08:47 05/10/2023

Quy định "cứng" gây nhiều bất cập, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa quy trình điều phối slot bay

Anh Tú

Thông tư số 29/2021/TT-BGTVT về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay được sửa đổi theo hướng điều phối slot bay linh hoạt hơn, giúp các hãng bay thuận lợi hơn trong hoạt động khai thác, đặc biệt khi thị trường biến động hoặc xảy ra những yếu tố bất thường...

Công tác điều phối giờ hạ cánh, cất cánh tối ưu hóa việc sử dụng quỹ slot, đảm bảo sự bình đẳng giữa các hãng hàng không.
Công tác điều phối giờ hạ cánh, cất cánh tối ưu hóa việc sử dụng quỹ slot, đảm bảo sự bình đẳng giữa các hãng hàng không.

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 29/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay (Thông tư số 29).

QUY ĐỊNH "CỨNG" GÂY KHÓ KHĂN

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong hơn một năm triển khai thực hiện Thông tư số 29 với nội dung liên quan về slot (giờ cất, hạ cánh) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó, tạo khung pháp lý, làm cơ sở để Cục Hàng không Việt Nam nâng cao công tác điều phối slot, quản trị, giám sát việc thực hiện slot của các hãng hàng không Việt Nam.

Theo đó, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ tăng lên, giảm chậm hủy chuyến. Đồng thời, nâng cao công tác điều phối, quản trị slot, giám sát việc sử dụng slot, thu hồi các chuỗi slot không sử dụng, tối ưu hóa việc sử dụng slot còn khả dụng và giúp các hãng hàng không Việt Nam ổn định được lịch bay, tránh gây xáo trộn lịch bay.

Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như hoạt động của các hãng hàng không.

Ngày 18/5/2023, Chính phủ có Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, trong đó, có nội dung chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải: “Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, điều phối giờ hạ, cất cánh tại cảng hàng không, sân bay (slot) theo hướng sử dụng linh hoạt các slot trong hoạt động khai thác quốc tế, nội địa của các hãng hàng không Việt Nam; hỗ trợ các hãng hàng không trong việc trao đổi với các nhà chức trách hàng không nước ngoài về việc sử dụng slot bay quốc tế trên cơ sở có đi có lại để tạo điều kiện cho các hãng hàng không phục vụ tốt nhất nhu cầu phát triển du lịch”.

Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra công tác quản lý, điều phối slot tại một số cảng hàng không sân bay, Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc đặc biệt là ảnh hưởng đến tính linh hoạt trong xây dựng kế hoạch kinh doanh như phản ánh của các hãng hàng không và yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam kịp thời báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 29.

Theo ghi nhận, một số nội dung chưa linh hoạt cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không trong điều kiện có những yếu tố bất thường tác động đến hoạt động khai thác. 

 

"Sau một thời gian triển khai thực hiện Thông tư 29, đặc biệt trong bối cảnh ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 (hậu quả vẫn còn đang tác động đến các hãng hàng không cũng như công tác điều phối hiện tại), các quy định về điều phối slot quy định "cứng" trong Thông tư 29 vô hình chung gây nên khó khăn cho các hãng hàng không".

(Cục Hàng không Việt Nam).

Chẳng hạn như quy định về thời hạn áp dụng "ngày cơ sở tính slot lịch sử" sẽ khiến các hãng hàng không Việt Nam đối mặt với việc không giữ được slot lịch sử tại các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Hiện ngày cơ sở tính slot lịch sử là ngày lấy số liệu slot đã được xác nhận, tức là ngày 31/01 đối với lịch bay mùa hè và ngày 31/8 đối với lịch bay mùa đông.

Bên cạnh đó, hiện còn nhiều bất cập trong nhóm quy định tham số điều phối và xác định slot lịch sử.

Theo đó, các cụ thể các mốc thời gian, thời điểm để xác định dữ liệu làm cơ sở tính slot lịch sử, cách tính slot lịch sử, các mốc thời gian điều phối slot như trong quy định của Thông tư 29 sẽ gây khó khăn trong quá trình điều phối slot trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi thiên tại, dịch bệnh. Vấn đề này đã được thể hiện trong giai đoạn vừa qua do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đáng chú ý, về nhóm quy định về tiêu chí ưu tiên và quy trình điều phối, Cục Hàng không cho rằng tiêu chí, thứ tự ưu tiên điều phối có nội dung còn chưa rõ, gây khó khăn trong việc áp dụng thứ tự ưu tiên trong quá trình xác nhận điện văn đầu mùa lịch bay.

