Samsung cảnh báo lợi nhuận quý 1 sụt 60% vì giá con chip giảm
Samsung cho rằng lợi nhuận quý 1/2019 của hãng sẽ rớt xuống mức thấp nhất trong 2 năm
Hãng điện tử Hàn Quốc Samsung ngày 5/4 cảnh báo rằng quý 1/2019 có thể sẽ là quý mà hãng đạt lợi nhuận thấp nhất trong hơn 2 năm, do tình trạng mất giá của các sản phẩm chip nhớ, doanh số màn hình yếu đi, và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường điện thoại thông minh (smartphone).
Hãng tin Reuters dẫn báo cáo của Samsung nói rằng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 1 của Samsung có thể giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt kỳ vọng của giới đầu tư, và sẽ là mức lợi nhuận quý thấp nhất kể từ cuối năm 2016.
Samsung tự sản xuất chip nhớ và màn hình cho các sản phẩm smartphone của hãng, đồng thời cung cấp các sản phẩm này cho Apple. Ngoài ra, hãng còn cung cấp con chip dùng cho máy chủ cho những công ty điện toán đám mây như Amazon. Dù Samsung được biết đến nhiều hơn với tư cách là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, mảng con chip mới là bộ phận đóng góp chính vào lợi nhuận của hãng.
"Trong nửa sau của năm 2019, giá chip nhớ sẽ giảm chậm lại và chạm đáy. Ngoài ra, việc Apple tung ra những mẫu iPhone mới vào cuối năm có thể sẽ giúp ích cho mảng màn hình và chip nhớ của Samsung", nhà phân tích Kim Yang-jea thuộc KTB Investment and Securities nhận định về triển vọng lợi nhuận của Samsung.
Samsung, hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, cho biết lợi nhuận quý 1 năm nay của hãng có thể chỉ đạt 6,2 nghìn tỷ Won, tương đương 5,5 tỷ USD, thấp hơn dự báo 6,8 nghìn tỷ Won mà giới phân tích đưa ra.
Doanh thu của hãng được dự báo giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 52 nghìn tỷ Won. Báo cáo chi tiết sẽ được Samsung công bố vào cuối tháng 4.
Thị trường smartphone toàn cầu đang chứng kiến sự suy giảm doanh số, kéo theo doanh thu của Samsung giảm ở mảng con chip và màn hình.
Các sản phẩm smartphone của Samsung cũng chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn của những đối thủ Trung Quốc như Huawei. Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận ở mảng smartphone của Samsung đang phải đương đầu sức ép từ chi phí sáng tạo ngày càng lớn và người tiêu dùng không còn nhiều hứng thú với việc nâng cấp điện thoại như trước.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu của Samsung đã hồi phục 25% kể từ khi chạm đáy 2 năm hồi tháng 1, bởi một số nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi của nhu cầu chip nhớ trong năm 2019.
SK Hynix, Micron và Samsung hiện là ba nhà sản xuất "thống trị" thị trường DRAM, con chip sử dụng trong máy tính cá nhân, smartphone và máy chủ. Gần đây, cả ba hãng này đều có những đánh giá lạc quan về triển vọng phục hồi giá con chip.
Hy vọng này được cho là có cơ sở khi dữ liệu gần đây cho thấy ngành sản xuất ở Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới, bất ngờ tăng trưởng trở lại trong tháng 3, sau 3 tháng giảm liên tiếp trươc đó.
Samsung hiện cũng đang đặt cược vào một dòng sản phẩm smartphone hoàn toàn mới, một mẫu điện thoại với màn hình gập dùng cho mạng 5G. Hãng kỳ vọng sản phẩm mới này sẽ giúp hãng cạnh tranh tốt hơn tại Trung Quốc.
Nhưng giới phân tích cho rằng chi phí sản xuất chiếc smartphone mới của Samsung đắt đỏ hơn nhiều, vì thế sẽ gây áp lực lên lợi nhuận cho dù sản phẩm có bán chạy.