Sắp “khai tử” dự án gần 2.700 tỷ đồng sau hơn nửa thập kỷ “đắp chiếu”
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn đã ký công văn số 17838/UBND-CN về việc không xem xét đề nghị của Công ty Hoàng Sơn về việc gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc...
UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự án nhà máy điện mặt trời của Công ty Hoàng Sơn được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 1/2017 và được điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 1/2019. Đến nay, các quyết định trên của UBND tỉnh đã hết hiệu lực pháp lý.
Tháng 2/2021, Công ty Hoàng Sơn đã có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, công ty này cam kết chuyển tiền để giải phóng mặt bằng vào quý 2/2021; khởi công xây dựng trong quý 3/2021 và hoàn thành xây dựng nhà máy để đóng điện trong quý 4/2022.
"Nếu quá tiến độ cam kết, công ty đồng ý với UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thu hồi dự án và công ty không được hoàn trả bất kỳ khoản tiền nào khác", Công ty Hoàng Sơn cam kết.
Tháng 4/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý gia hạn thời gian (lần cuối) đến hết ngày 30/9/2021 để Công ty Hoàng Sơn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Tuy nhiên, cho đến nay, Công ty Hoàng Sơn vẫn không thực hiện tiến độ đúng cam kết.
Theo hồ sơ gửi trước đó, dự án nhà máy điện mặt trời của Công ty Hoàng Sơn được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, có quy mô rộng 79 ha với 172 hộ dân có đất lâm nghiệp bị ảnh hưởng phải thu hồi. Kinh phí giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn huy động hợp pháp của chủ đầu tư. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, trên thực tế dù đã là những tháng cuối cùng của năm 2022 nhưng dự án gần như vẫn án binh bất động.
Giải thích lý do vì sao dự án chậm triển khai, đại diện chủ đầu cho rằng nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Trong số 172 hộ dân bị ảnh hưởng của giai đoạn 1 mới hoàn thành việc kiểm kê đối với đất lâm nghiệp và tài sản của 100 hộ dân, còn lại 72 hộ chưa hoàn thành việc kiểm kê nên chưa thể chi trả đền bù giải phóng mặt bằng.
Công ty Hoàng Sơn, chủ đầu tư, hiện vẫn chưa chuyển tiền cho UBND huyện Ngọc Lặc để giải phóng mặt bằng vào quý 2/2021; chưa khởi công xây dựng trong quý 3/2021; chưa hoàn thành xây dựng nhà máy để đóng điện trong quý 4/2022.
Vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc không xem xét đề nghị của Công ty Hoàng Sơn về việc gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo việc các quyết định trước đây đã hết hiệu lực pháp lý và không được UBND tỉnh gia hạn đến nhà đầu tư, không giải quyết các hồ sơ, thủ tục, công việc liên quan đến dự án.
Dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ ngày 25/1/2017. Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2.681 tỷ đồng do Công ty Hoàng Sơn làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu 403 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng thương mại 2.278 tỷ đồng. Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng của dự án này khoảng 150ha. Công suất thiết kế của nhà máy điện năng lượng mặt trời này là 90MW. Dự án gồm nhà điều hành 3 tầng (khoảng 500m2), nhà xưởng kết hợp kho (20.000m2), móng đặt tấm pin năng lượng mặt trời (1.080.000m2) và một số công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác.
Theo đúng tiến độ thì dự án được khởi công từ quý 1/2017 và đưa vào sử dụng từ quý 4/2019. Tuy nhiên, dự án có vốn đầu tư nghìn tỷ này lại "đắp chiếu" từ đó đến nay. Mặt khác, việc chủ đầu tư chậm triển khai dự án đã khiến cho khu đất bị bỏ hoang trong nhiều năm do người dân không thể canh tác.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 3 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 235MW đã được phê duyệt quy hoạch. Trong đó: Nhà máy điện mặt trời Yên Thái (30MW) đã vận hành; 2 dự án điện mặt trời Thanh Hóa I (160MW) và điện mặt trời Kiên Thọ (45 MW) đang đầu tư, các dự án triển khai chậm tiến độ do hiện chưa có cơ chế giá bán điện. Có 619 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 57,05MW đã được lắp đặt, hiện đang vận hành ổn định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 09 dự án điện mặt trời với tổng công suất 561,6 MW; tuy nhiên, theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia đến năm 2030 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt, các dự án điện mặt trời này chỉ có thể phát triển theo hình thức tự sản, tự tiêu, không phát lên lưới.