Về nhóm quy định về giám sát slot và thu hồi slot, Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ thứ nhất, quy định về thay đổi chuỗi slot tại Thông tư 29 sẽ làm cho các hãng hàng không không thể thay đổi được slot sang các đường bay mới trong trường hợp biến động của thị trường trong những điều kiện có yếu tố bất thường.

Thứ hai, khó khăn trong việc xác định các các lý do bất khả kháng ngoài khả năng kiểm soát của hãng hàng không để thực hiện việc miễn trừ khi tính toán tỷ lệ thực hiện đúng slot trên số slot được xác nhận.

Thứ ba, còn thiếu chế tài đối với việc hãng hàng không lập kế hoạch khai thác hàng ngày không đúng với slot được xác nhận.

Ngoài ra, do thị trường quốc tế chưa hoàn toàn hồi phục trong lịch bày mùa hè 2023 và việc giảm tham số điều phối tại Tân Sơn Nhất nên việc quy định việc áp dụng ngày cơ sở tính slot lịch sử cho lịch bay mùa hè 2023 là ngày 26/3/2023 là không phù hợp.

Do đó, việc chỉnh sửa Thông tư là cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác điều phối giờ hạ cánh, cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam. 

Trong đó, công tác điều phối giờ hạ cánh, cất cánh phải bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay, tối ưu hóa việc sử dụng quỹ slot và đảm bảo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng hàng không.

PHÂN TÁCH SLOT NỘI ĐỊA VÀ QUỐC TẾ

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Thông tư mới là bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan đến việc xác định slot lịch sử theo hướng tạo thuận lợi cho các hãng hàng không, chi tiết hóa các điều kiện giữ slot lịch sử, phân tách slot quốc tế và nội địa, nhằm tạo thuận lợi hơn cho các hãng trong việc khai thác các chuyến bay nội địa.

 

“Việc xây dựng lịch bay nội địa của các hãng hàng không sẽ hiệu quả hơn khi không phải cố gắng duy trì các đường bay nội địa trong mùa thấp điểm trong bối cảnh thị trường hàng không nội địa mang tính mùa vụ rất cao”, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định.

Bên cạnh đó, quy định rõ tỷ lệ 80% chỉ số giới hạn chỉ áp dụng đối với các cảng hàng không điều phối toàn phần, đó là cảng hàng không điều phối cấp độ 3 theo hướng dẫn của IATA hoặc như Nội Bài và Tân Sơn Nhất hiện tại.

Điều này nhằm tạo thuận lợi hơn cho các hãng hàng không trong việc khai thác các chuyến bay nội địa, chi tiết hóa các điều kiện giữ slot lịch sử, phân tách slot quốc tế và nội địa.

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí, thứ tự ưu tiên sẽ  khuyến khích các hãng trả lại slot không sử dụng; đưa ra được giải pháp để xử lý vấn đề khi việc áp dụng các tiêu chí ưu tiên là tương đương với nhiều hãng hàng không.

Về giám sát slot và thu hồi slot, các nội dung được sửa đổi, bổ sung về chỉ số sử dụng slot để xác nhận slot bổ sung sẽ tạo thuận lợi hơn cho các hãng hàng không trong việc bố trí hoạt động khai thác, giảm chi phí khi không phải duy trì tỷ lệ khai thác để giữ slot lịch sử cũng như xin xác nhận slot mới.

Ngoài ra, việc bỏ quy định về xác định các các lý do bất khả kháng ngoài khả năng kiểm soát của hãng hàng không sẽ bớt đi một khối lượng công việc cho nhân sự làm công tác giám sát tại cảng hàng không, cảng vụ hàng không va của cả các hãng hàng không.

Việc bổ sung nội dung về quyền hạn của người khai thác cảng trong việc kiểm soát việc đỗ tàu bay qua đêm đảm bảo cho hoạt động khai thác ở cảng hàng không phù hợp với khả năng tiếp nhận của cảng, giảm thiểu việc ùn tắc tại cảng hàng không khi số lượng tàu bay đậu qua đêm vượt quá khả năng đáp ứng...