Sabeco chính thức mua công khai 43,2% vốn tại Sabibeco từ ngày 31/10 tới
Hội đồng quản trị SAB thông qua phương án chào mua công khai 37.814.900 cổ phiếu, tương ứng 43,2% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây - Sabibeco (mã SBB-UPCoM) với mức giá chào mua là 22.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (mã SAB-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc thông qua phương án chào mua công khai cổ phiếu SBB.
Theo đó, HĐQT SAB thông qua phương án chào mua công khai 37.814.900 cổ phiếu, tương ứng 43,2% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây - Sabibeco (mã SBB-UPCoM) với mức giá chào mua là 22.000 đồng/cổ phiếu.
Thời gian chào mua từ ngày 31/10 đến ngày 25/12/2024.
Hiện Sabeco đang là cổ đông lớn tại SBB với tỷ lệ nắm giữ 16,4%. Bên cạnh đó, người liên quan Sabeco còn nắm khoảng 5,5 triệu cổ phiếu SBB, tương ứng tỷ lệ 6,3% vốn điều lệ. Như vậy, Sabeco đã nắm 22,7% vốn của SBB.
Đáng chú ý, Sabeco cho biết trong quá trình chào mua, SAB có thể tăng giá chào mua (nếu cần) để đảo bảo lợi ích của công ty. Đồng thời, SAB cũng đưa ra các điều kiện về việc hủy bỏ đợt chào mua, trong đó sẽ hủy mua nếu số lượng cổ phiếu SBB đăng ký bán không đạt tỷ lệ tối thiểu, là hơn 25,12 triệu cổ phiếu - tương đương 28,7% tổng cổ phiếu đang lưu hành, hoặc SBB giảm số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Với tổng số cổ phiếu tương ứng 43,2% vốn điều lệ mà Sabeco chào mua lần này, nếu thành công, Sabeco sẽ nâng sở hữu tại bia Sài Gòn Bình Tây lên đến 65,9% và với tỷ lệ này Sabeco sẽ trở thành công ty mẹ của Bia Sài Gòn Bình Tây.
Nguồn vốn thực hiện chào mua là 831.927.800.000 đồng, từ nguồn vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn hợp pháp khác của Sabeco.
Đại lý chào mua công khai của SAB là Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap (VCSC).
Được biết, trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mà VCSC đã tham gia, thì VCSC cho biết nhìn chung, ban lãnh đạo có quan điểm lạc quan một cách thận trọng về triển vọng nửa cuối năm 2024. Mặc dù sản lượng bán bia của SAB trong tháng 7 không phục hồi sau sự chậm lại trong quý 2, ban lãnh đạo kỳ vọng việc ra mắt 333 Pilsner sẽ hỗ trợ sản lượng bán của SAB trong nửa cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, kế hoạch của công ty về việc tăng chi tiêu cho hoạt động quảng cáo và khuyến mại (A&P) trong nửa cuối năm 2024 so với nửa đầu năm phù hợp với kỳ vọng của VCSC. Do đó, VCSC nhận thấy không có rủi ro đáng kể đối với dự báo năm 2024 của VCSC.
Trong khi sự cạnh tranh đang gia tăng, đặc biệt là ở kênh mua về truyền thống, VCSC tin rằng thị trường hiện tại ủng hộ kênh mua về và các sản phẩm bình dân sẽ hỗ trợ SAB trong bối cảnh cạnh tranh này.
Về kế hoạch nửa cuối năm 2024: VCSC cho biết, sản lượng bán bia của SAB trong tháng 7 nhìn chung phù hợp với xu hướng của sản lượng sản xuất bia của ngành bia nói chung. Tổng cục Thống kê báo cáo tổng sản lượng bia sản xuất giảm 5% YoY vào tháng 7/2024 (nhưng không đổi so với tháng trước), cho thấy thị trường tiếp tục đà giảm của quý 2.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo kỳ vọng việc ra mắt sản phẩm mới (333 Pilsner) sẽ hỗ trợ sản lượng bán của SAB trong nửa cuối năm 2024, mặc dù phải tăng chi tiêu cho A&P. SAB đặt mục tiêu chi tiêu cho A&P cao hơn trong nửa cuối năm 2024 so với nửa đầu năm vì công ty sẽ chi tiêu để xây dựng tệp khách hàng cho sản phẩm mới này.
Dự báo của VCSC tương ứng tỷ lệ chi phí A&P/doanh thu bia là 10,4% trong nửa cuối năm 2024 so với 7,7% trong nửa đầu năm.
Qua đó, VCSC đã có khuyến nghị "mua" đối với SAB với giá mục tiêu là 71.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, HĐQT SAB thông qua đề xuất gia hạn khoản nợ vay của CTCP Nước Giải khát Chương Dương với Sabeco tối đa thêm 12 tháng từ 26/10/2024 đến ngày 26/10/2025.
Trước đó, trong văn bản gửi cổ đông, Ban lãnh đạo Nước Giải khát Chương Dương cho biết công ty đã vay lần lượt 138 tỷ đồng và 288 tỷ đồng từ Sabeco để tài trợ cho Dự án Mỹ Phước 3, cũng như bổ sung vốn lưu động.
Khoản vay thứ nhất được giải ngân thành hai lần với lãi suất lần lượt 8,8% và 9,2% một năm.
Khoản vay thứ hai được giải ngân vào tháng 10/2023 với lãi suất 5,8% một năm.
Tính đến nay, công ty đã dùng 285 tỷ đồng trong số 426 tỷ đồng để thanh toán các khoản gốc, lãi vay ngân hàng nhằm tài trợ cho Mỹ Phước 3. Ngoài ra, công ty dùng hơn 80 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Phần còn lại 60 tỷ đồng đang được gửi ngân hàng kỳ hạn 1-3 tháng để thanh toán chi phí cho nhà thầu xây dựng và nhà thầu tư vấn liên quan đến dự án Mỹ Phước 3 sau khi các đơn vị này hoàn tất hồ sơ đề nghị thanh toán.
Đáng chú ý, Ban lãnh đạo công ty cho biết công ty sẽ thiếu nguồn tiền nghiêm trọng trong những tháng tới nếu thanh toán nợ vay đến hạn 426 tỷ đồng cho Sabeco. Cụ thể, dòng tiền của công ty sẽ âm 241 tỷ đồng vào tháng 10 và âm 434,8 tỷ đồng vào tháng 12. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Vì vậy, công ty không thể trả nợ vay đúng thời hạn trong năm 2024 cho Sabeco như cam kết.