09:12 13/09/2011

Samsung Việt Nam: “Doanh nghiệp Việt mới chỉ cấp bao bì”

Mạnh Chung

Các nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện cho nhà máy Samsung Việt Nam mới chỉ dừng lại là các sản phẩm bao bì và in ấn

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc công ty Samsung Vina giới thiệu về nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung Việt Nam hôm 6/9 - Ảnh: M.Chung.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc công ty Samsung Vina giới thiệu về nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung Việt Nam hôm 6/9 - Ảnh: M.Chung.
Nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung, thuộc Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV), đặt tại khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) lớn thứ 2 trong tổng số 7 nhà máy của tập đoàn này trên thế giới.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2009, công suất hiện tại của nhà máy lên tới 11 triệu sản phẩm/tháng, ít nhiều được kỳ vọng sẽ tạo sức lan tỏa và kích thích các doanh nghiệp phụ trợ cung cấp linh phụ kiện trong nước phát triển.

Năm 2010, trong tổng số 37 doanh nghiệp, nhà cung cấp các linh kiện, phụ kiện cho nhà máy sản xuất điện thoại Samsung Việt Nam thì có tới 12 nhà cung cấp là ở trong nước, 25 là ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc công ty Samsung Vina cho biết, trong tỷ lệ nhà cung cấp linh, phụ kiện nội địa thì số lượng doanh nghiệp của Việt Nam gần như là không có, chủ yếu chỉ là các doanh nghiệp cung cấp bao bì và in ấn.

Ông có thể giải thích rõ hơn, tại sao số lượng các cung cấp linh, phụ kiện nội địa cho Samsung Việt Nam chiếm tới 30% nhưng doanh nghiệp Việt lại gần như không có?

Ở đây, các nhà cung cấp nội địa chủ yếu là các doanh nghiệp của nước ngoài “đi theo” Samsung vào Việt Nam (doanh nghiệp FDI – PV) để cung cấp các linh kiện, phụ kiện, các sản phẩm phụ trợ cho Samsung Việt Nam, chứ đâu phải là các doanh nghiệp của Việt Nam.

Vậy, tại sao Samsung Việt Nam không liên kết, sử dụng các linh phụ kiện của doanh nghiệp Việt Nam có hàm lượng kỹ thuật, ít nhất là ở mức đơn giản?

Thực ra chúng tôi cũng rất muốn sử dụng các sản phẩm phụ trợ, các linh kiện, phụ kiện của doanh nghiệp Việt Nam. Vì như thế mình vừa chủ động, linh động được về mặt thời gian, đảm bảo về số lượng sản phẩm, lại vừa đỡ được các khoản chi phí, vận chuyển nhập khẩu.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp linh kiện, phụ kiện của Việt Nam đều chưa đáp được các tiêu chuẩn kỹ thuật mà Samsung đặt ra, hàm lượng kỹ thuật trong các sản phẩm phụ trợ của doanh nghiệp còn rất thấp và yếu, vì thế chúng tôi không sử dụng được. Trong khi đó, tất cả các khâu, các quy trình để sản xuất ra sản phẩm điện thoại là rất khắt khe. Nếu mình không đảm bảo, dù chỉ là một chi tiết nhỏ bị lỗi kỹ thuật cũng coi như là hỏng cả một sản phẩm điện thoại.

Chính bởi vậy, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam cho Samsung mới chủ yếu dừng lại ở các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bao bì, in ấn.

Điều đó có nghĩa, trong kế hoạch “tỷ lệ nội địa hóa” đến năm 2015 là sẽ nâng số các nhà cung cấp nội địa của Samsung Việt Nam cũng chủ yếu dành cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam?

Mục tiêu của Samsung Việt Nam là, đến năm 2015 có khoảng 174 nhà cung cấp, trong đó nội địa là 91 (chiếm khoảng 52%), các nhà cung cấp nước ngoài là 83. Tất nhiên, chúng tôi luôn ưu tiên sử dụng các linh kiện, phụ kiện 100% là của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng với điều kiện là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn mà Samsung đặt ra, quy chuẩn được áp dụng trên toàn cầu với tất cả các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung.

