09:37 11/01/2023

Quỹ vaccine phòng Covid-19 còn khoảng 3.000 tỷ đồng, sẽ đóng quỹ khi dịch bệnh chấm dứt

Trâm Anh

Đến cuối năm 2022, số dư Quỹ vaccine phòng Covid-19 còn khoảng 2.949 tỷ đồng với gần 700 nghìn lượt tổ chức, cá nhân ủng hộ. Hiện Việt Nam đã khống chế thành công đại dịch Covid-19 và cuộc sống hoàn toàn trở lại bình thường, việc đóng quỹ này và sử dụng số dư sẽ được tính toán...

Hiện Quỹ vaccine phòng Covid-19 vẫn được Kho bạc Nhà nước quản lý công khai, minh bạch và tiếp nhận sự đóng góp theo quy định.
Hiện Quỹ vaccine phòng Covid-19 vẫn được Kho bạc Nhà nước quản lý công khai, minh bạch và tiếp nhận sự đóng góp theo quy định.

Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ vừa thông tin về tình hình sử dụng Quỹ vaccine phòng Covid-19. Theo đó, số dư quỹ đến cuối năm 2022 khoảng 2.949 tỷ đồng với 691.012 lượt tổ chức, cá nhân ủng hộ vào quỹ.

QUỸ VACCINE CÒN DƯ KHOẢNG 3.000 TỶ ĐỒNG

Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước cho biết tính đến thời điểm cuối năm 2022, tổng số huy động là khoảng 10.621 tỷ đồng, bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 109 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi từ quỹ 7.672,2 tỷ đồng. Trong đó, chi mua và sử dụng vaccine là 7.667 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 4,6 tỷ đồng.

Còn tính đến cuối ngày 5/1, tổng số huy động của quỹ là 10.682,8 tỷ đồng, với 691.142 lượt tổ chức cá nhân ủng hộ vào quỹ. Số dư quỹ cuối ngày 3.010,6 tỷ đồng.

Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước cho biết Ban Quản lý Quỹ thực hiện xuất quỹ để chi theo nội dung chi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế theo quy định tại Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 và Thông tư số 41/2021/TT-BTC ngày 2/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng Covid-19.

Trước đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 5/6/2021, Quỹ vaccine phòng Covid-19 chính thức ra mắt, để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Quỹ do Bộ Tài chính quản lý. 

Sau hơn 1,5 năm qua, chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhờ 3 thành tố là quỹ vaccine, ngoại giao vacccine và chiến dịch tiêm chủng. Cùng với đó là sự nỗ lực của Chính phủ, sự đồng lòng, chia sẻ, ủng hộ và tích cực tham gia của người dân trong cả nước và cộng đồng quốc tế.

Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới. Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi trở lên xấp xỉ 100%, hơn 80% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm nhắc lại mũi 3, gần 90% nhóm người có nguy cơ cao từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 4. Trong nhóm trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, đã có hơn 90% được tiêm mũi 1 và gần 70% được tiêm mũi 2 an toàn, đúng lịch.

VẪN TIẾP NHẬN ĐÓNG GÓP VÀO QUỸ

Cũng nhờ kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy và mở rộng hội nhập và đối ngoại có hiệu quả.

Tại Việt Nam, hiện số ca mắc mới Covid-19 giảm mạnh, các hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường, vì vậy, nhiều ý kiến thắc mắc khi Việt Nam tuyên bố kết thúc đại dịch Covid-19 thì liệu sẽ đóng Quỹ vaccine phòng Covid-19? Khi đó, số dư tồn quỹ sử dụng ra sao?

 

“Việc sử dụng, quản lý quỹ được thể chế hóa, Kho bạc Nhà nước đã quản lý quỹ công khai, minh bạch. Hiện nay vẫn chưa có quy định đóng quỹ nên Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước vẫn tiếp tục vận hành quỹ và tiếp nhận sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Bởi khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vaccine, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân… 

Trả lời thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cho biết việc quản lý, điều hành quỹ thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ với sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, chúng ta đã huy động được hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Hơn nữa, đến thời điểm hiện nay, dịch bệnh Covid-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố đã hết nên số dư quỹ và tiếp tục tiếp nhận theo quy định, sử dụng cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

“Khi dịch bệnh chấm dứt, Bộ Tài chính sẽ tham mưu cho các cấp có thẩm quyền đóng lại quỹ này và nếu số dư còn, sẽ sử dụng ra sao”, Thứ trưởng chia sẻ thêm.

Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước cũng khẳng định trong thời gian tới, nếu đơn vị chuyên môn sửa quy định phù hợp thì Kho bạc Nhà nước sẽ quản lý khoản thu và nhiệm vụ chi theo cơ chế tài chính mới.