17:29 03/11/2022

Sản phẩm làng nghề và OCOP: Mộc mạc nhưng mang hồn cốt dân tộc

Chu Khôi

Mỗi người dân cần nâng niu sản phẩm làng nghề, cùng nhau tạo dựng một hệ sinh thái những sản phẩm của những người nghệ nhân, tạo dựng giá trị vô tận từ tài nguyên bản địa…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham quan các gian hàng tại hội chợ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham quan các gian hàng tại hội chợ.

Trên đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2022. Sự kiện diễn ra tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade) từ tối 2/11 đến hết ngày 6/11/2022.

Hội chợ năm nay có quy mô 150 gian hàng tiêu chuẩn và 1200m2 sàn trưng bày được thiết kế đặc biệt, trưng bày nhiều mặt hàng nông lâm thủy hải sản, lương thực, thực phẩm, trái cây đặc sản vùng miền và hàng thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước.

TINH HOA CỦA ĐẤT NƯỚC, TÂM HỒN VIỆT

Tại lễ khai mạc Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: “Chúng ta hãy nhìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ là tinh hoa của đất nước, tâm hồn của người Việt, để sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tự tin đặt ngang hàng với sản phẩm của các nước trên thế giới”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đất nước Việt Nam có truyền thống lịch sử với hàng nghìn làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm thông qua bàn tay tinh tế của những nghệ nhân.

“Vật liệu có thể mộc mạc như cục đất, cây tre, nứa, lá, khúc gỗ... nhưng qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi, chúng đã trở thành những sản phẩm có hồn. Tuy nhiên, để có được một sản phẩm có hồn thì người tạo ra nó đã gửi gắm tất cả trí tuệ, tài hoa, sức sáng tạo, khát vọng vào trong đó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, mỗi người dân cần nâng niu sản phẩm làng nghề, cùng nhau tạo dựng một hệ sinh thái những sản phẩm của những người nghệ nhân, người thiết kế. Đồng thời tin rằng đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ tạo dựng giá trị vô tận từ tài nguyên bản địa.

Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2022 là hai hoạt động chính nằm trong chuỗi sự kiện “Festival làng nghề Việt Nam năm 2022” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức.

Sản phẩm tham gia trưng bày đều đảm bảo nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm hữu cơ.

KHÂU BAO BÌ VẪN CÒN RẤT YẾU

Trong khuôn khổ Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam, chiều 3/11 đã diễn ra Hội nghị Tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng muốn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và có thể tiếp cận được với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị trong và ngoài nước, việc hoàn thiện bao bì sản phẩm là điều cần thiết đối với các chủ thể. Tuy nhiên đến nay, số chủ thể đầu tư được bao bì sản phẩm đạt "chuẩn" và có sự độc đáo, đặc trưng riêng biệt... chưa nhiều.

 

"Đầu tư vào bao bì là bước căn bản mà chủ thể sản xuất nông sản và sản phẩm làng nghề cần phải đáp ứng để có thể từng bước cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại trên kệ siêu thị”.

Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc thu mua miền Bắc của Tops Market và GO.

Thực tế cho thấy, có chủ thể đã đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng việc cải tiến bao bì, mẫu mã vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, cũng như chưa tạo được sức thu hút đối với khách hàng.

Tiêu biểu như chủ thể làng nghề truyền thống Tân An (Quảng Bình) với sản phẩm chủ đạo là bánh mè. Sản phẩm đã có bao bì nhưng quy trình đóng gói chưa được đầu tư nên vẫn còn thô sơ, xộc xệch, từ đó rất khó tiếp cận với các siêu thị.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, đại diện làng nghề Tân An cho hay quá trình thiết kế bao bì chỉ do thành viên Chủ thể tự nêu ý tưởng, nên hình ảnh và thông tin không đầy đủ khiến người tiêu dùng nghi ngờ chất lượng sản phẩm.

Bổ sung thêm, bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc thu mua miền Bắc Siêu thị Big C (hiện đã chuyển sang tên gọi Tops Market và GO!) cho rằng hầu hết chủ thể gặp khó khăn là chất lượng sản phẩm mặc dù đủ điều kiện theo yêu cầu, có thể truy xuất được nguồn gốc nhưng bao bì nhãn mác lại chưa được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn tem mác của Nhà nước. 

Bên cạnh yếu tố thẩm mỹ và nội dung, đa phần bao bì sản phẩm nông sản và làng nghề vẫn chưa bắt kịp được xu hướng thị trường. Cuộc sống hiện đại, con người ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm và sự thân thiện với môi trường. Mức độ "xanh" của một sản phẩm có ảnh hưởng lớn tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng.

Để tháo gỡ khó khăn trên, các chuyên gia khuyến cáo các chủ thể sản phẩm nông sản và làng nghề cần mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp có chuyên môn về thiết kế bao bì sản phẩm. Thông qua doanh nghiệp, chủ thể sẽ nhận được những thông tin chính xác, đáng tin cậy và được cập nhật liên tục về đối tượng khách hàng của mình, từ đó xây dựng chiến lược đầu tư hợp lý nhất để đổi mới bao bì theo đúng yêu cầu của thị trường.

 
Trao giải hội thi sản phẩm làng nghề.
Trao giải hội thi sản phẩm làng nghề.

Tại Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2022, Ban tổ chức đã tiến hành Trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 cho 48 sản phẩm đạt giải.

Cụ thể, 01 Giải đặc biệt thuộc về tác phẩm ‘Bàn ăn mây tre’ bằng chất liệu mây tre đan của tác giả Kha Văn Thương (Nghệ An); 05 Giải nhất cho các tác phẩm: ‘Chào mào hót’ chạm bạc của tác giả Quách Phan (Hà Nội); ‘Cây lúa’ được điêu khắc gỗ của tác giả Vũ Văn Hoan (Hưng Yên); ‘Bộ bàn ghế lưu thủy’ bằng gốm sứ của tác giả Hoàng Long (Hà Nội); ‘Đôi chim sếu’ bằng chỉ vải của tác giả Lê Văn Nguyên (Hà Nội); ‘Lọ hoa trang trí’ bằng tre nứa của tác giả Hồ Mai Hương (Hà Nội). Ban tổ chức cũng trao 10 Giải nhì; 15 Giải ba và 17 Giải khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả từ các địa phương trong cả nước.