15:00 15/05/2013

Sắp trình Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính

Nguyễn Lê

Chưa có thông tin về nhân sự cụ thể sẽ thay Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng kiểm toán Nhà nước

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (trái) và Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ (trái) và Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng.
Tại phiên họp sáng 15/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ năm của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu không bố trí làm nhân sự vào thứ Bảy.

"Bộ trưởng Bộ Tài chính được cử đi làm nhiệm vụ khác, nên sẽ thay, Tổng kiểm toán Nhà nước lần này cũng có điều chuyển, nên cũng sẽ thay", Chủ tịch nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh ở kỳ họp tới các cơ quan liên quan phải trình Quốc hội miễn nhiệm hai chức danh là Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng kiểm toán Nhà nước.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, ngày thứ Bảy (25/5) sẽ dành để xem xét về công tác nhân sự, tuy nhiên một số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng quan điểm với Chủ tịch là không nên làm nhân sự vào ngày nghỉ.

Tuy nhiên, thông tin từ phiên họp sáng nay cũng không cho biết về nhân sự cụ thể sẽ thay Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng kiểm toán Nhà nước.

Hồi tháng 2 đầu năm nay, Thủ tướng đã phân công Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận bàn giao và trực tiếp phụ trách Bộ Tài chính, trong bối cảnh ông Vương Đình Huệ sẽ không tiếp tục kiêm nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính nữa, mà tập trung vào công việc của Trưởng ban Kinh tế Trung ương theo sự phân công của Bộ Chính trị trước đó.

Tổng kiểm toán Nhà nước hiện nay là ông Đinh Tiến Dũng, người từng là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Ban công tác đại biểu đề nghị chỉ bố trí thảo luận ở đoàn khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy cần thiết, vì có thể đại biểu sẽ không có yêu cầu làm rõ hay xác minh các vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm hoặc nếu có thì sẽ không đủ thời gian để người được lấy phiếu tín nhiệm và các cơ quan có thẩm quyền giải trình, làm rõ.

Việc trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn và báo cáo kết quả xác minh, giải trình về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khi thấy cần thiết. Đồng thời, chuyển nội dung công bố kết quả kiểm phiếu từ cuối buổi sáng sang cuối buổi chiều cùng ngày để tăng thời gian cho việc kiểm phiếu, vì số phiếu hợp lệ, không hợp lệ được tính cho từng đối tượng là khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị giữ nguyên thời gian thảo luận ở đoàn vì không thể phán đoán là đại biểu có yêu cầu hay không. "Vẫn phải bố trí thảo luận cho nghiêm túc", bà Mai đề nghị.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng trong việc lấy phiếu tín nhiệm thì quan trọng nhất là người bỏ lá phiếu, làm sao đại biểu công tâm khách quan không bị tác động, đánh giá tín nhiệm một cách chính xác.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý sự hài hòa khi đưa tin và bình luận về các bộ trưởng trên báo chí "để tránh dư luận lại bảo là lợi ích nhóm hay vận động gì đó phức tạp".

Liên quan đến các nội dung khác tại kỳ họp, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung các báo cáo riêng gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu về nhiều vấn đề.

Như, tình hình thực hiện quy hoạch phát triển thủy điện giai đoạn 2011-2020 liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vườn quốc gia. Tình hình thực hiện dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Việc quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông giai đoạn 2006-2011.

Công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, bảo đảm lợi ích của người dân; việc thực hiện quy định không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán và việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức bán vàng miếng thông qua đấu giá trong thời gian vừa qua cũng là nội dung được yêu cầu báo cáo bổ sung.

Theo dự kiến chương trình mới nhất, kỳ họp Quốc hội thứ 5 sẽ khai mạc vào sáng 20/5 và bế mạc vào sáng 21/6.