13:51 01/06/2007

Rối thông tin chứng khoán

Trước sự mù mờ của thông tin chính thức, nhiều nhà đầu tư lại kinh ngạc trước sự chính xác của những tin tức vỉa hè

Những bản công bố thông tin được thực hiện rất khác nhau ở các doanh nghiệp - Ảnh: SGTT.
Những bản công bố thông tin được thực hiện rất khác nhau ở các doanh nghiệp - Ảnh: SGTT.
“Bây giờ, các công ty muốn công bố thông tin ra sao thì công bố. Dường như không có chuẩn mực gì cả, gây khó, bất công bằng cho nhà đầu tư”, ông Tô Thanh Tùng, một nhà đầu tư có trên 10 năm kinh nghiệm bức xúc.

Ông Tùng nói, với những loại thông tin bắt buộc như bản công bố thông tin (cáo bạch) cũng mỗi nơi làm mỗi khác. Những bản cáo bạch càng về sau này, càng ít thông tin.

Muốn thì tự tìm

Trước đây (thời kỳ đầu cổ phần hoá) là những bảng cáo bạch dày hàng trăm trang. Nhưng nay chủ yếu là những bản công bố thông tin dạng tóm tắt trên internet. Nhà đầu tư muốn có bản chi tiết, phải tìm đến tận công ty.

Và với những nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia đấu giá cổ phiếu của những công ty ở tỉnh, thì việc tìm đến tận công ty lấy cáo bạch chi tiết là vô lý. Đã có trường hợp thứ hai đấu giá, thì thứ sáu nhà đầu tư mới có cáo bạch và không thể đủ thời gian để nghiên cứu.

Một rủi ro hàng đầu trong công ty cổ phần, theo các chuyên gia là vấn đề tài năng của các cán bộ quản lý chủ chốt. Ông Tùng phân tích, từ quá trình cổ phần hoá, có những doanh nghiệp cùng xuất phát điểm, cùng vị thế như Savimex và Ree. Nhưng nay Ree phát triển trở thành “blue chip” trong khi Savimex... cũng tốt nhưng không bằng Ree. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo ông Tùng, có nguyên nhân thuộc về tài năng lãnh đạo.

Trong lúc đó, những bản cáo bạch thường nêu rất vắn tắt về tiểu sử lãnh đạo, không nêu rõ thành tích... Chỉ nêu đã làm qua ở những tổ chức danh tiếng. Nhưng vấn đề là họ có thành công, hay thất bại và bị đuổi vịệc, bỏ chạy sang công ty mới?

Mới đây, bản công bố thông tin của Bảo Việt có lý lịch trích ngang của lãnh đạo công ty. Nhưng chỉ cho thấy học vị, nơi từng công tác, tiến trình thăng quan tiến chức, nhưng chưa thấy nói nhờ thành tích gì mà thăng tiến. Hay nhờ là con ông lớn? Bản cáo bạch của Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức cũng trong tình trạng tương tự.

Nhưng có lý lịch trích ngang còn đỡ, bản công bố thông tin ở Công ty Kinh doanh và Phát triển nhà Lâm Đồng... không có dòng nào về lãnh đạo công ty. Mâu thuẫn nội bộ giữa các cán bộ quản lý cũng là loại thông tin rất khó tìm, chỉ khi có sự cố xảy ra mới có thể biết.

Một nhà đầu tư khác cho rằng, lương công nhân bao nhiêu là một thông tin quan trọng. Vì 2 doanh nghiệp cùng mức lãi như nhau, nhưng doanh nghiệp nào trả lương cao, chứng tỏ doanh nghiệp đó ngon hơn. Nhưng đây lại là loại thông tin không thể tìm thấy trong các báo cáo tài chính, do luật không bắt buộc công khai loại thông tin này ở công ty cổ phần. Doanh nghiệp coi là... “bí mật”. Còn nhà đầu tư phải tự săn tin riêng.

Có như không

Ngày 18/4, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (theo Luật Chứng khoán). Nhưng thông tư này còn quy định khá chung chung, không bao quát hết những lĩnh vực thông tin cần công bố. “Việc công bố thông tin phải đầy đủ, chính xác, kịp thời”, nhưng thế nào là đầy đủ, chính xác, kịp thời thì chưa được làm rõ.

“Một số phóng viên, và chuyên gia thường xuyên nhận được những tin tức sớm “một cách vô tình” do lãnh đạo doanh nghiệp “cao hứng” tâm sự, hoặc...”tin tưởng” hỏi ý kiến về dự định kinh doanh?!”

Thời gian qua, đã có chuyện công ty gửi bản công bố thông tin về Trung tâm giao dịch chứng khoán, và chờ khi trung tâm công bố rồi thì mới công bố. Trong khi lẽ ra họ phải công bố ngay bằng nhiều hình thức.

Quy định về công bố thông tin còn chung chung cũng tạo điều kiện cho mỗi doanh nghiệp công bố một kiểu. Cáo bạch của Bảo Việt có mục phân tích rủi ro và giải pháp kiểm soát. Trong khi đó, Công ty kinh doanh và phát triển nhà Lâm Đồng thay bằng chuyên mục “đánh giá cơ hội và thách thức” nhưng lại không nêu rõ khai thác cơ hội, biện pháp vượt qua thách thức như thế nào?

Về cân đong đo đếm cũng có khác nhau. Công ty kinh doanh và phát triển nhà Lâm Đồng chỉ có 25 trang công bố ngắn gọn. Bảo Việt có 58 trang. Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức: 76 trang và hàng trăm trang phụ lục.

Ở nhiều công ty, còn có những loại thông tin được công bố là... “hội đồng quản trị sẽ công bố sau”. Trong đó, có những loại thông tin rất nhạy cảm với thị giá như ngày chốt danh sách cổ đông được trả cổ tức bằng cổ phiếu. Loại thông tin này, càng được ngâm lâu công bố, thì thị giá càng tăng.

Sự tuỳ tiện trong thông tin còn tạo bất công bằng về thông tin, thậm chí là phản ứng gay gắt của nhà đầu tư như từng xảy ra với VF1, Intimex...

Phải săn... “tin vịt”?

Trước sự mù mờ của thông tin chính thức, nhiều nhà đầu tư lại kinh ngạc trước sự chính xác của những tin tức vỉa hè. “Tôi có người bạn có nguồn tin tốt. Mỗi lần anh ta bảo nên nghiên cứu loại cổ phiếu nào, là y như rằng, cổ phiếu đó sắp có chuyện”, một nhà đầu tư kể.

Ngoài những nguồn tin rỉ tai chính xác đến 100%, thị trường đã hình thành những trung tâm phát tán tin để làm giá. Một số phóng viên, và chuyên gia thường xuyên nhận được những tin tức sớm “một cách vô tình” do lãnh đạo doanh nghiệp “cao hứng” tâm sự, hoặc... “tin tưởng” hỏi ý kiến về dự định kinh doanh?!

Các diễn đàn trên mạng internet, nơi được coi là những thông tin không thể kiểm chứng, thỉnh thoảng lại xuất hiện những new bie (người mới) tung lên những thông tin, mới, nóng và thật chi tiết cả về doanh nghiệp ở thị trường OTC và thị trường tập trung. Đồng thời, cũng hình thành những nick name uy tín, nói là đúng.

Ông Tùng đặt vấn đề: “Họ là ai? Ngoài những người thực sự có kiến thức và muốn chia sẻ thông tin, thì không thể loại trừ những người muốn tung tin (đúng, hoặc sai) để dẫn dắt thị trường."