15:45 01/06/2015

Sân bay Long Thành, khi nhà khoa học lên tiếng

Yến Thanh

Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Bộ Giao thông Vận tải luôn luôn lắng nghe tất cả các bên”

Các nhà khoa học đều ủng hộ chủ trương làm sân bay Long Thành, nhưng cũng có những ý kiến băn khoăn về quá trình chuẩn bị.
Các nhà khoa học đều ủng hộ chủ trương làm sân bay Long Thành, nhưng cũng có những ý kiến băn khoăn về quá trình chuẩn bị.
“Về kinh tế thì rất khả thi, nên làm, vì suất sinh lợi của dự án lên tới 22,9%. Nhưng về tài chính thì suất sinh lợi chỉ 4%, nên chắc chắn phải có sự tham gia của Nhà nước. Ít ra, cũng phải làm rõ cơ chế huy động vốn cho dự án này”.

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Xuân Thành, hiện làm việc cho chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam, trong phần phát biểu tại hội thảo khoa học về sân bay Long Thành, do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ở Hà Nội sáng 1/6.

Trên bàn chủ tọa, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ngoái sang Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng và Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, dường như để chia sẻ một khoảnh khắc tâm đắc.

Tuy nhiên, suốt gần 4 tiếng hội thảo, gương mặt của ba vị chủ tọa cũng không ít lần đăm chiêu.

Chủ trương là đúng

Tiến sỹ Trần Đình Thiên nhấn mạnh, sân bay Long Thành là cần thiết, vì đó là sân bay trung chuyển quốc tế hiện đại. Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới, cần sân bay lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Tuy nhiên, trong quá trình tính toán quy mô dự án cần phải tính đến 3 biến số: lượng hành khách luân chuyển, lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không, và khả năng phát triển đột biến của Việt Nam.

Ông Thiên cho rằng các tranh luận chủ yếu dựa vào lượng hành khách, nhưng chính lượng vận chuyển hàng hóa mới quyết định Long Thành có thành sân bay trung chuyển khu vực không.

Câu chuyện của Singapore là một tham khảo thú vị: quốc gia này đã biết cách thay đổi để trở thành trung tâm trung chuyển hàng không và hàng hải khu vực. Trong khi đó, nếu Thái Lan - với sự hỗ trợ của Trung Quốc - mở kênh đào qua nước này, cục diện hàng hải, hàng không sẽ thay đổi cực lớn, và vai trò của vùng kinh tế phía Nam của Việt Nam cũng sẽ thay đổi lớn.

Theo ông Lương Hoài Nam, sân bay Long Thành là cấp thiết, dù cần tính toán một số yếu tố. “Cần nhìn dự án này là một quá trình dài, tránh nghĩ đó là một ý tưởng mới, rồi hùng hục làm. Dự án này đã có quá trình ít nhất 18 năm rồi”, ông Nam nói.

Chuyên gia này cho rằng mối quan tâm hiện nay là huy động vốn từ đâu, đầu tư theo hình thức nào, theo mô hình công tư hay công ty cổ phần đầu tư dự án…

“Nếu không cạnh tranh với Singapore thì cũng phải cạnh tranh được với Bangkok, Malaysia... Hàng không trong nước phải mạnh hơn, vì sân bay trung chuyển phải là trung tâm của hãng hàng không trong nước, chứ không phải hãng nước ngoài”, ông Nam nói

Chuyên gia này cho rằng trong tình hình như vậy, việc tiếp tục tranh luận về việc nên xây hay không nên xây sân bay Long Thành chỉ làm mất thời gian cho xã hội, gây hiểu lầm trong nhân dân về sự cần thiết, cấp bách của dự án này.

“Hiện nay dự án sân bay Long Thành mới đang ở bước nghiên cứu tiền khả thi để Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư. Còn rất nhiều công việc, thủ tục từ nay đến khi dự án được chính thức triển khai thực hiện. Theo tôi, các cơ quan, cá nhân phản biện nên tham gia đóng góp một cách xây dựng cho dự án về những nội dung thiết thực, giúp dự án tăng tính khả thi và đạt hiệu quả đầu tư cao nhất”, ông nhấn mạnh.

Còn những băn khoăn

Đồng tình về chủ trương đầu tư sân bay Long Thành, song một số ý kiến cho rằng có nhiều nội dung cần được làm rõ.

Chẳng hạn, trước khi đến hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành  và đồng sự đã làm mô hình nghiên cứu chi tiết, tính toán các chỉ số mà theo ông là “rất kỹ thuật”.

“Có ý kiến để Quốc hội nghiên cứu thì chưa phải làm rõ, chúng tôi không đồng ý. Một dự án thành công cần rõ cả tài chính, hỗ trợ từ ngân sách bao nhiêu, ODA, tăng nợ công bao nhiêu… cần làm rõ ngay từ đầu, đặc biệt là khả năng trả nợ. Nghiên cứu của chúng tôi cho hay trong 10 năm đầu, nếu vay thì khó mà trả nợ”, ông Thành nêu quan điểm, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng “nếu chỉ dựa trên các con số hiện tại thì cần thiết phải đầu tư”.

Ông Nguyễn Bách Phúc, một chuyên gia từng có nhiều ý kiến về dự án, cho rằng ông ủng hộ chủ trương đầu tư, nhưng nói báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có nhiều điểm cần sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ, chính xác hơn.

“Để thực hiện dự án quan trọng này, tôi cho rằng cần có những cuộc thảo luận trực tiếp, không phải đại trà mà là ở từng nhóm chuyên gia. Nên lập tổ chuyên gia, có quyết định thành lập, có quá trình thảo luận công khai, có biên bản đã đồng thuận cái gì, cái gì chưa, lý do tại sao…”, ông Phúc nói.

Một chuyên gia khác, ông Nguyễn Thiện Tống cũng có chung quan điểm này khi cho rằng báo cáo tiền khả thi cần được “đầu tư” hơn nữa để hoàn thiện, đặc biệt là trong việc viện dẫn các con số để tính toán.

Đó cũng là quan điểm mà ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cho rằng "có nhiều tranh luận là bởi báo cáo tiền khả thi chưa được rõ ràng, thuyết phục".

Chia sẻ sự băn khoăn của các chuyên gia, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng các ý kiến rất khách quan, thẳng thắn, dù từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng đều thể hiện tinh thần trách nhiệm với dự án, với đất nước.

“Các ý kiến đều ủng hộ chủ trương xây dựng sân bay này. Chúng tôi sẽ tiếp thu để bổ sung, chỉnh sửa, tạo ra sự đồng thuận cao nhất. Bộ Giao thông Vận tải luôn luôn lắng nghe tất cả các bên. Tôi hàng ngày đều nhận tin nhắn, thư điện tử của người dân đóng góp ý kiến về các vấn đề của ngành”, ông Thăng nói.