Quy trách nhiệm về vi phạm của các dự án BOT
Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án BOT do Bộ quyết định đầu tư
Bộ Giao thông - vận tải chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án BOT do Bộ quyết định đầu tư
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Nghị quyết khẳng định, việc thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó có hình thức hợp đồng BOT là đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các dự án này còn nhiều hạn chế cần được khắc phục. Như thẩm định phê duyệt dự án còn bất cập, thiếu minh bạch. Các quy định của pháp luật và thực tế triển khai về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, vị trí đặt trạm thu phí còn chưa hợp lý...
Nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém là do các cơ quan quản lý còn ít kinh nghiệm, chưa bao quát đầy đủ các tình huống phát sinh, sự phối, kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa thực sự hiệu quả, trách nhiệm chưa cao, vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý.
Nghị quyết cũng nêu rõ, trong khi Chính phủ và các cơ quan chức năng chưa chủ động tổng kết đánh giá, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư theo BOT, nhưng đã cho phép triển khai đầu tư nhiều dự án giao thông theo hình thức này.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ: Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án do Bộ quyết định đầu tư. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc ban hành thông tư hướng dẫn việc thu phí chưa hợp lý.
Cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương chịu trách nhiệm về những hạn chế, vi phạm của dự án do địa phương quyết định đầu tư và việc chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong việc lựa chọn dự án, thỏa thuận vị trí đặt trạm thu phí, bảo đảm an ninh trật tự, giải phóng mặt bằng chậm...
Các nhà đầu tư chịu trách nhiệm về những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án không đúng quy định của pháp luật.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Thủ tướng và Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật đầu tư theo hình thức BOT, đặt trong tổng thể hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP với định hướng nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội sớm ban hành luật, tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ cho hình thức đầu tư này.
Yêu cầu cụ thể là bổ sung quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án. Rà soát quy định về lập, phê duyệt, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình BOT. Đặc biệt sớm ban hành định mức, đơn giá và việc công bố chỉ số giá thị trường phù hợp với điều kiện thực tế.
Nghị quyết còn yêu cầu bổ sung chế tài xử lý đối với nhà đầu tư chậm quyết toán, chậm công khai cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu giá dịch vụ...
Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT, nghị quyết nói rõ là chỉ được áp dụng cho các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân. Không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo, hiện hữu.
Đáng chú ý, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu giá dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước.