Sản phẩm cho khách du lịch về đêm vẫn bỏ ngỏ
Khách du lịch đến Việt Nam tham quan không có chỗ tiêu tiền là câu chuyện được nói nhiều các năm qua
Các loại hình dịch vụ về đêm được đánh giá là một trong những "mỏ vàng" giúp ngành du lịch mang lại cho nền kinh tế doanh thu cao. Không những thế, đời sống của người dân cũng sẽ cải thiện hơn. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam vẫn chưa khai thác được loại hình này.
Khách du lịch đến Việt Nam tham quan không có chỗ tiêu tiền là câu chuyện được nói nhiều các năm qua. Có đến 80% lượt khách sau khi đến Việt Nam đã không quay trở lại, dù rằng cảnh đẹp thiên nhiên của Việt Nam có thể hơn hẳn, nhưng một điều khẳng định là, thiếu hẳn không khí nhộn nhịp, mang lại sự hào hứng cho người đến tham quan.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel lo lắng: nguồn thu từ du khách đang giảm, nếu như năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam chi từ 925 USD/người thì đã xuống còn 525 USD/người (năm 2018). Một trong những nguyên nhân du khách tiêu tiền ít là do cách quy hoạch, quản lý kém, không kích thích được sức chi tiêu của du khách.
Dẫn chứng cho khẳng định của mình, ông Kỳ kể lại câu chuyện khi đề xuất Huế làm dịch vụ ban đêm, tạo sân chơi cho du khách. "Tại Huế, trước khi có chợ đêm, sau 20 giờ ra đường là quang cảnh vắng hoe, u ám. Sau đó, tôi góp ý xây dựng phố đi bộ và chỉ sau 2 tháng triển khai, đường sá ở Huế buổi tối đã rơi vào tình trạng kẹt xe. Kinh tế đêm có giá trị lắm", ông Kỳ nói.
Ngay như tại Tp.HCM có nhiều sản phẩm nhưng cũng chưa khai thác được bao nhiêu. Mấy năm gần đây mới có phố đi bộ Nguyễn Huệ và phố Tây Bùi Viện. Ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ, thì hiện tại các doanh nghiệp du lịch đang đề xuất Thành phố lên kế hoạch làm thêm tuyến phố đi bộ dọc Nam Kỳ Khởi Nghĩa vòng qua Lê Quý Đôn. Dọc các tuyến đường này kiến trúc Pháp còn lưu giữ nhiều và nhiều nhà hàng nên có thể khai thác tốt về mặt cảnh quan và ẩm thực, ông Kỳ cho biết.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Sao Biển Sài Gòn, đơn vị chuyên về sản phẩm kinh doanh ở khung giờ từ 16h-2h sáng, cũng khẳng định "kinh tế đêm là mỏ vàng".
Thực tế, khi đi chơi đêm khách du lịch không suy nghĩ so đo, dù trước đó khi đặt phòng khách sạn họ có thể cò kè bớt 5 đến 10 USD/đêm nhưng sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ vui chơi khi trời tối. Tại Phú Quốc, kể từ khi có chợ đêm, giới tài xế lái taxi rất vui vì lượng khách đi từ Vinpeal lên chợ đêm Dương Đông rất nhiều. Dù tiền cước taxi không hề rẻ hơn 600.000 đồng/chuyến nhưng khách vẫn sẵn sàng đi.
Giá trị mang lại của kinh tế đêm không hề nhỏ. Ông Sơn lấy khu chợ đêm ở Phú Quốc để minh chứng. Ban đầu khi làm chợ đêm ở Phú Quốc, dân địa phương rất phản ứng. Nhưng dần dần nhận thấy giá trị thu lại thực tế mà họ được hưởng mới đồng tình với mô hình chợ đêm.
Trước kia, người dân khu chợ đêm cho thuê 1 cái nhà mặt tiền chỉ tầm 8 triệu đồng/tháng, nhưng nay là 40 triệu đồng/tháng, hoặc chia ra cho thuê chỗ để của 2 chiếc xe đẩy với giá 15 triệu đồng/tháng/chiếc vào buổi tối. Từ đó, thu nhập của người dân ở khu vực chợ đêm tăng rất cao nhờ kinh doanh cho thuê nhà.
Do là loại hình mới nên khi triển khai các dịch vụ kinh tế ban đêm gặp rất nhiều khó khăn. Khi đưa mô hình chợ đêm vào xin phép là vấp ngay sự phản đối của ngành giao thông, bởi chợ đêm phải lấn chiếm lòng lề đường và ngăn xe lưu thông, cũng như tụ tập đông người nên làm không kỹ sẽ dễ gây mất an ninh công cộng.
Bởi vậy, dù kinh tế đêm là "mỏ vàng" nhưng doanh nghiệp đang tự bơi, phải đi thuyết phục và làm việc với từng cơ quan chức năng cũng như đảm bảo về mặt dịch vụ cung cấp. Nếu hành lang pháp lý thuận lợi thì tiến độ triển khai nhanh hơn. Khi đi đầu tư chợ đêm và các dịch vụ kinh doanh ban đêm, bản thân doanh nghiệp cũng mang tiếng xấu vì tạo điều kiện cho người dân hư hỏng – đi chơi khuya.
Nên có hành lang pháp lý để hỗ trợ nhà đầu tư thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư và phát triển nhiều loại hình kinh tế về đêm hơn nữa, ông Sơn cho biết.