10:32 27/06/2008

Ra mắt Hội đồng Tư vấn chống bán phá giá

Mạnh Chung

Ngày 26/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức lễ ra mắt Hội đồng Tư vấn chống bán phá giá

Cá tra, cá ba sa Việt Nam từng rơi vào cảnh bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ.
Cá tra, cá ba sa Việt Nam từng rơi vào cảnh bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ.
Ngày 26/6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức lễ ra mắt Hội đồng Tư vấn chống bán phá giá (Hội đồng TRC).

Mục đích của sự ra đời Hội đồng TRC, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng, là nhằm hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp chống lại nguy cơ bị kiện chống bán phá giá của nước ngoài.

Bà Loan nói, hội đồng sẽ có hai chức năng chính: tư vấn trực tiếp và hỗ trợ cụ thể, có tính hệ thống, cho các hiệp hội, doanh nghiệp trong các vụ kiện (hoặc nguy cơ bị kiện) chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ ở nước ngoài và trong nước.

Đồng thời, hội đồng sẽ trực tiếp thực hiện và hướng dẫn triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng phản ứng, hành động trong các vụ kiện thương mại quốc tế cho hiệp hội và doanh nghiệp.

Từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã bị kiện chống bán phá giá 31 vụ, nhưng khả năng tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là lương thực thực phẩm, may mặc, da giày… là khá cao, nên chắc chắn nguy cơ tiếp tục bị kiện còn lớn.

Tuy nhiên, theo điều tra của VCCI, hơn 74% các hiệp hội không có bộ phận chuyên trách về pháp luật, 52% hiệp hội thiếu nhân lực có trình độ cả về pháp lý lẫn hỗ trợ tư vấn chống bán phá giá. Khi được hỏi về Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), 81% đại diện hiệp hội chỉ biết được một vài nội dung cơ bản.

“Kinh tế càng hội nhập, Việt Nam sẽ càng ngày càng va chạm nhiều với các vụ kiện, trước các rào cản của nước ngoài. Nếu không được “phòng bị”, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thua thiệt lớn”, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI cảnh báo.

Nhưng đáng chú ý, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, không loại trừ ngay cả sản phẩm nước ngoài cũng có hiện tượng bán phá giá hoặc có hiện tượng trợ cấp tại thị trường Việt Nam. Muốn chống lại các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như vậy, các doanh nghiệp cần sẵn sàng sử dụng các công cụ pháp lý đã có, bao gồm các pháp lệnh về chống bán phá giá; chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ với hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.