của Quốc hội, nhất là các phiên chất vấn của Quốc hội khóa 12, tôi thật sự rất ấn tượng. Dù luôn nghĩ không dễ dàng gì được vào Quốc hội, tôi vẫn cố gắng thực hiện ước mơ trở thành người trong cuộc của nghị trường sống động và đầy sôi nổi đó.

Với công việc kinh doanh của mình, tôi đã dành công sức để giúp đỡ mọi người khi điều kiện cho phép, nhất là trong lĩnh vực tư vấn chế biến và xuất khẩu nông sản. Từ đó tôi cũng đúc kết được nhiều điều mà tôi cho là có ích. Nếu những phát hiện và đúc kết của mình được chia sẻ tại diễn đàn lớn là Quốc hội thì tôi nghĩ sẽ đóng góp cho cái chung được nhiều hơn, giúp dân được nhiều hơn và nhanh hơn.

Bên cạnh đó, với việc tự ứng cử, dù tự biết cơ hội thắng cử không nhiều, nhưng tôi cho rằng nếu trúng cử thì sẽ là sự động viên rất lớn cho cộng đồng doanh nhân có tâm huyết đối với dựng xây đất nước.

Trên diễn đàn Quốc hội, vấn đề “lợi ích nhóm” cũng từng được đặt ra và  dư luận cử tri cũng có ý kiến cho rằng không phải động cơ ứng cử vào Quốc hội của ai cũng chỉ là vì việc chung. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Lợi ích nhóm đang là vấn đề thời sự nóng hổi chứ không chỉ là nóng ấm, đó là sự quan ngại chứ không phải chỉ là quan tâm của nhiều người, trong đó có tôi.

Đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, có điều trước đây ít khi được nói đến, còn nay, khi vấn đề này được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng thì có thể giúp người ta hạn chế tư duy chỉ cho lợi ích cục bộ, mà quan tâm nhiều hơn đến lợi ích chung của xã hội.

Còn khi đưa câu hỏi này với vị đại biểu cụ thể nào đó thì phải xem vị đó đang hoạt động ở ngành nào và vai trò của người đó trong đoàn đại biểu Quốc hội đó ra sao. Nếu nói riêng về lĩnh vực hoạt động của tôi, thì khó thể nói chức danh đại biểu sẽ giúp gia tăng số lượng hợp đồng hơn. Đó là chưa kể do tôi hay tư vấn miễn phí, việc có nhiều người biết đến hơn có khi làm tôi phải chịu cực nhiều hơn.

Dù sao thì tôi cũng tin rằng trong Quốc hội các vị đại biểu đều vì cái chung mà gác cái riêng để đóng góp nhiều hơn cho dân cho nước, vì cái lợi chung của nước của dân.

Khát khao được cống hiến với mỗi vị đại biểu là rất quan trọng, nhưng có lẽ chỉ như vậy chắc chưa thể đáp ứng được sự gửi gắm, trông đợi của cử tri, thưa ông?

Câu hỏi này khiến tôi nhớ đến lúc làm quản lý nhân sự, tôi đã phỏng vấn hàng nghìn người, và đối với câu hỏi “bạn cho tôi biết lý do vì sao tôi chọn vào làm việc tại công ty”, rất tiếc là các câu trả lời của ứng viên đều không đưa ra được lời khẳng định cụ thể  mình sẽ làm được những gì khi được tuyển dụng.

Đối với tôi, sự tự tin bản thân “làm được gì” tại Quốc hội không phải là sự tự tin hão. Ngoài những năng lực nổi trội, người đại biểu Quốc hội nhất thiết cần có tầm nhìn để có thể đề ra những kế sách trung và dài hạn giúp ích cho đất nước, và tôi tự tin bản thân đáp ứng được yêu cầu này.

Ví dụ, nhiều năm trước tôi đã đề cập đến sự cần thiết xây dựng hệ thống kho trữ lương thực hiện đại, vì an ninh quốc gia, ổn định nguồn xuất khẩu, và tránh lặp lại tình trạng được mùa rớt giá gây hại cho nông dân. Và bây giờ thì việc này đã được quan tâm.

Vâng, nhưng thưa ông, kết quả công việc của đại biểu Quốc hội sẽ không được thể hiện qua các con số cụ thể như doanh thu, lợi nhuận mà được đo bằng hàm lượng trí tuệ và trách nhiệm trong hoạt động lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước?

Tôi hiểu là với các đại biểu mới thì việc này rất khó, song ai cũng phải trải qua giai đoạn bỡ ngỡ ban đầu.

Với tôi, khi chưa trở thành đại biểu tôi cũng đã gián tiếp tham gia viết về những vấn đề “nóng” của nghị trường như dự án khai thác bauxite hay đường sắt cao tốc. Tôi tự tin rằng nếu lúc đó tôi có tiếng nói ở diễn đàn Quốc hội thì các lập luận của tôi ắt tạo được sự đồng thuận lớn hơn từ xã hội.

Còn ở nhiệm kỳ này, một trong những vấn đề quan trọng là tập trung sửa đổi Hiến pháp. Tôi chờ đợi những yêu cầu được ủy ban sửa đổi Hiến pháp đưa ra, sau đó sẽ xác định trọng tâm nghiên cứu để tham gia đóng góp tốt nhất.

Với công tác lập pháp tôi cũng sẽ chủ động, không ngoại trừ cả việc đề xuất những dự án luật cần thiết cho nước nhà. Hiện nay tôi cũng đã manh nha một số ý tưởng nhưng xin phép chưa tiết lộ vào thời điểm này.

Trong chương trình hành động khi ứng cử tôi có nói là sẽ nghiên cứu để góp phần cách tân giáo dục nên tôi sẽ đầu tư thích đáng vào mảng đó.

Còn về kinh tế xã hội nói chung thì như đã nói, tôi sẽ cố gắng góp ý kiến vào các kế sách chung, đặc biệt nhấn mạnh một số chính sách cụ thể về an sinh chẳng hạn cần phải xác định đối tượng cụ thể như dân nghèo chứ không phải toàn dân.

Khi trúng cử, ông có quan tâm tìm hiểu xem mình có lợi thế nào hơn so với các doanh nhân cùng trúng cử khác không?

Tôi có tìm hiểu thông tin, nhất là với các vị tự ứng cử đắc cử và các doanh nhân khác và thấy các vị đều có thế mạnh riêng của họ. Song, lợi thế của doanh nghiệp được cân đong đo đếm từ tổng tài sản vật chất; còn lợi thế của đại biểu Quốc hội thì ưu tiên hàng đầu là cái tâm vì đất nước, cái tầm nhìn cho tương lai quốc gia, cái tình đối với nhân dân, và cái năng lực thực hiện thành công cái tâm - tầm - tình ấy.

Như vậy, thước đo “lợi thế” đối với đại biểu Quốc hội rất khác biệt, rất cao, rất đồng nhất - đó là quy trình hữu hình hóa những “tài sản” vô hình mà mỗi đại biểu phải “thi thố” suốt nhiệm kỳ, và người dân tức cử tri sẽ sử dụng thước đo ấy để nghiêm khắc đánh giá từng đại biểu dân cử, khi ấy mới có sự rõ nét hơn về các “lợi thế” hay “ưu thế”.