13:30 02/11/2018

Sản xuất và xuất khẩu gạo giai đoạn mới, đề cao vai trò của doanh nghiệp

Nguyễn Huyền

Ngành lúa gạo Việt chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 8 vùng kinh tế quan trọng, chiếm 12% diện tích đất tự nhiên, 32% diện tích đất nông nghiệp cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 8 vùng kinh tế quan trọng, chiếm 12% diện tích đất tự nhiên, 32% diện tích đất nông nghiệp cả nước.

Hội thảo thường niên chuyên ngành lúa gạo do Thời báo kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của lãnh đạo 2 Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các chuyên gia, diễn ra sáng 2/11 tại Tp. Cần Thơ. Năm nay với sự hợp tác của UBND Tp.Cần Thơ và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ hứa hẹn mang đến nhiều thông tin hữu ích về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo. Ban tổ chức hy vọng thông qua các kỳ Hội thảo có thể góp phần vào việc xây dựng chính sách ngành hàng lúa gạo.

Dựa theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, ước khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 10/2018 đạt 264,5 ngàn tấn gạo, kim ngạch 135,56 triệu USD, so với cùng kỳ 2017 tăng 22,96% về lượng và tăng 31,8% về giá trị. Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2018, ước khối lượng gạo xuất khẩu đạt 5,15 triệu tấn gạo với kim ngạch 2,6 tỷ USD. So với cùng kỳ tăng 6,62% về lượng và tăng 21,49% về kim ngạch.

Chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 8 vùng kinh tế quan trọng, chiếm 12% diện tích đất tự nhiên, 32% diện tích đất nông nghiệp cả nước, nổi tiếng là châu thổ lớn và phì nhiêu bậc nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Đây là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm, trái cây nhiệt đới, nuôi trồng thủy sản lớn nhất. Đặc biệt, trong 20 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản đã phát triển rất đáng kể, đóng góp quan trọng vào mục tiêu an ninh lương thực và xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, theo GS.TS Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện Trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, nếu cơ sở hạ tầng như bến cảng, kho bãi, chợ đầu mối, giao thông nông thôn, điện lực,... không phát triển nhanh để hỗ trợ tích cực cho nông nghiệp, nông thôn; Đồng bằng sông Cửu Long sẽ rất khó có thể phát huy tiềm năng lợi thế của một châu thổ phì nhiêu bậc nhất này.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, đầu tư vào đường xá nông thôn có thể đem lại mức lãi gấp 3 lần từ sản xuất nông nghiệp, đồng thời có tác dụng rõ rệt cho công tác xóa đói giảm nghèo.

"Việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở đây chưa đạt như mong muốn, vì chưa có giải pháp đúng về thị trường nông sản. Công nghệ sau thu hoạch rất yếu kém, chưa được đầu tư đúng mức. Thất thoát sau thu hoạch trên 2 triệu tấn thóc/năm. Công nghệ chế biến nông sản đáp ứng yêu cầu giá trị gia tăng còn rất thấp so với các nước trong khu vực", ông Bửu nhấn mạnh.

Còn theo các chuyên gia, cho dù thị trường lúa gạo có khởi sắc đến đâu nếu mỗi năm lượng lương thực tổn thất sau thu hoạch còn quá lớn thì tích luỹ của người nông dân vẫn không cao. Nếu ngành nông nghiệp giảm được tổn thất sau thu hoạch sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận cho người nông dân.

Thất thoát sau thu hoạch quá lớn

Trồng trọt là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, những thất thoát sau thu hoạch của ngành là nội dung cần được đầu tư trước mắt, có tính cấp thiết rõ ràng nhất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thừa nhận, các cuộc giải cứu nông sản, các điệp khúc được mùa mất giá... là do ngành nông nghiệp mới giải quyết được khâu sản xuất còn hai khâu bảo quản và chế biến nông sản vẫn còn yếu, dễ hình dung nhất nhất là tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch bình quân ở Việt Nam khoảnh 20% - 25%.

