Rốt ráo bàn giao hồ sơ giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đợt 1 đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang, Cần Thơ - Cà Mau
Bộ Giao thông vận tải quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau. Từ đó, làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sớm hoá giải "nút thắt" tiến độ dự án...
Ngày 15/3, tại Bình Định, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang cho 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ chủ trì.
Cùng ngày, tại Hậu Giang, Bộ Giao thông vận tải cũng đồng thời bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đoạn Cần Thơ - Cà Mau cho 5 tỉnh, thành phố gồm TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Hội nghị do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chủ trì.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam có chiều dài 729 km gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km) với tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố. Tháng 12/2022 sẽ triển khai khởi công toàn bộ các dự án thành phần với tiến độ rất gấp.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, để phê duyệt dự án, cần phải hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, từ khâu lập hồ sơ khảo sát để nghiên cứu, lập dự án đầu tư...
Đồng thời, phải triển khai phê duyệt, lập thẩm định phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng đối với dự án đi qua địa bàn. Hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường và lấy ý kiến giám sát cộng đồng dân cư nơi dự án đi qua.
“Tất cả các thủ tục này phải hoàn thành từ nay cho đến ngày 30/6. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, địa phương liên quan”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ đi Cà Mau gồm 2 dự án thành phần: Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, trải dài qua 5 tỉnh, thành với tổng chiều dài hơn 109 km với tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 27.200 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang hơn 9.700 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau hơn 17.400 tỷ đồng.
Công tác lập và phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm mốc giải phóng mặt bằng đợt 1 dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành tổng cộng 36,5 km. Trong đó, Cần Thơ là 2,4 km tuyến nối, Hậu Giang 16,5 km, Bạc Liêu 6,3 km, Kiên Giang 5,3 km và Cà Mau 6 km. Sau đó, đợt 2 ngày 30/4, dự kiến bàn giao khoảng 44 km và ngày 30/6 bàn giao các đoạn còn lại khoảng 31km.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị được giao thực hiện dự án cho biết, hiện các đơn vị tư vấn đang khẩn trương hoàn thành công tác lập dự án đầu tư, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt trước ngày 31/5. Đồng thời, tổ chức cắm cọc giải phóng mặt bằng tại hiện trường để bàn giao cho các đơn vị thực hiện.
Trên cơ sở mốc giải phóng mặt bằng bàn giao cho các địa phương tổ chức thực hiện đo đạc kiểm đếm và số lượng các hộ dân bị ảnh hưởng, xác định nhu cầu tái định cư, tùy theo tình hình cụ thể sẽ có phương thức đền bù và phương án phù hợp.
Còn đoạn Quảng Ngãi – Nha Trang có chiều dài tổng cộng 353km, gồm 5 dự án thành phần: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Chí Thạnh – Vân Phong, Vân Phong – Nha Trang.
Trong đợt 1, các đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thành hồ sơ và tiến hành bàn giao 52,1km đi qua 4 tỉnh.
Trong đó, tỉnh Quảng Ngãi có 10km qua hai huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành; Bình Định 19,6km qua Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn; Phú Yên 15,5km qua thị xã Sông Cầu, huyện Phú Hòa và TP. Tuy Hòa và Khánh Hòa 7km qua huyện Vạn Ninh.
Còn lại ngày 30/4 sẽ bàn giao dự kiến khoảng 229,6 km và ngày 30/6 bàn giao hồ sơ các đoạn còn lại khoảng 71,3 km.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, đợt bàn giao đầu tiên, khối lượng mặt bằng không nhiều, địa hình thực địa bằng phẳng, hồ sơ được chuẩn bị chi tiết, mức độ chính xác khá cao. Đây là những yếu tố thuận lợi khả dĩ giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng.
"Các địa phương hoàn thành việc thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo, Hội đồng giải phóng mặt bằng và đề xuất phương thức phối hợp điều hành, xử lý công việc, tháo gỡ vướng mắc liên tục, không lệ thuộc vào khung giờ hành chính, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng khẳng định, địa phương luôn sẵn sàng và đầy đủ quyết tâm. Công tác khảo sát, tư vấn thiết kế hoàn thành tới đâu, đơn vị chủ trì dự án cần bàn giao khẩn trương tới đó, không nhất thiết phải gò uốn vào mốc thời gian định sẵn.
Trước đó, ngày 13/3 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải cũng tổ chức bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đoạn tuyến từ Hà tĩnh đến Quảng Trị đợt 1 với 47,6km. Bộ Giao thông vận tải tiến hành bàn giao hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng đợt 2 ngày 30/4, dự kiến khoảng 110 km. Đợt 3 sẽ vào ngày 30/6 các đoạn còn lại khoảng 109,4 km.
Bộ Giao thông vận tải hiện đang tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo 3 giai đoạn cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6, để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo mục tiêu hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, khởi công dự án, đáp ứng tiến độ.
Sau đó, Bộ này bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý 2/2023 và nỗ lực để dự án khởi công 12 dự án thành phần trước ngày 31/12/2022.