16:20 24/08/2017

Ra mắt sách "Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm"

Diệu Hương

Vừa qua, Công ty CP Sách Omega Việt Nam (Omega Plus) kết hợp cùng với Tạp chí Tia Sáng tổ chức buổi toạ đàm và ra mắt sách "Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm" của tác giả TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học chính trị hiện nay của Việt Nam.

Những vấn đề về lập pháp, hiến pháp, vận hành của Quốc hội Việt Nam…luôn là đề tài được đông đảo mọi tầng lớp trong xã hội quan tâm, nhưng ít ai biết và hiểu đúng về nó. Với những suy nghĩ, trăn trở trong nhiều năm TS. Nguyễn Sĩ Dũng đã tổng hợp viết thành cuốn sách này.Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ, vấn đề của khái niệm rất cơ bản, nếu không hiểu được đúng bản chất của những khái niệm, sẽ không có một cách nào làm đúng. "Một trong những lý do quan trọng giải thích tại sao ngày nay tình trạng tham nhũng trong các chính phủ lại lan tràn ở Châu Phi là, người ta đã dành quá nhiều nỗ lực để tìm các cứu chữa vấn đề hơn là để hiểu chúng."
Ra mắt sách Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm - Ảnh 1.

Ảnh bìa sách

Nhiều khái niệm về Quốc hội của chúng ta hiện nay mới chỉ phản ánh nội dung nội hàm nhận thức trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, nhưng khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì không còn như vậy. Tác giả có những quan điểm, giải thích độc đáo, sáng tạo đối với những khái niệm mà chúng ta tưởng như lâu nay vốn đã quá hiểu rõ; nhưng rồi khi đọc xong, khi chiêm nghiệm ra, chúng ta mới thấy mình còn hiểu sơ sài, đôi khi còn nhầm lẫn thế nào.Tròn 30 năm đổi mới kinh tế, chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi, nhưng trong lĩnh vực chính trị hầu như vẫn không có nhiều thay đổi, hay nói một cách chính xác hơn là thay đổi rất chậm chạp. Chúng ta vẫn cứ lấy Quốc hội với cách thức tổ chức và hoạt động trong nền kinh tế tập trung quan liêu sang nền kinh tế thị trường. Quốc hội cho đến hiện nay vẫn là một thể chế được thành lập ra từ một thể chế tập trung quan liêu bao gồm cơ cấu đại diện cho mọi tầng lớp và các địa phương. Tác giả đã đưa ra sáng kiến khắc phục bằng cách đưa ra cách thành lập đơn vị bầu cử thoát ly khỏi đơn vị hành chính địa phương.Chia sẻ thêm về cuốn sách, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho hay "Điều thôi thúc tôi viết quyển sách này còn là nhận thức sâu sắc rằng để có thể kiến tạo được một nền quản trị quốc gia hiện đại, chúng ta cần kiến thức, cần sự hiểu biết sâu rộng về việc thiết kế và vận hành quyền lực nhà nước; Nhìn chung, tôi không có ham muốn trình bày các vấn đề từ góc nhìn của một nhà dân chủ, mà chỉ đơn thuần từ góc nhìn của một nhà kỹ trị. Trong quá trình làm việc ở Quốc hội, tôi nhận thức ngày càng sâu sắc rằng nhiệm vụ cải cách hàng đầu của đất nước ta chính là xây dựng một nền quản trị quốc gia hiệu quả và hiện đại. Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể vượt qua thách thức của bẫy thu nhập trung bình."Đánh giá của chuyên gia
"Đọc cuốn sách của TS Nguyễn Sĩ Dũng, quý vị đang đọc những tâm sự của một người trong cuộc, tường tận hiểu những khó khăn và gian truân trong quá trình chuyển đổi từ một Quốc hội vận hành theo mô hình cũ sang một thiết chế Nghị viện chuyên nghiệp..."PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa – Chủ nhiệm khoa Luật, Đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh."Tôi tin rằng cuốn sách sẽ có những đóng góp rất tốt đối với sự phát triển của quốc gia chúng ta hiện nay, … Những ý tưởng và nỗ lực đó đã thắp sáng ngọn nến tri thức trong tôi, và nhân dịp cuốn sách với những gì tâm huyết của Nguyễn Sĩ Dũng, cũng là những điều tôi mong đợi bấy lâu nay, tôi viết mấy dòng tri ân này cùng các bạn đọc."PGS. TS. GS. TS Nguyễn Đăng Dung. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.