10:21 03/09/2019

Sau đợt áp thuế mới nhất, đàm phán Mỹ-Trung trở nên mờ mịt hơn

Bình Minh

Mỹ và Trung Quốc chưa thể nhất trí về lịch trình cho vòng đàm phán thương mại dự kiến diễn ra trong tháng 9

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc chưa thể nhất trí về lịch trình cho vòng đàm phán thương mại dự kiến diễn ra trong tháng 9 này, sau khi Washington từ chối đề nghị của Bắc Kinh về hoãn đợt áp thuế quan có hiệu lực vào cuối tuần vừa rồi - hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay.

Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã có những nỗ lực nhằm trấn an thị trường tài chính, nói rằng các cuộc thảo luận giữa hai nước vẫn diễn ra tích cực và một vòng đàm phán trực tiếp sắp diễn ra. Tuy nhiên, theo nguồn tin, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa nhất trí được những điểm căn bản để nối lại đàm phán và sự nghi ngờ lẫn nhau đang ở mức cao.

Hiện Mỹ và Trung Quốc chưa nhất trí được về một ngày cụ thể để các nhà đàm phán Trung Quốc tới Washington dự họp - nguồn tin nói, nhưng cũng cho biết thêm rằng đây chưa hẳn là một dấu hiệu cho thấy kế hoạch đàm phán sẽ bị hủy.

Theo tiết lộ của nguồn tin, trong tuần qua, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã không thể đạt nhất trí ở ít nhất hai vấn đề - một là đề xuất của Mỹ về thiết lập một vài thông số cho vòng đàm phán sắp tới, và hai là đề xuất của Trung Quốc về hoãn áp thuế quan mới.

Hôm 1/9, Mỹ chính thức thu thuế quan bổ sung 15% đối với lô đầu tiên trong kế hoạch áp thuế 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Như đã tuyên bố từ trước, Trung Quốc ngay lập tức trả đũa bằng cách áp thuế bổ sung 5-10% lên lô đầu tiên trong kế hoạch áp thuế 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong đó có dầu thô.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tuyên bố đã đâm đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Mỹ áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng nước này đã chuẩn bị sẵn sàng để vượt qua biến động kinh tế.

"Đã đến lúc chính quyền Mỹ nên xem lại cách nghĩ xấu và hành động thù địch của họ với Trung Quốc", một bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc có đoạn viết. "Tìm giải pháp đi đến một thỏa thuận thương mại là hướng đi hữu ích hơn".

Gần đây, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng ảnh hưởng xấu của thương chiến đối với nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ có thể làm suy giảm khả năng tái đắc cử Tổng thống của ông Trump trong cuộc bầu cử 2020. Chỉ số &P 500 của chứng khoán Phố Wall đã giảm 1,8% trong tháng 8 do nhà đầu tư mất niềm tin vào các tài sản rủi ro trong bối cảnh thương chiến đặt ra nhiều bấp bênh.

"Trung Quốc đang dịch chuyển, chúng tôi đang làm rất tốt", ông Trump nói với báo giới vào cuối tuần vừa rồi. "Chúng tôi đang đàm phán với Trung Quốc, cuộc gặp vẫn sẽ diễn ra trong tháng 9. Điều này chưa hề thay đổi, Trung Quốc không thay đổi kế hoạch, chúng tôi cũng không. Hãy chờ xem điều gì xảy ra, nhưng chúng tôi không thể để Trung Quốc tiếp tục bóc lột chúng ta với tư cách một quốc gia".

Trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói "điều quan trọng nhất vào lúc này là tạo điều kiện quan trọng để đàm phán tiếp tục giữa Trung Quốc và Mỹ".

Những ảnh hưởng tiêu cực của thương chiến đối với nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng rõ. Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm thứ Bảy cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này đã giảm xuống mức 49,5 điểm, cho thấy ngành sản xuất đang suy giảm.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa tỏ ra lo ngại. Hôm Chủ nhật, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ra một tuyên bố nói rằng rủi ro nói chung vẫn đang "trong tầm kiểm soát" và nền kinh tế vẫn ổn định.