15:24 22/10/2014

Rút đề xuất chi ngân sách để xử lý nợ xấu: “Chính phủ đã đúng”

Nguyên Thảo

Rút đề xuất dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước qua góc nhìn đại biểu

Qua nhiều kỳ Quốc hội, Chính phủ đều nhất quán khẳng định quan điểm: 
“Nhà nước không sử dụng ngân sách để trả nợ thay cho ngân hàng, cho 
doanh nghiệp”.
Qua nhiều kỳ Quốc hội, Chính phủ đều nhất quán khẳng định quan điểm: “Nhà nước không sử dụng ngân sách để trả nợ thay cho ngân hàng, cho doanh nghiệp”.
Cũng bất ngờ như khi kiến nghị, nội dung dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước vừa được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đưa vào báo cáo trình Quốc hội.

Như VnEconomy đã thông tin, đầu tháng 10 vừa qua, tại cuối bản báo cáo dài gần 70 trang về tái cơ cấu nền kinh tế trong ba lĩnh vực trọng tâm, Chính phủ đã đưa ra kiến nghị “xem xét dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước”.

Đây là báo cáo của Chính phủ, đề ngày 27/9, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký, là tài liệu phục vụ phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đề xuất này đã được dư luận đặc biệt quan tâm, khi qua nhiều kỳ Quốc hội, Chính phủ đều nhất quán khẳng định quan điểm: “Nhà nước không sử dụng ngân sách để trả nợ thay cho ngân hàng, cho doanh nghiệp”.

Việc yêu cầu không giữ đề xuất này trong báo cáo về kết quả thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng trình Quốc hội tại kỳ họp này, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng thì, “Chính phủ đã xử lý đúng”.

"Ngay từ những kỳ họp trước tôi đã thể hiện quan điểm không nên dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu bởi vì đây là khoản nợ không bắt nguồn từ trách nhiệm của ngân sách Nhà nước", đại biểu Hùng tỏ rõ quan điểm.

Vẫn theo đại biểu Hùng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, ngay cả nguồn để điều chỉnh lương còn khó mà lại đề xuất phương án dùng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu thì tao ra sự phản cảm, dư luận không đồng tình.

"Suốt nhiều kỳ họp, đại biểu đã đề nghị không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu rồi và Chính phủ cũng đã đảm bảo với Quốc hội là không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu nên việc rút đề xuất là xử lý linh hoạt, vì nếu trình ra thì chắc chắn nhiều đại biểu không đồng tình", ông Hùng bình luận.

Riêng nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước đại biểu Hùng cho rằng trách nhiệm xử lý thuộc về chính doanh nghiệp chứ nhất định không thể dùng ngân sách nhà nước.

Làm sao lấy tiền ngân sách để xử lý nợ xấu được, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, ông Huỳnh Nghĩa nêu rõ quan điểm.

Cho biết là chưa nhân được báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong ba lĩnh vực trọng tâm, song đại biểu Nghĩa cho rằng nếu đề xuất nào đó đã đưa vào báo cáo của Chính phủ những sau đó lại rút ra thì cần có giải trình.

"Khi thảo luận tổ, tôi cũng đặt vấn đề về hiệu quả hoạt động của VAMC và theo tôi thì Chính phủ cần giải trình về vấn đề này", ông Nghĩa nói thêm.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, có khi vẫn phải dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, nhưng theo cách khác chứ không phải mang đi để bù vào nợ xấu.