Cụ thể, ngành lúa gạo tổn thất 14%/năm tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng. Chăn nuôi, cây ăn quả tổn thất từ 10% - 25%, rau củ tổn thất 30%, đánh bắt thủy sản khoảng 30%. Hiện nay mức tổn thất sau thu hoạch của Việt Nam cao hơn tổn thất sau thu hoạch bình quân trên thế giới là 15% - 20%.

Việt Nam cần có những chương trình đào tạo người nông dân giúp họ tiếp cận các kỹ thuật giảm tổn thất sau thu hoạch, làm được Việt Nam có thể kéo giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, tận dụng được gần khoảng 20% -25% khối lượng nông sản bị tổn thất. Nếu giữ lại được ngần ấy lượng nông sản thất thoát có nghĩa là chúng ta sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả hơn và không gây lãng phí.

Vì thế, chưa bao giờ hơn lúc này vai trò của doanh nghiệp trở nên rõ ràng như vậy. Thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn, người ta càng khẳng định: nơi nào có bóng dáng của nhà doanh nghiệp tâm huyết, nơi đó bà con nông dân có cải tiến đáng kể thu nhập và an sinh xã hội.

Nông dân đang mong chờ những hành động có hiệu quả của doanh nghiệp trong đầu tư các dịch vụ sau thu hoạch, giảm thiểu thất thoát nông sản, tăng cường giá trị hạt thóc, để hạt gạo Việt Nam có thương hiệu trên thị trường quốc tế, tiếp cận thị trường bền vững hơn.

Đồng hành với doanh nghiệp nông nghiệp

Luôn đồng hành với những thăng trầm của ngành lúa gạo, Thời báo kinh tế Việt Nam đã tổ chức hội thảo lúa gạo thường niên từ năm 2012, nhằm kết nối nhà hoạch định với thực thi chính sách kết nối giữa các thành phần tham gia vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo đánh giá tình hình xuất khẩu nông sản trong 10 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu gạo được xem là điểm sáng. Nhiều năm qua lần đầu tiên giá gạo Việt Nam vượt qua gạo giá Thái Lan và trong điều kiện giá gạo của nhiều "ông lớn" trong làng xuất khẩu thế giới đều giảm thì gạo Việt Nam lội ngược dòng tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2018, khối lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 6,62% nhưng xét về giá trị lại tăng đến 21,49% so với cùng kỳ năm 2017 nhờ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh. Có thể nói, gạo là mặt hàng nông sản hiếm hoi của Việt Nam có giá xuất khẩu tăng cao, thậm chí cao hơn cả gạo Thái Lan lâu nay luôn có giá bán cao hơn gạo Việt Nam.

Kết quả sản xuất và xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm nay rất khả quan nhưng nhiều chuyên gia cũng đã dự báo tình hình xuất khẩu trong thời gian tới có thể gặp không ít khó khăn do Trung Quốc thay dổi chính sách nhập khẩu lương thực. Và giữa tháng 8/2018 Chính phủ đã ban hành nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo và có hiệu lực từ ngày 1/10/2018, hy vọng sẽ tạo được nhiều đột phá trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo…

Song, những thách thức: đảm bảo an ninh lương thực; đáp ứng xu hướng tiêu dùng gạo chất lượng, an toàn cho sức khỏe con người vẫn còn đó. Trong khi đó, xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu, những thay đổi trong ứng xử của các quốc gia về xuất nhập khẩu gạo cũng là những thách thức mà ngành gạo Việt Nam phải đối mặt và vượt qua, để khẳng định được thương hiệu, chất lượng, xứng tầm với tiềm năng của một quốc gia lợi thế về nông nghiệp

Đứng trước thực tế trên hội thảo lúa gạo 2018 đã được Ban tổ chức nghiên cứu và hướng nội dung tới chủ đề sản xuất và xuất khẩu gạo trong giai đoạn mới, khách mời là các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà sản xuất cùng chia sẻ, bàn thảo, phân tích những khó khăn và thuận lợi đối với ngành lúa gạo trong thời gian tới.

Hội thảo sẽ chính thức khai mạc vào chiều ngày 2/11/2018 tại Tp.Cần Thơ, và được được truyền thông rộng rãi tới độc giả cả nước.