Thưa ông, tập đoàn Samsung lên tiếng đầu tư vào Việt Nam đã được 4 năm, chính thức đi vào hoạt động được hơn 2 năm, vậy phải chăng các doanh nghiệp Việt Nam chưa mặn mà nghiên cứu, đầu tư phát triển để cung cấp linh phụ kiện cho Samsung Việt Nam?

Thẳng thắn mà nói, về cơ bản, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển còn rất chậm.

Cũng không chỉ nói đơn giản là cung cấp các linh kiện, phụ kiện cho sản phẩm điện thoại, vì để có được linh kiện, phụ kiện là phải có các doanh nghiệp sản xuất ra.

Trong cả thập kỷ qua, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử của Việt Nam cũng chưa phát triển. Bản thân các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này cũng khá rủi ro vì đòi hỏi phải có vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, phải nghiên cứu, tìm tòi, hàm lượng kỹ thuật cao, rồi nhu cầu thị trường vì chưa biết sản phẩm làm ra có tiêu thụ được hay không.

Vì thế, doanh nghiệp sẽ không thể làm được nếu không có sự hỗ trợ, khuyến khích từ Chính phủ.

Chuyện này, lẽ ra chúng ta phải bắt đầu đầu tư từ 10 năm trước, nhưng khổ cái không có chính sách khuyến khích nên không ai đầu tư vào đó.

Chính vì thế mà việc các doanh nghiệp Việt Nam bắt tay vào đầu tư sản xuất các linh kiện, phụ kiện điện tử không thể là một sớm một chiều mà cần phải có thời gian, có vốn và có thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Vậy theo cá nhân ông, đến khi nào, các doanh nghiệp của Việt Nam mới thực sự phát triển, đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu về linh kiện, phụ kiện cho các tập đoàn thế giới, trong đó có Samsung Việt Nam, thậm chí để làm chủ một sản phẩm hoàn thiện?

Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, bây giờ được gọi là làn sóng đầu tư thứ hai.

Làn sóng đầu tư thứ nhất là vào những năm 1993 – 1994. Các nhà đầu tư vào thời điểm đó chủ yếu là để thâm nhập thị trường chứ không phải dùng địa bàn Việt Nam làm nơi sản xuất, cho nên mức đầu tư nhỏ, không lớn và ngắn hạn, nên chưa kéo theo các nhà đầu tư phụ trợ nước ngoài vào và chưa kích thích các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Còn bây giờ, làn sóng đầu tư thứ hai, các nhà đầu tư nào vào cũng tính đầu tư có chiều sâu, đầu tư lớn và rất cơ bản chứ không có ăn xổi ở thì. Chính việc đầu tư lớn, có chiều sâu này sẽ kéo theo các nhà đầu tư sản xuất vệ tinh (doanh nghiệp phụ trợ) từ nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư hàng mấy chục nhà máy nhỏ xung quanh.

Những nhà máy vệ tinh đó sẽ tạo nền tảng cung cấp linh kiện cho nhiều ngành nghề khác, đồng thời kích thích doanh nghiệp trong nước phát triển. Điều này tương tự như bài toán phát triển các doanh nghiệp sản xuất ở Trung Quốc, chứ tự nhiên ở trong nước bảo đi đầu tư sản xuất thì sẽ không có ai làm đâu.

Thứ hai, với những nhân viên, kỹ thuật viên làm cho các doanh nghiệp nước ngoài, người ta đã quen với sản xuất, đam mê sản xuất và yêu sản xuất, và từ các nhà máy đó họ học được nghề, biết được quy trình và họ “chạy” ra ngoài tự đứng mở sản xuất riêng, từ những nhân tố đó mới hy vọng sẽ thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.