09:44 29/07/2023

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ giảm “sức hút”, vì sao?

Chu Khôi

Mặc dù mang về 1,7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm, nhưng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề còn chậm cải tiến, đổi mới, đột phá về mẫu mã để theo kịp với sự phát triển đa dạng của kinh tế thị trường...

Hiện có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài.
Hiện có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài.

Ngày 28/7/2023, tại Vĩnh Phúc, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp với Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ tăng sức cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu”.

SỨC HẤP DẪN GIẢM DO MẪU MÃ CHẬM ĐỔI MỚI

Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm.

“Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn có thể mang lại lợi nhuận nhiều hơn nữa nếu được quan tâm đến kiểu dáng và mẫu mã. Nhiều năm trước, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi có mẫu mã mới lạ. Thế nhưng hiện nay, sức hấp dẫn bị giảm đi đáng kể khi không có sự thay đổi mẫu mã, trong khi nhu cầu của khách hàng ngày càng được nâng cao”, ông Lưu Duy Dần nhận định.

 
Ông Lưu Duy Dần.
Ông Lưu Duy Dần.

"Sức hấp dẫn của sản phẩm thủ công mỹ nghệ bị giảm đi đáng kể khi không có sự thay đổi mẫu mã.

Nhìn chung hình thức, mẫu mã của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề còn chậm cải tiến, đổi mới, đột phá để theo kịp với sự phát triển đa dạng của kinh tế thị trường”.

Trở lại thị trường trong nước, ông Dần cho rằng cũng không khá gì hơn. Phần lớn các sản phẩm làng nghề vẫn được sản xuất theo hình thức mẫu mã cổ truyền như tranh tứ linh, tranh tứ quý (khảm trai, sơn mài); hạc đồng, đỉnh đồng (đúc đồng); sập gụ, tủ thờ, hoành phi, câu đối (mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ); chụp đèn, bàn ghế (mây tre đan)…

Đồng tình, PGS.TS Đặng Mai Anh, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chỉ ra rằng vẫn còn nhiều nhược điểm trong sáng tác, thiết kế sản phẩm tại các làng nghề, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nguyên nhân là do tính thực hành trong quá trình đào tạo không được tiếp cận nhiều, thiết kế chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, hoặc thiết kế có tính khả thi trong quá trình chế tác sản xuất nhưng chưa thể sản xuất số lượng lớn.

 
PGS.TS Đặng Mai Anh.
PGS.TS Đặng Mai Anh.

"Hiện có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng, lý do chính là vì thiếu sáng tạo trong mẫu mã sản phẩm. Nguyên nhân là do tính thực hành trong quá trình đào tạo không được tiếp cận nhiều, thiết kế chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, hoặc thiết kế có tính khả thi trong quá trình chế tác sản xuất nhưng chưa thể sản xuất số lượng lớn".

Theo PGS.TS Mai Anh, chính thực tại của đội ngũ thiết kế cũng còn những khập khiễng và yếu điểm, nên sản xuất chưa thật sự đúng với nhu cầu khách hàng. Các thiết kế chỉ làm theo đơn hàng hoặc sao chép mẫu mã có sẵn trên thị trường, những mẫu thiết kế còn thiếu tính thương mại nên rất khó để xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Từ đó, dẫn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm không cao so với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và trên thế giới.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC THIẾT KẾ

Khuyến nghị các giải pháp nâng cao năng lực thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, PGS.TS Mai Anh cho rằng đầu tiên là cơ chế. Bởi đây là hành lang pháp lý cho mọi vấn đề.

Tiếp đến, tận dụng hiệu quả thương mại điện tử. Sự ra đời của các nền tảng thương mại điện tử đã cách mạng hóa thị trường thủ công mỹ nghệ. Giờ đây, các nghệ nhân và thợ thủ công có thể giới thiệu sản phẩm của họ với khách hàng toàn cầu, bỏ qua các rào cản phân phối truyền thống và tiếp cận trực tiếp với khách hàng. Cũng nhờ sự tiến bộ kỹ thuật của thời đại 4.0, các nghệ nhân có thể ứng dụng các phần mềm vào thiết kế mẫu mã, sẽ sáng tạo được nhiều mẫu sản phẩm độc đáo, lạ và đẹp.

Theo chuyên gia cao cấp Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho rằng mẫu mã phải tiếp tục phát huy văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu văn hóa thế giới trong từng loại sản phẩm, từng sản phẩm, đó là “kết hợp truyền thống với hiện đại”, hoặc cũng gọi là “hiện đại hóa truyền thống”.

Ông Vũ Quốc Tuấn đề nghị, cần  tổ chức nghiên cứu sâu sắc hơn nữa những vấn đề về lý luận và phương pháp luận cũng như về vai trò, vị trí của  mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay. Công tác tạo mẫu, tạo dáng là một loại hoạt động gắn bó chặt chẽ kinh tế với kỹ thuật, kỹ thuật với mỹ thuật; cũng tức là kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố kinh tế - kỹ thuật; văn hóa - thẩm mỹ với yếu tố khoa học - công nghệ..

"Trước yêu cầu của tình hình mới, nên có sự hợp tác chặt chẽ giữa những người làm công tác tạo mẫu, tạo dáng cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tức là các hội, hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ", ông Tuấn nêu giải pháp.

TS. Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khuyến nghị cần xây dựng Luật về làng nghề nhằm bảo tồn và phát triển vững chắc các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ trọng yếu, trên cơ sở bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, đưa văn hóa Việt Nam hòa nhập với thế giới và tăng cường khả năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.

"Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cũng cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhóm mặt hàng có lợi thế, gia tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt quan tâm đến thị hiếu của người tiêu dùng thường thay đổi theo thời gian - đây là giải pháp vô cùng quan trọng để tăng kim ngạch và xuất khẩu bền vững", TS Hóa khuyến nghị.

TS Nguyễn Thị Tòng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng mỹ thuật sản phẩm Làng nghề Việt Nam đề xuất cần xây dựng bộ tiêu chí về hàng thủ công mỹ nghệ, làm thế nào hàng hóa vừa đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, có giá trị thẩm mỹ, đáp ứng được nhu cầu sử dụng, có giá trị sử dụng, hàng hóa phải tiện dụng, phải tốt, giá thành hợp lý...  

Đồng thời, các doanh nghiệp, làng nghề nên liên doanh, liên kết với Trường Đại học mỹ thuật Công nghiêp thường xuyên mở các lớp đào tạo thiết kế mẫu mã ở trình độ Sơ cấp, Trung cấp mỹ thuật cho đội ngũ sáng tác mẫu mã. Bên cạnh đó, cần tổ chức thường xuyên các cuộc thi sáng tác mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đạt kết quả tốt, khuyến kích các mẫu mã có tính ứng dụng, có tính thương mại, có tính kỹ thuật, mỹ thuật để áp dụng sản xuất hàng loạt.