07:10 18/10/2017

Sau thất bại ở Iraq, IS tiếp tục bị đánh bật khỏi “thủ phủ” ở Syria

An Huy

Thành phố Raqqa của Syria, nơi IS đặt "thủ đô" đã được giải phóng khỏi tổ chức khủng bố khét tiếng này

Một chiến binh SDF ăn mừng chiến thắng IS trên đường phố Raqqa ngày 17/10 - Ảnh: Reuters.<br>
Một chiến binh SDF ăn mừng chiến thắng IS trên đường phố Raqqa ngày 17/10 - Ảnh: Reuters.<br>
Một liên minh người Kurd ở Syria và các chiến binh Arab có sự hậu thuẫn của Mỹ ngày 17/10 tuyên bố đã giành toàn quyền kiểm soát Raqqa - thành phố mà tổ chức khủng bố tự xưng “Nhà nước Hồi giáo (IS) từng đặt “thủ đô”.

Theo tin từ BBC, ông Talal Sello, phát ngôn viên của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) nói rằng chiến dịch kéo dài 5 tháng nhằm giải phóng Raqqa khỏi IS đã kết thúc. Hiện các binh sỹ thuộc lực lượng này vẫn đang truy quét nốt các phần tử phiến quân IS và thực hiện công tác rà phá bom mìn.

Theo dự kiến, một tuyên bố chính thức về chiến thắng IS tại Raqqa, chấm dứt 3 năm cai trị của tổ chức khủng bố khét tiếng tại thành phố Syria này, sẽ sớm được đưa ra.

Vào sáng sớm ngày thứ Ba, SDF đã đánh vào hai cứ điểm lớn cuối cùng của IS tại Raqqa, gồm sân vận động thành phố và Bệnh viện Quốc gia Syria. Hãng tin Reuters nói rằng các chiến binh SDF đã giương cờ của Đơn vị Bảo vệ dân chúng, một nhóm du kích người Kurd giữ vai trò chính trong SDF, bên trong sân vận động, ăn mừng chiến thắng trên đường phố và hô vang các khẩu hiệu.

Hàng chục chiến binh ngoại của IS được cho là đã cầm cự bên trong sân vận động trước khi bị tiêu diệt. Ngoài ra, 22 chiến binh IS khác được cho là đã bị tiêu diệt trong cuộc tấn công cuối cùng nhằm vào bệnh viện. Trước khi cuộc tấn công cuối cùng diễn ra, có khoảng 300 chiến binh IS được cho là có mặt ở Raqqa vào ngày Chủ nhật.

“Mọi thứ đã kết thúc ở Raqqa, lực lượng của chúng tôi đã giành toàn bộ quyền kiểm soát hành phố”, ông Sello cho biết vào buổi chiều ngày thứ Ba. “Chiến dịch quân sự đã xong, nhưng chúng tôi vẫn đang rà soát để phát hiện những phần tử IS còn ẩn nấp và tiến hành gỡ mìn”.

IS chiếm Raqqa vào đầu năm 2014, vài tháng sau khi thành phố trở thành thủ phủ tỉnh đầu tiên ở Syria rơi vào tay lực lượng nổi dậy trong cuộc nội chiến ở nước này. Chiếm được Raqqa, IS đặt cơ quan đầu não của nhà nước tự xưng tại đây.

Kể từ đó, IS đã khiến Raqqa thay đổi chóng mặt. Chúng áp đặt diễn giải cực đoan nhất của luật Hồi giáo, sử dụng các hình thức chặt đầu, đóng đinh, tra tấn… để trấn áp những cư dân phản đối sự cai trị của chúng.

Cùng với đó, Raqqa trở thành nơi tập trung của hàng nghìn chiến binh thánh chiến từ khắp nơi trên thế giới nghe theo tiếng gọi của thủ lĩnh tối cao IS, tên Abu Bakr al-Baghdadi.

Khoảng 15.000 chiến binh SDF, với sự hỗ trợ của các cuộc không kích do liên minh Mỹ dẫn đầu thực hiện và lực lượng đặc biệt trên mặt đất, đã bắt đầu chiến dịch giành lại Raqqa từ tháng 11 năm ngoái. Lực lượng này đã bao vây thành phố trước khi phá vỡ hàng rào phòng thủ của IS ở ngoại ô thành phố vào tháng 6.

Trước thất bại ở Raqqa, IS đã bị đánh bật khỏi Mosul, thành lũy chính của chúng ở Iraq, vào tháng 7 vừa qua. Chiến dịch giải phóng Mosul, thành phố lớn nhất từng rơi vào tay IS, đã khiến nhiều khu vực rộng lớn của thành phố bị phá hủy, hàng nghìn dân thường thiệt mạng, và gần 1 triệu người rơi vào cảnh mất nhà cửa.

Hai thất bại liên tiếp này đồng nghĩa với lãnh thổ rộng lớn mà IS từng chiếm ở Syria và Iraq thu hẹp mạnh. Trùm khủng bố al-Baghdadi, kẻ tuyên bố thành lập “Nhà nước Hồi giáo” 4 năm trước, cách đây không lâu bị đồn đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, vào cuối tháng 9, IS tung một đoạn ghi âm được cho là của al-Baghdadi kêu gọi tín đồ thực hiện các cuộc tấn công.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 17/10 tuyên bố Marawi - thành phố miền Nam Philippines bị phiến quân Maute thân IS chiếm mấy tháng qua - đã được giải phóng. Trước đó, quân đội Philippines tuyên bố đã tiêu diệt được tên Isnilon Hapilon, kẻ được xem là trùm khủng bố IS tại khu vực Đông Nam Á, và tên Omar Maute, một trong hai kẻ cầm đầu nhóm Maute.

Trong chiến dịch giải phóng Marawi kéo dài 5 tháng, hơn 800 phần tử phiến quân đã bị tiêu diệt, 150 binh sỹ quân đội và gần 50 dân thường thiệt mạng. Hàng nghìn người Marawi phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Chính phủ Philippines ước tính sẽ phải mất hơn 1 tỷ USD để tái thiết thành phố này.