18:24 22/07/2021

Quyết toán ngân sách Nhà nước 2019: Cơ cấu thu chưa bền vững, chất lượng dự toán còn hạn chế

Quang Trung

Quyết toán thu ngân sách Nhà nước năm 2019 là 1.553.611,589 tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ các khoản thu về nhà, đất, thu khác ngân sách, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 - Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, sáng ngày 22/7, Quốc hội đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và ngay sau đó nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này. 

QUYẾT TOÁN THU NGÂN SÁCH VƯỢT 10,1% DỰ TOÁN

Theo tờ trình của Chính phủ, quyết toán thu ngân sách Nhà nước năm 2019 là 1.553.611,589 tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ các khoản thu về nhà, đất, thu khác ngân sách, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô.

Quyết toán chi ngân sách Nhà nước là 1.526.892,949 tỷ đồng, bằng 93,5% (giảm 106.407,051 tỷ đồng) so với dự toán. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán được giao, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày báo cáo - Ảnh: Quochoi.vn
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày báo cáo - Ảnh: Quochoi.vn

Quyết toán chi giảm chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.

Quyết toán số bội chi ngân sách Nhà nước năm 2019 là 161.490,73 tỷ đồng, bằng 2,67% GDP thực hiện, giảm 60.509,27 tỷ đồng (1% GDP) so với dự toán.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2019 với tổng số thu cân đối là 2.139.639,446 tỷ đồng. Trong đó, số thu theo dự toán là 1.553.611,589 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2018 sang năm 2019 là 434.356,624 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2018 là 150.570,478 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước là 1.100,755 tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối là 2.119.541,763 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán là 1.526.892,949 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2020 là 592.648,814 tỷ đồng. Bội chi 161.490,730 tỷ đồng, bằng 2,67% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 177.193,703 tỷ đồng). Số liệu này chưa điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên đồng thời tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2019 của Bộ Tài chính (2.240,21 tỷ đồng).

Trình bày báo cáo, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2019 cho thấy, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Trong đó, kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến đến 31/12/2020 đạt 73,5% tổng số kiến nghị. Ngoài ra, đến 31/12/2020, các đơn vị được kiểm toán thực hiện thêm hơn 7.040 tỷ đồng kiến nghị tồn đọng từ năm 2018 trở về trước.

Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, có 51/198 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.

Về kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, có 95/180 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, trong đó số kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ ngân sách 2019.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cũng báo cáo Quốc hội việc thực hiện dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng vượt trên 21.740 tỷ đồng; trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, đồng thời tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2019 của Bộ Tài chính để quyết toán trong năm 2019, chuyển nguồn sang năm 2020.

"Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019 thu cân đối ngân sách Nhà nước; Ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của Kiểm toán Nhà nước. Trong đó hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 205 văn bản (1 Luật, 2 Nghị định, 4 Quyết định, 21 Thông tư và 177 văn bản khác)", Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết thêm.

CƠ CẤU THU NGÂN SÁCH CHƯA BỀN VỮNG, CHẤT LƯỢNG DỰ TOÁN CÒN HẠN CHẾ

Trình bày Báo cáo Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán đáp ứng nhu cầu chi; bội chi giảm, nợ công trong giới hạn cho phép. Kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm.

Bên cạnh đó, một số giải pháp đề ra chưa được thực hiện hoặc thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu một số ví dụ như việc đổi mới cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại hoạt động các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chậm; điều chỉnh chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế để cơ cấu lại ngân sách Nhà nước chưa bảo đảm yêu cầu...

Quốc hội nghe báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 - Ảnh: Quochoi.vn
Quốc hội nghe báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 - Ảnh: Quochoi.vn

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ cần nhìn nhận, phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.

Về lập và giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, dự toán năm 2019 được xây dựng trong điều kiện kinh tế - xã hội trong, ngoài nước biến động khó lường nên việc dự báo sát thực tế là khó khăn. Tuy nhiên, thực hiện thu chênh lệch khá lớn, tăng 10,1% so với dự toán. Thể hiện chất lượng dự báo và xây dựng dự toán hạn chế.

Về quyết toán thu ngân sách Nhà nước, Ủy ban thẩm tra cho rằng, thu ngân sách năm 2019 vượt dự toán 10,1% thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện quản lý thu, cải cách hành chính trong quản lý thuế. Tuy nhiên, số tăng thu 2019 chủ yếu từ đất, tài nguyên và từ thu hồi vốn của nhà nước… thể hiện cơ cấu thu chưa bền vững, phụ thuộc nhiều các yếu tố thiếu ổn định, không thường xuyên.

"Hạn chế này diễn ra trong cả giai đoạn 2015-2019 nên cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm để khắc phục trong giai đoạn tới", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhấn mạnh. 

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá thực trạng, nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra các hạn chế này. Đồng thời, có giải pháp phát triển 3 khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện chính sách thu của 3 khu vực đồng thời cơ cấu lại nguồn thu, rà soát lại việc phân chia ngân sách để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Về quyết toán chi ngân sách Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, năm 2019, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí, bám sát mục tiêu, dự toán được giao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi; nhiều khoản chi thường xuyên quan trọng không đạt dự toán; tình trạng chi chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chậm, trong đó chi đầu tư phát triển ngân sách Trung ương chỉ đạt 60% so với dự toán...

Về bội chi ngân sách và nợ công, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, năm 2019, Chính phủ đã nỗ lực để kiểm soát bội chi. Tuy nhiên bội chi giảm còn do giải ngân vốn đầu tư công chậm, đặc biệt là giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, đồng thời còn do dự toán bội chi chưa sát, nhiều địa phương không bội chi như dự toán được giao.

Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước có xu hướng tăng nhanh làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ số tín nhiệm quốc gia.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước trong thời gian tới, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ có giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, xử lý dứt điểm các kiến nghị chưa được thực hiện từ năm 2018 về trước; xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chưa hoặc không thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với thực tiễn; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách so với quy định hiện hành để có thể trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán năm hiện hành vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, bảo đảm thực hiện tốt vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán.

Bên cạnh đó, có giải pháp để khắc phục những bất cập tồn tại trong quản lý điều hành ngân sách đã nêu trong báo cáo thẩm tra đặc biệt lưu ý đến việc cải cách chính sách thu để cơ cấu lại ngân sách...

Đối với các vấn đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra đã nêu liên quan đến việc cần phải xác định rõ trách nhiệm dẫn đến các sai phạm, bất cập, hạn chế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát và xử lý theo quy định.